Cấm soạn thảo, lưu giữ tài liệu bí mật Nhà nước trên mạng máy tính

Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua 9 dự án luật, trong đó có Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước được xây dựng từ Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước, với nhiều nội dung quan trọng.

Theo Luật được thông qua, bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Hình thức chứa bí mật Nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật Nhà nước được phân loại thành 3 độ mật, bao gồm: Bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, đối ngoại, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước. Ảnh: P.Thảo

Bí mật Nhà nước độ Tối mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán Nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại rất nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Bí mật Nhà nước độ Mật là bí mật Nhà nước liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, cơ yếu, lập hiến, lập pháp, tư pháp, đối ngoại, kinh tế, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, thông tin và truyền thông, y tế, dân số, lao động, xã hội, tổ chức, cán bộ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, kiểm toán Nhà nước, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến hết thời hạn sau: 30 năm đối với bí mật Nhà nước độ Tuyệt mật; 20 năm đối với bí mật Nhà nước độ Tối mật; 10 năm đối với bí mật Nhà nước độ Mật. Trước đó, khi thảo luận về dự án luật này, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định thành lập Hội đồng thẩm định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để thẩm định danh mục bí mật Nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh là thông tin có tính chuyên ngành, đặc thù, trong đó có những thông tin cần được bảo vệ kể từ khi bắt đầu xây dựng dự thảo danh mục bí mật Nhà nước. Việc quy định thành lập Hội đồng thẩm định sẽ không bảo đảm yêu cầu bảo vệ thông tin. Mặt khác, thực tế hiện nay, danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đang được xây dựng theo quy trình rất chặt chẽ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đều lấy ý kiến tham gia, thẩm định của các đơn vị chuyên môn, rà soát kỹ nội dung trước khi ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định nội dung này trong dự thảo luật được thông qua.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trên mạng máy tính, vì nếu hiểu mạng máy tính là mạng nội bộ không kết nối internet thì sẽ gây khó khăn và tốn kém kinh phí cho các cơ quan trong việc xử lý văn bản có nội dung mật.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng máy tính hoặc thiết bị kết nối với mạng máy tính, mạng viễn thông để soạn thảo, lưu giữ bí mật Nhà nước sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị xâm nhập từ bên ngoài và thậm chí từ những cá nhân được phép sử dụng mạng nội bộ, gây mất an ninh, an toàn thông tin, lộ, mất bí mật Nhà nước.

Thực tế, qua kiểm tra công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và bảo vệ bí mật Nhà nước trên môi trường mạng máy tính đối với một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã phát hiện nhiều máy tính nối mạng LAN, WAN, internet bị lây nhiễm các biến thể mã độc thuộc nhiều dòng virus khác nhau. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ quốc hội đề nghị quy định như tại khoản 5 Điều 5 dự thảo luật được thông qua.

Phạm vi bí mật Nhà nước là giới hạn thông tin quan trọng trong các lĩnh vực sau đây chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc:

1. Thông tin về chính trị:

a) Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối nội, đối ngoại;

b) Hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước;

c) Chiến lược, đề án về dân tộc, tôn giáo và công tác dân tộc, tôn giáo liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;

d) Thông tin có tác động tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội.

2. Thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu:

a) Chiến lược, kế hoạch, phương án, hoạt động bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chương trình, dự án, đề án đặc biệt quan trọng;

b) Tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cơ yếu;

c) Công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; sản phẩm mật mã của cơ yếu.

3. Thông tin về lập hiến, lập pháp, tư pháp:

a) Hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước;

b) Thông tin về khởi tố; công tác điều tra, thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xét xử, thi hành án hình sự… (Theo khoản 1, 2, 3 Điều 7 về Phạm vi bí mật Nhà nước)

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cam-soan-thao-luu-giu-tai-lieu-bi-mat-nha-nuoc-tren-mang-may-tinh-128384.html