Cảm phục tinh thần vượt khó của cậu học trò vùng cao

Mỗi cuối tuần, Nguyễn Thành Đạt (Hoành Bồ - Quảng Ninh) đi về hàng trăm cây số để theo đuổi lớp học tiếng anh tại TP. Hạ Long. Nỗ lực vượt khó của cậu học trò miền núi với khát vọng 'được du học nước Anh' khiến không ít người vừa cảm phục, vừa xúc động.

 Em Nguyễn Thành Đạt chia sẻ về tiếng Anh với các bạn cùng điểm trường.

Em Nguyễn Thành Đạt chia sẻ về tiếng Anh với các bạn cùng điểm trường.

“Mê” tiếng Anh từ khi chưa biết chữ

Nguyễn Thành Đạt hiện đang là học sinh lớp 2A1 – Trường TH&THCS Đồng Sơn, huyện Hoành Bồ. Mẹ em – chị Lê Thị Năm - là cô giáo cắm bản đã 8 năm nay, Đạt theo bố mẹ lên vùng đất này được 5 năm.

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Đạt đã sớm bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với tiếng Anh. Thậm chí, ngay cả khi chưa biết chữ, em vẫn có sự hứng thú đặc biệt với những chương trình bằng tiếng Anh trên tivi. Em thường hỏi mẹ những câu hỏi “Mẹ ơi, người ta nói tiếng gì vậy? Sao con không nói được như người ta?”

Chia sẻ với chúng tôi, chị Năm cho biết: “Từ nhỏ Đạt đã thích tiếng Anh. Mỗi lần nghe người ta nói tiếng Anh trên ti vi là con thích lắm. Có hôm mẹ soạn thời khóa biểu, con tò mò bảo mẹ đọc cho con nghe, thấy các anh chị được học môn tiếng Anh, con mới nói là các anh chị được học tiếng Anh, con không được học à, vậy con không biết tiếng Anh à”,… Chị Năm giải thích cho con muốn nói được tiếng Anh thì con phải học, thậm chí nếu học giỏi còn được đi du học,…

Em Nguyễn Thành Đạt đam mê tiếng Anh.

Niềm đam mê cứ thế nhen nhóm và lớn dần trong Đạt. Bước sang năm học lớp 1, em khóc rồi năm nỉ xin mẹ cho đi học tiếng Anh bằng được. Nói về tình yêu của mình dành cho tiếng Anh, Đạt chia sẻ: “Vì tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu nên em muốn học tiếng Anh để nói chuyện được với mọi người. Em hay xem và nghe các chương trình có tiếng Anh rồi nói theo”. Đạt cũng cho biết, em rất yêu thích khoa học kỹ thuật, nhất là robocon, đây cũng là động lực thôi thúc em phải quyết tâm học thật giỏi tiếng Anh hơn để có thể trao đổi những kiến thức về kỹ thuật bằng tiếng Anh với mọi người.

“Ngọn nến” nhỏ nơi xã nghèo

Đồng Sơn là xã vùng cao của huyện Hoành Bồ, thuộc diện 135 với 100% đồng bào dân là dân tộc Dao. Nơi đây mới có điện chưa đến chục năm nay chứ chưa nói đến điều kiện internet để tiếp cận học tập. Trong khi những người bạn học cùng đều là người Dao, nói tiếng Kinh còn khó khăn, cấp tiểu học lại chưa có chương trình học tiếng Anh thì mong muốn của Đạt được ví như ngọn nến nhỏ nơi xã nghèo.

Chị Năm phần vì thương con, thấu hiểu tinh thần ham học hỏi của con nên tìm hiểu và biết được dưới thành phố Hạ Long có rất nhiều trung tâm dạy tiếng Anh. Chị quyết định, với đồng lương giáo viên ít ỏi, dù khó khăn đến mấy cũng sẽ đăng ký cho Đạt được theo học tiếng Anh ở Trung tâm Apax English (Tập đoàn Egroup).

Cuộc hành trình đến với tiếng Anh của hai mẹ con bắt đầu với biết bao gian truân. Đạt học tại điểm trường cách nhà 4km, còn chị Năm lại dạy ở điểm trường cách nơi Đạt học 10km. Thời gian học và dạy của hai mẹ con không giống nhau. Để thuận tiện cho việc đi lại học tập, chị Năm đã đăng ký khung giờ học cho Đạt bắt đầu từ 10h sáng thứ bảy, chủ nhật cuối tuần.

