Cam Ranh: Nhiều đề tài khoa học công nghệ phát huy giá trị

Theo báo cáo của UBND thành phố Cam Ranh, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố có nhiều đề tài khoa học công nghệ đã phát huy giá trị.

Theo báo cáo của UBND TP. Cam Ranh, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố có nhiều đề tài khoa học công nghệ (KH-CN) đã phát huy giá trị.

Cụ thể, thành phố có 2 đề tài KH-CN cấp tỉnh gồm: “Nghiên cứu xác định đối tượng và cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất thoái hóa tại xã Cam Thịnh Tây” và “Ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cam Thành Nam”. Đối với đề tài “Nghiên cứu xác định đối tượng và cơ cấu cây trồng phù hợp trên đất thoái hóa tại xã Cam Thịnh Tây”, người dân xã Cam Thịnh Tây tiếp tục duy trì mô hình trồng giống keo nuôi lai cấy mô với diện tích 1,2ha tại thôn Thịnh Sơn. Các mô hình khác không còn duy trì do Nhà nước đã thu hồi đất thoái hóa bạc màu của các hộ để thực hiện các dự án nhà máy sản xuất điện mặt trời. Đối với đề tài “Ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cam Thành Nam”, người dân thôn Quảng Hòa đã nhân rộng 0,6ha trồng táo theo quy trình. Hiện tại, UBND xã Cam Thành Nam tiếp tục vận động các hộ trên địa bàn đẩy mạnh ứng dụng quy trình nhằm xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu tập thể táo Cam Thành Nam.

Đối với xây dựng và triển khai đề tài KH-CN cấp cơ sở, UBND tỉnh phê duyệt 2 nhiệm vụ KH-CN gồm: “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cư dân vùng biển đảo ở TP. Cam Ranh” và “Xây dựng mô hình ủ phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Cam Thịnh Tây”. Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cư dân vùng biển đảo ở TP. Cam Ranh” đã tổng hợp, phân tích làm sáng tỏ các giá trị văn hóa truyền thống giúp địa phương có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể. Đề tài “Xây dựng mô hình ủ phân chuồng phục vụ sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Cam Thịnh Tây” đã xây dựng được 3 mô hình ủ phân chuồng phục vụ sản xuất mang lại hiệu quả tại xã, 4 mô hình trồng trọt sử dụng phân chuồng đã ủ cho cây trồng có năng suất chất lượng, góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số xã Cam Thịnh Tây trong việc sử dụng phân hữu cơ để phục vụ sản xuất, cải tạo đất thoái hóa bạc màu tại khu vực canh tác sản xuất.

Ngoài ra, thành phố còn triển khai nhiều mô hình sản xuất trong nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực như: Mô hình thâm canh giống lúa Đài Thơm 8, mô hình thâm canh bắp nếp lai HN 88, mô hình nuôi thương phẩm sò dương, mô hình nuôi tôm chân trắng ứng dụng chế phẩm vi sinh…

Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, việc ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác KH-CN và nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động KH-CN cấp huyện còn hạn chế.

V.Kỳ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoahoc-congnghe/202010/cam-ranh-nhieu-de-tai-khoa-hoc-cong-nghe-phat-huy-gia-tri-8189688/