Cảm phục nỗ lực vươn lên của người đàn ông bị mất đôi chân

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại khá, anh Thắng háo hức bước vào đời với bao hoài bão, ước mơ và hy vọng về một ngày mai tươi sáng. Nhưng rồi, vụ tai nạn bất ngờ đã cướp đi đôi chân và đẩy cuộc đời của anh sang một hướng khác.

Gia đình nhỏ của anh Thắng.

Gia đình nhỏ của anh Thắng.

Nỗi bất hạnh của chàng cử nhân

Chàng thanh niên đó là anh Lê Xuân Thắng (SN 1979, ở Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An). Đầu năm 2014, anh Thắng tốt nghiệp trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh với tầm bằng loại khá. Thầy cô và bạn bè đều đặt nhiều kỳ vọng về tương lai của chàng sinh viên chân chất, giỏi giang.

Vừa rời giảng đường, anh Thắng nhanh chóng được nhận vào làm tại một nhà máy ở Công Thành, Yên Thành, Nghệ An. Làm đúng chuyên môn, lại gần nhà, nên dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, anh Thắng vẫn vững tin vào một cuộc sống tốt đẹp trước mắt.

Hạnh phúc được nhân đôi khi cùng năm đó, qua mai mối, anh Thắng gặp và nên duyên với chị Lương Thị Sâm (SN 1980). Cả hai bên gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn nên họ rất hiểu và thông cảm cho nhau.

Anh chăm chỉ làm ăn, chị chịu khó bên mảnh ruộng của gia đình, tình yêu đơn sơ của đôi vợ chồng trẻ đơm hoa kết trái vào một ngày tháng 5/2015. Anh chị vui mừng chào đón bé Nhung, đứa con gái đầu lòng.

Những tưởng cuộc sống cứ thế êm đềm trôi đi thì tai ương bỗng chốc đổ ập xuống gia đình nhỏ. Năm 2016, trong lúc làm việc tại nhà máy, anh Thắng bị trượt giàn giáo, tai nạn khiến hai chân bị liệt hoàn toàn.

Nghe tin không thể đi lại bình thường được nữa, anh Thắng như ngã quỵ. Những ngày sau khi xuất viện là khoảng thời gian cực hình đối với anh. Khủng hoảng tâm lý, tương lai bị dập tắt, tấm bằng đại học sau 4 năm học hành vất vả trở thành tờ giấy vô dụng.

Mang theo mặc cảm trở thành người tàn phế, không thể sinh hoạt bình thường chứ chưa nói tới chuyện đi làm nuôi vợ con, anh Thắng như người vô hồn.

Thời gian qua đi, anh Thắng dần nguôi ngoai. Anh chấp nhận sự thật là mình không còn đôi chân nữa. Nhìn người vợ vẫn ngày ngày đi sớm về khuya lo lắng cho cả gia đình, anh biết mình không thể tiếp tục ngồi yên một chỗ. Anh Thắng tìm cách kiếm việc làm để có thể tự nuôi sống bản thân.

Sau đó là những ngày anh trải qua rất nhiều công việc, từ đánh máy, bán hàng tạp hóa,... Hình ảnh người đàn ông tật nguyền kéo lê người bên chiếc xe lăn một cách khó nhọc nhưng bền bỉ trở thành hình ảnh quen thuộc với những người dân nơi đây.

Tìm ra nghề “cứu cánh”

Vất vả là thế nhưng thu nhập của anh Thắng cũng không khá lên được là bao. Trong lúc đang bế tắc thì cơ hội đã đến với anh. Tháng 3/2018, tại chùa Chí Linh (Xuân Thành, Yên Thành, Nghệ An), trung tâm khuyết tật Hoa Sen đã tổ chức, tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật. Công việc cụ thể của họ là đính đá vào các bức tranh.

Trường hợp của anh Thắng do bị liệt 2 chân hoàn toàn, nhà neo người nên được trung tâm tạo điều kiện cho nhận về nhà làm. Tùy vào kích cỡ và độ khó của mỗi bức tranh cũng như thời gian hoàn thành mà những nhân công sẽ nhận được mức lương khác nhau.

Trung bình mỗi bức tranh cỡ vừa sẽ có giá từ 200-300 nghìn đồng trở lên, cao nhất có những bức được trả với giá là 2,5 triệu đồng.

PV tìm đến nhà anh Thắng vào một buổi trưa nắng như đổ lửa. Căn nhà anh đang ở là của bố mẹ để lại cho hai chị em. Hiện tại, gia đình anh và chị ruột đang cùng sống chung trong ngôi nhà này. Cả căn nhà trống hoác, chẳng có thứ gì giá trị ngoài chiếc giường, một xe máy cũ và cái tivi lỗi thời.

Đính vội những hạt đá cuối cùng, anh khó khăn kéo lê người lên chiếc xe lăn ở cạnh giường và di chuyển sang phòng bên cạnh mời nước tôi. Những lời tâm sự về gia đình, về người vợ tảo tần, về đứa con còn thơ dại, về cuộc sống khó khăn của anh cứ tuôn trào ra trong buổi trò chuyện.

Vì gia cảnh hai bên nội ngoại đều khó khăn nên cuộc sống vợ chồng anh Thắng càng thêm túng quẫn. Họ gần như không nhận được sự hỗ trợ từ bất kỳ ai. Với họ, manh áo miếng cơm đều phụ thuộc vào những sào ruộng cằn cỗi.

“Nhìn vợ tần tảo tôi cũng xót lắm nhưng biết làm sao được. Tôi chỉ có thể động viên cô ấy chứ không thể giúp được gì”, anh Thắng chia sẻ.

Người đàn ông tật nguyền ấy chỉ trở nên vui vẻ hơn khi nhắc đến cô con gái đầu lòng. Tuy cô bé mới chỉ lên ba nhưng dường như cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ nên bé rất ngoan và trộm vía rất khỏe mạnh.

Dù thu nhập ít ỏi, không đủ để hai vợ chồng trang trải cuộc sống nhưng bé Nhung chính là động lực để anh Thắng cố gắng từng ngày. Tương lai của bé sau đều trông cậy cả vào anh chị.

Rời nhà anh Thắng, nhưng những câu nói trước khi chia tay vẫn văng vẳng trong đầu người viết: “Tôi chỉ mong có nhiều người đặt tranh hơn nữa để làm chứ ở trung tâm mặc dù rất tốt nhưng rất khó bán được và giá cả lại thấp. Tôi cũng chỉ muốn làm trọn vẹn trách nhiệm của một người cha đối với con gái của mình!”.

Tôi tin rằng, vợ chồng anh Thắng sẽ vượt qua mọi khó khăn và có một cuộc sống tươi đẹp hơn.

M.N

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 57

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/doi-song/cam-phuc-no-luc-vuon-len-cua-nguoi-dan-ong-bi-mat-doi-chan-a271070.html