Cảm phục cô gái tật nguyền dành 14 tháng thêu một bức tranh bằng chân

Dù bị nhiễm chất độc da cam, Út luôn cho mọi người thấy ý chí và nghị lực của mình về cuộc sống. Cô đã dùng đôi chân của mình để thêu tranh chuyện mà nhiều người lành lặn không làm được.

Cảm phục cô gái khuyết tật dành 1 năm 2 tháng thêu 1 bức tranh bằng chân

Từ một cô bé tật nguyền với nhiều mặc cảm tưởng nhưng cô gái mang trên mình di chứng chất độc da cam đã vượt lên số phận bằng nghị lực mạnh mẽ.

Đó là Đỗ Thi Út (SN 1990, ở khu 1 Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), Út được sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo, nhà có 7 anh, chị, em. Là con út nhưng số phận cô lại kém may mắn do ảnh hưởng chất độc màu da cam từ người cha tham gia chiến tranh chống Mỹ năm 1969, nên Út mất khả năng di chuyển.

Dù đôi tay thẳng đuột không thể nâng lên hạ xuống như những người bình thường, đôi chân lại cử động yếu ớt nhưng Út đã cố gắng để thực hiện được niềm đam mê của mình từ những bức tranh thêu.

Út lên lớn dưới sự chăm sóc của cha mẹ, anh chị, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào người mẹ già nay đã 73 tuổi. Cũng do hoàn cảnh khó khăn, Út không được đến trường học chữ, học viết như bao bạn bè cùng trang lứa nên trở nên dần mặc cảm, tự ti với bản thân.

Cô gái ấy cứ sống từ ngày này qua ngày khác dưới sự bao bọc của gia đình mà chẳng có chút tương lai nào chào đón. Đến năm 2006, Út được tặng chiếc xe lăn đi lại, phần nào cũng giúp cho người mẹ già không phải bế con hàng ngày trên tay.

Bức tranh út hoàn thiện mất 1 năm 2 tháng

Gương mặt buồn bã, bà Lê Thị Vang (mẹ của Út) tâm sự, bà đau 1 thì con gái bà đau 10, Út là người thiệt thòi nhất trong mấy chị em, đã 28 tuổi rồi nhưng mãi như một đứa trẻ, sống phụ thuộc vào người thân.

"Nó tủi thân lắm nhưng vẫn cố gắng để mọi người yên tâm, tự học chữ, học viết bằng chân, rồi đến cả thêu tranh cũng phải sử dụng chân. Tất cả đều do nó mày mò chứ không ai dạy cả. Nhìn mọi người sử dụng điện thoại bằng tay, viết bằng tay mà nhìn lại con mình thương lắm", bà Vang nghẹn ngào nói.

Nói về quá trình học thêu tranh bằng chân, Út thủ thỉ, cách đây 2 năm cô ước mong mình có thể làm được việc gì đó có ích, cũng kể từ đó Út bắt đầu học thêu tranh. Thời gian đầu, cô gặp nhiều khó khăn với việc cầm kim bằng chân.

Thêu tranh cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo. Trong khi, việc ngồi nhiều với Út cũng không dễ dàng gì, khi xương khớp luôn đau nhức. Đã nhiều lần Út muốn từ bỏ nhưng nghĩ bản thân thật vô dụng nên cô lại nỗ lực.

"Dù vất vả nhưng khi biết thêu rồi em lại bị cuốn theo những đường thêu trong bức tranh của mình. Bức tranh đầu tiên em hoàn thiện mất 3.670 giờ đồng hồ, rơi vào khoảng 1 năm 2 tháng đấy. Đến bức thứ 2 chỉ mất 3 tháng, hiện tại em đang tiếp tục thêu bức thứ 3", Út khoe khéo.

Bức tranh đang thêu để dành tặng cha mẹ

Út bảo, bản thân mong muốn sẽ kiếm được tiền từ công việc thêu tranh để tự nuôi bản thân không phải phụ thuộc gia đình. Mong ước xa hơn nữa là Út có thể mua được chiếc xe lăn bằng điện thay thế xe đẩy để có thể tự đi lại được.

"Mỗi ngày em dành khoảng 9-10 tiếng để thêu tranh, thời gian đó em cũng chỉ thêu được 1 sơi chỉ thôi. Còn thời gian em ngồi học chữ, và viết chữ, giờ em viết được tên mình và người thân trong gia đình rồi", Út bộc bạch.

Ngoài ra, Út cũng nhắn nhủ với những người bạn khuyến tật, đừng bao giờ bỏ cuộc mà hãy kiên trì, thành cống sẽ đến. Những gì người bình thường làm được, chúng ta cũng sẽ làm được.

Mai Hường - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/cam-phuc-co-gai-tat-nguyen-danh-14-thang-theu-mot-buc-tranh-bang-chan-50389-3.html