Dù đã lựa chọn trung tâm gần nhất, nhưng quãng đường từ nhà đến nơi học cũng gần 60km, cả đi lẫn về là quãng đường hơn 100km. Không chỉ xa, quãng đường ấy còn đầy những gập ghềnh, thử thách ý chí của hai mẹ con. Đó là những lần phải vượt suối, đổ đèo, vượt những đoạn dốc khúc khuỷu,…

“Phải mất hơn 2 tiếng để đi từ nhà tới trung tâm. Hôm nào trời mưa hay sương mù nhiều thì hai mẹ con phải đi sớm hơn. Có lần mưa lũ, nước dâng tràn cầu, hai mẹ con phải đợi có xe chở gỗ nào đi qua thì nhờ hỗ trợ qua cầu. Đến được trung tâm, cả hai mẹ con đều ướt như chuột lột”, chị Năm xúc động nhớ lại. Sự gian nan, vất vả đã có lúc khiến chị Năm nhụt chí, chị khuyên Đạt tạm hoãn chuyện học tiếng Anh để sau này khi lớn hơn sẽ học tiếp. Thế nhưng, Đạt đã khóc và nói: “Dù khó khăn đến mấy con cũng sẽ cùng mẹ quyết tâm vượt qua”.

Tinh thần vượt lên trên tất cả, cứ mỗi sáng hai ngày cuối tuần, trên chiếc xe máy cũ đã sờn màu, Đạt lại cùng mẹ lên đường, vượt đèo, lội suối về thành phố học. Công việc ở trường khá nhiều nên trong lúc chờ Đạt thì chị Năm cũng tranh thủ mang bài vở ra làm. Khi nào tan học, hai mẹ con lại cùng nhau trở về nhà. Trong suốt cuộc hành trình về thành phố học tiếng Anh của hai mẹ con, một chiếc bơm tay kèm bộ đồ vá săm xe và quần áo mưa là những vật dụng không thể thiếu. Chị Năm chia sẻ: “Lúc trước, có lần xe bị thủng săm, hai mẹ con cứ đi được một đoạn lại xuống bơm xe rồi về thành phố sửa. Giờ có đồ rồi, nếu chẳng may xe gặp sự cố thì chị lại ngả xe bên đường để sửa”.

Nhưng như để thử thách đến cùng sự ham học của cậu học trò nhỏ, mộ tai nạn bất ngờ xảy đến với Đạt. Trong một lần hai mẹ con xuống trung tâm để học, em bị va chạm gãy chân và phải bó bột ở nhà mất 7 tháng, dù thời gian theo học chưa được bao lâu. Không thể đến trung tâm học cùng các bạn, Đạt rất buồn. Em tâm sự với mẹ: “Mẹ ơi, sao con lại đen đủi thế này, không đi học được”. Trong thời gian không đến trung tâm học được, em tự học tiếng Anh qua sách.

Thương con không có điều kiện để giao tiếp tiếp Anh thường xuyên như các bạn dưới thành phố, chị Năm đã đăng ký gói mạng internet bằng điện thoại để hỗ trợ Đạt xem thêm những bài giảng của các thầy cô. Tuy nhiên, việc học qua mạng của Đạt cũng hết sức khó khăn, vì điện thoại lúc có sóng, lúc không. “Những hôm mẹ phải đi điểm trường lẻ, con phải ở nhà một mình học “chay” qua sách”, chị Năm tâm sự.

Vượt qua khó khăn và thiếu thốn, hơn 1 năm qua, Đạt đã cùng với mẹ miệt mài đến trung tâm để theo học. Em trở thành học sinh tiểu học duy nhất của xã biết nói tiếng Anh, thậm chí nói lưu loát. “Từ năm học lớp 1, thủa ban đầu mới đi học về, học được từ nào mới, con lại kể cho mẹ nghe rồi mẹ con cùng học tiếng Anh với nhau”, chị Năm nói trong hạnh phúc.

Trần Kiều

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/cam-phuc-tinh-than-vuot-kho-cua-cau-hoc-tro-vung-cao-663656.ldo