Cầm quả táo được phát miễn phí trên máy bay qua cửa khẩu Mỹ, nữ hành khách bị phạt $500

Chuyện tưởng như đùa này đã diễn ra tại sân bay quốc tế ở Minneapolis, một nữ hành khách bị phạt đến 500 USD vì tội danh đem nông sản từ nước ngoài vào Mỹ mà không khai báo và điều lạ lùng hơn là thứ khiến cô bị phạt lại là một quả táo được phát miễn phí trên chuyến bay của Delta Air Lines từ Pháp trở về Mỹ.

Cô Crystal Tadlock - sống tại Denver cho biết trên chuyến bay từ Pháp về Mỹ hôm thứ 4 vừa qua, cô được Delta Air Lines phát cho một quả táo và lúc đó không thấy đói nên cô đem theo xuống máy bay để ăn vặt trong thời gian đợi chuyến bay trở về Denver, bang Colorado.

Quả táo tươi, vẫn còn nguyên trong lớp seal nilon khi bị Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) tại Minneapolis phát hiện và xử phạt. CBP cho rằng Tadlock đã phớt lờ nhiều dấu hiệu cảnh báo từ bộ phận hải quan về đồ vật cần phải khai báo khi nhập cảnh tại Minneapolis.

Cô Crystal Tadlock cùng với túi niêm phong quả táo và biên bản phạt nóng $500.

Nói với kênh Fox 31, Tadlock cho biết một nhân viên thuộc CBP đã tiến lại hỏi cô rằng: "Liệu chuyến bay của tôi đến Pháp có đắt hay không, tôi trả lời là Yeah và thậm chí không hiểu vì sao anh ta lại hỏi tôi như vậy. Sau đó anh ta nói 'chuyến bay của cô sẽ còn đắt hơn nhiều sau khi tôi phạt cô thêm 500 USD." Rốt cuộc Tadlock bị phạt 500 USD và quan trọng hơn là bị thu hồi giấy phép nhập cảnh nhanh vào Mỹ (thẻ Global Entry Status).

Hãng hàng không Delta Air Lines khi được hỏi về vụ việc của Tadlock thì người phát ngôn Michael Thomas nói rằng hãng khuyến khích các hành khách "tuân thủ những chính sách và yêu cầu của Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ." Trong khi đó, CBP vẫn từ chối công bố chi tiết về vụ việc của Tadlock cũng như những thông tin điều tra cụ thể lấy lý do là chính sách riêng tư. Tuy nhiên, đại diện CBP Steven Bansbach nhấn mạnh rằng "tất cả các loại nông sản bắt buộc phải được khai báo".

Tadlock cho biết cô cảm thấy bị xử phạt vô lý bởi trên quả táo lúc đó còn nguyên seal với logo hãng hàng không Delta Air Lines. Cô nhấn mạnh điều này với nhân viên của CBP bởi quả táo này là một sản phẩm đã được phê chuẩn bởi một hãng hàng không của Mỹ. Cô nói: "Thật sự quá đen đủi đối với một người phải trải qua chuyện này và bị đối xử như một tên tội phạm chỉ vì một mẫu trái cây."

Nói với tờ The Washinton Post, một quan chức của Delta Air Lines cho biết những thực phẩm trên máy bay "được cung cấp cho hành khách với mục đích họ phải dùng nó ngay trên máy bay." Do đó, vụ việc này khó có thể dẫn đến một sự điều chỉnh hay xem xét lại về những thực phẩm dễ hỏng được phục vụ cho hành khách trên máy bay.

Dù bị xử phạt nhưng Tadlock cho biết cô sẽ chiến đấu tới cùng để đòi lại số tiền phạt này.

Trích dẫn thông báo từ CBP:

Rất nhiều sản phẩm nông nghiệp bị cấm đưa vào Hoa Kỳ từ một số quốc gia nhất định bởi chúng có thể mang theo những loại sâu hại và bệnh dịch từ động vật nước ngoài. Tất cả nông sản bắt buộc phải được kê khai và đưa ra kiểm ta bởi một chuyên gia nông nghiệp thuộc CBP tại các cửa khẩu để đảm bảo chúng không mang theo sâu hại hay bệnh dịch. Những vật phẩm bị cấm hay giới hạn đưa vào Mỹ có thể bao gồm các loại thịt, trái cây tươi và rau củ quả, cây trồng, hạt giống, đất và những sản phẩm được làm từ động vật hay vật liệu nuôi trồng.

Những vật phẩm nông nghiệp đã khai báo với số lượng phi thương mại được CBP phát hiện và xác định cấm hay hạn chế mang vào Mỹ có thể bị buộc bỏ lại ngay tại cửa khẩu trong trường hợp hành khách muốn tiếp tục vào Mỹ. Tuy nhiên, những nông sản bị cấm nhưng không khai báo sẽ bị tịch thu và có thể dẫn đến một mức phạt dân sự. Tất cả nông sản được yêu cầu bỏ lại hay tịch thu tại cửa khẩu sẽ được tiêu hủy theo các phương pháp được Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ ( USDA ) quy định nhằm ngăn ngừa lây lan sâu hại và dịch bệnh.

Sâu hại và bệnh dịch nông nghiệp là một mối đe dọa cho hoạt động sản xuất trồng trọt và ngành chăn nuôi Hoa Kỳ. Một số loại bệnh dịch trên động vật có thể lây lan nhanh và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho vật nuôi, dẫn đến tổn thất sản xuất, khiến chi phí cho các sản phẩm như thịt, sữa tăng lên. Sâu bệnh hại thực vật cũng như các chủng loài thực vật xâm lấn có thể gây mất mùa và tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên, cây cỏ. Sâu bệnh có thể làm tăng giá thành đối với người tiêu dùng bởi phần chi phí đội lên từ hoạt động diệt trừ sâu bệnh cũng như năng suất cây trông thấp hơn. Sâu hại và dịch bệnh cây trồng có nguy cơ cao còn ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế do sự sụt giảm hoạt động thương mại với các sản phẩm nguồn gốc từ Mỹ đến các nước trên thế giới…

Bấm để mở rộng...

Theo: The Washington Post

Nguồn Tinh Tế: https://tinhte.vn/threads/cam-qua-tao-duoc-phat-mien-phi-tren-may-bay-qua-cua-khau-my-nu-hanh-khach-bi-phat-500.2788209/