Cảm phục tấm lòng thầy hiệu trưởng, cha nuôi cậu bé tí hon người lùn đầu chim

Thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã không ngại ngùng khi nhận cậu bé có hình thù nhỏ như chú chim về chăm sóc, rồi đưa đi khắp nơi để khám bệnh, xem như con của mình.

Đó là em Đinh Văn K’Rể, chín tuổi nhưng chỉ cao 56 cm và nặng chưa tới 4 kg.

Người lùn đầu chim

Ông Nam Đồng, chủ quán cơm Nụ Cười ở Sài Gòn ra Quảng Ngãi và lên huyện Sơn Hà để làm từ thiện. Giây phút đầu tiên nhìn thấy cậu bé tí hon đang ngồi trong lớp, ông Đồng sững lại, mặt biến sắc, thái độ quá bối rối. Dù đã được xem hình ảnh cậu bé tí hon trên báo mạng, nhưng nếu tận mắt nhìn thấy thì mới hiểu rằng, báo chí vẫn chưa tìm cách lột tả hoặc có những tấm ảnh tương phản tốt nhất để miêu tả sự tí hon của cậu bé mắc căn bệnh hiếm gặp trên thế giới là người lùn đầu chim. Cho đến khi tận mắt nhìn thấy thì cảm giác bàng hoàng thật sự.

Cậu bé tí hon Đinh Văn K’Rể

Đang trong giờ học, Đinh Văn K’Rể ngồi ở góc bàn đầu tiên đang hí hoáy cầm cây bút chì màu xanh và một tay cầm bó que tính. Nếu tính chiều cao của cây bút chì hoặc que tính thì đã ngang với chiều cao từ cằm xuống thắt lưng của cậu. Bác sĩ từng đo chiều dài thân trên của cậu chỉ 37 cm. Khi thấy khách lạ, Đinh Văn K’Rể ngước nhìn với ánh mắt tội nghiệp. Cô giáo đứng lớp cho biết, cháu thấy lạ rồi một tí sẽ quen thôi.

“Viết chữ o thử xem”, thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương và cũng là người cha nuôi của cậu động viên. Đinh Văn K’Rể mỉm cười, nụ cười nở trên đôi môi mỏng và nhỏ xíu hiện ra trên khuôn mặt có nét hơi hài hước. Đôi môi đó mới gặp người lạ thì hơi cong xuống, biểu hiện của nỗi sợ, nhưng chỉ một thoáng thì đôi môi đó lại cong lên bằng nụ cười. Có lẽ, trong bảng chữ cái thì chữ o là cậu thành thuộc nhất. Cậu lấy phấn và nhanh chóng khoanh một vòng tròn lên bảng đen. Chữ O không to lắm, nhưng nếu so sánh thì cũng to ngang với đầu của Đinh Văn K’Rể vốn được ghi trong đơn khám của bác sĩ là 36 cm.

Thầy hiệu trưởng Đặng Văn Cương cho biết mục tiêu cho cậu bé người lùn đầu chim nhỏ nhất Việt Nam được ngồi lớp, đó là cho em học và kỳ vọng em sẽ hòa nhập với cuộc sống, có bạn bè, nếu không em ở trong bản với cha mẹ thì sẽ có cuộc sống như một chú bé người rừng. Đó là chưa kể, nếu với chiều cao từ chân lên thắt lưng ngang với cuốn giáo án thì cậu tí hon có thể sẽ dễ dàng bị bỏ mạng khi lặn lội ra suối cạn, đi qua một vũng nước, hoặc nghịch ngợm và lọt vào hang, lỗ của thú rừng.

Cha của cậu bé tí hon là Đinh Văn An, nhà ở tận thôn Gò Da. Người con của ông được dân trong làng xem như người rừng. Thầy Cương vào bản vận động con em đến lớp cũng không khỏi giật mình khi đứng trước cậu bé đen nhẻm, mặt đầy lông tơ, có cái nhìn ngơ ngác, chỉ cắp một cái là nằm gọn trong lòng bàn tay.

Lo chuyện quần áo, dép, giày

Thầy Đặng Văn Cương và các thầy cô giáo ở trường đều là những người có tình thương sâu sắc đối với học trò. Bởi vì, người đồng bào Hrê ở vùng cao này có cuộc sống còn nhiều khó khăn. Khai giảng học sinh đi học đủ, tới mùa hái đót thì bỏ vở theo cha mẹ lên rừng để tranh thủ kiếm tiền. Vậy là thầy Cương và các giáo viên lại lặn lội vào từng ngôi nhà, vận động bà phải cho con em xuống trường học chữ. Ngày trở lại trường, em nào cũng đen nhẻm, quần áo đầy bùn, ánh mắt bẽn lẽn. Vì đường về bản làng xa xôi, những cung đường này trở nên ngổn ngang đất đá và biến thành sông khi mùa mưa đổ. Vì vậy thầy tổ chức cho các em được học và lưu trú ở lại trường, thầy cô giáo trở thành cha mẹ chăm sóc cho các em bữa ăn, giấc ngủ để gắn bó với trường và học hết chương trình.

Đinh Văn K’Rể đến trường học là một sự kiện kỳ lạ. Điều khó khăn đầu tiên của thầy, đó là may trang phục cho cậu bé người lùn đầu chim. Cánh tay của cậu bé chỉ dài hơn ngón tay của một người có bàn tay to, lưng của cậu nhỏ hơn chiều dọc của cuốn giáo áo. Dù khó như vậy, nhưng cuối cùng tí hon vẫn có được bộ đồng phục quần xanh áo trắng như các bạn trong lớp. Khi không còn khác biệt về đồng phục, hàng ngày được ngồi chung với bạn bè, cậu bé tí hon đã vơi đi ánh mắt nhút nhát, trong giờ ra chơi, bạn bè muốn cậu chơi đâu thì cứ việc cắp nách đưa cậu di chuyển thật nhanh đến nơi đó như kẹp một ổ bánh mì.

Cậu tí hon đi chơi với bạn cùng lứa

Chuyện ngồi của cậu tí hon cũng là vấn đề mà các giáo viên trong trường phải đề mắt đến. Vì chiếc ghế ngồi của học sinh cao ngang cổ của cậu tí hon. Nếu cậu ngã lộn từ trên ghế xuống đất thì chẳng khác nào lộn cổ từ gác lửng xuống đất. Cũng may, ghế trong lớp có thêm một thanh ngang. Bạn bè học lớp 1 vào lớp ngồi xuống ghế, còn cậu tí hon lần vào sát ghế, đu người lên thanh ngang rồi mới trèo lên được chiếc ghế cao. Cô giáo chủ nhiệm trong lớp kê thêm cho cậu một miếng gỗ dày. Vậy là tí hon Đinh Văn K’Rể cũng có được một chỗ ngồi tươm tất, cũng hí hoáy ghi ghi, chép chép.

Chuyện mua may quần áo đã xong, thầy Cương còn phải lo đến đôi dép tươm tất và đẹp đẽ để tí hon chạy nhảy hàng ngày. Người thợ đóng dép cho tí hon cho biết, trong cuộc đời làm nghề, chưa bao giờ đóng một đôi dép da có kích thước nhỏ chỉ ngang 2 ngón tay nên rất khó đóng. Còn việc đóng đôi giày cho tí hon thì nhiều thợ giày da lắc đầu chịu thua.

Ông Nam Đồng, chủ quán cơm Nụ Cười ở Sài Gòn đến trường làm từ thiện đã được thầy Cương nài nỉ giúp cho một việc “trọng đại”, đó là vào thành phố tìm thợ đóng giầy chịu chơi, đồng ý với việc đóng đôi giày da bằng 2 ngón tay để tí hon có thể tham gia thể thao trên sân trường.

Cha nuôi tí hon

Trong cuộc sống hàng ngày, mấy ai chọn việc khó về cho mình, nhưng tấm lòng của thầy cô giáo vùng cao vốn thương học trò, vì vậy thầy Cương đã nhận cậu tí hon làm con nuôi. Cuối tuần, thầy về thị trấn Sơn Hà và chở theo tí hon về nhà tắm rửa, vệ sinh. Việc chăm sóc tí hon không chỉ gói gọn ở việc chở đi, chở về và cho ăn, mà thỉnh thoảng thầy và gia đình còn phải lo việc giặt giũ, vì tí hon quên nên tè ra quần. Tình thương của thầy lan sang 2 đứa con ở nhà, vì vậy con của thầy Cương luôn hỏi thăm ba, cuối tuần đưa anh tí hon về chơi với con.

Thầy Cương đang hướng dẫn cậu cách cầm bút

Thời gian mới nhận tí hon về chăm sóc, thầy Cương đã đưa Đinh Văn K’Rể đến gặp nhiều bác sĩ để xin kết luận về căn bệnh lạ, giúp chạy chữa cho cậu bé. Cuối năm 2016, thầy Cương được vinh dự ra Hà Nội dự lễ vinh danh của ngành giáo dục. Đây là cơ hội để thầy Cương đưa cậu tí hon đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ đã đo chỉ số hóa sinh, xét nghiệm miễn dịch IGF1, TSH, IGFBP3, siêu âm tổng quát, xét nghiệm di truyền và sinh học phân tử, tách chiết DNA từ máu ngoại vi, bao gồm cả môi trường nuôi cấy tủy xương. Bác sĩ kết luận không phát hiện thấy bất thường nhiễm sắc thể, siêu âm tổng quát bình thường. Bác sĩ kết luận, đây là căn bệnh người lùn đầu chim hiếm gặp trên thế giới.

Trường Tiểu học Sơn Ba 10 năm liền đạt danh hiệu trường tiên tiến. Thầy Cương từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, là 1 trong 2 gương mặt nhà giáo của tỉnh Quảng Ngãi được Bộ GD-ĐT tuyên dương. Biết căn bệnh của cậu tí hon là không thể can thiệp bằng y học, thầy Cương đưa cậu trở về trường vùng cao và cùng tập thể giáo viên “can thiệp” bằng truyền thống vốn có của trường, đó là làm cha, làm mẹ của cậu tí hon nhỏ nhất Việt Nam.

Đinh Văn K’Rể thấy chiếc dùi trống gõ vào mặt da thì phát ra tiếng kêu thú vị nên thỉnh thoảng lại đến đánh đu lên giá để ôm chiếc dùi. Nếu so sánh chiếc dùi trống cậu đang ôm thì tương đương với một người đang ôm chiếc cột gỗ trong nhà.

LÊ VĂN CHƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cam-phuc-tam-long-thay-hieu-truong-cha-nuoi-cau-be-ti-hon-nguoi-lun-dau-chim-post207214.html