Cẩm Phả: Di dời các cơ sở sản xuất TTCN ra khỏi khu dân cư

Việc di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu dân cư trên địa bàn thành phố hiện gặp nhiều khó khăn, bởi số lượng cơ sở lớn, ở nhiều ngành nghề khác nhau... Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, thành phố đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ di dời.

Xưởng cơ khí của Công ty CP Xây dựng Cẩm Phả hiện nằm trong khu dân cư thuộc phường Cẩm Thủy.

Xưởng cơ khí của Công ty CP Xây dựng Cẩm Phả hiện nằm trong khu dân cư thuộc phường Cẩm Thủy.

Công ty CP Xây dựng Cẩm Phả hoạt động với ngành nghề chế tạo cơ khí, sửa chữa thiết bị máy mỏ cho các đơn vị ngành Than trên địa bàn tỉnh. Do không có đủ diện tích đất để xây nhà xưởng tập trung, nên Công ty phải xây dựng 3 nhà xưởng ở nhiều vị trí trong khu dân cư tại phường Cẩm Thủy. Hoạt động sản xuất của đơn vị đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân. Anh Nguyễn Công Hưng, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: Thực hiện chủ trương di dời các cơ sở sản xuất TTCN gây ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp rất sẵn sàng. Công ty đã đăng ký thuê trên 8.000m2 đất tại Cụm Công nghiệp (CCN) Cẩm Thịnh. Công ty đang san lấp, thi công ép cọc bê tông, móng nhà xưởng... Dự kiến, tháng 9/2020, Công ty sẽ đưa vào sử dụng toàn bộ hạng mục văn phòng và xưởng sản xuất tại CCN.

Thành phố hiện có 381 cơ sở TTCN nằm trong khu dân cư cần phải di dời. Để thực hiện di dời, thành phố đã hướng dẫn các phường, xã rà soát danh sách các cơ sở sản xuất; tuyên truyền, vận động, khuyến khích các cơ sở này di dời vào CCN Cẩm Thịnh để trả lại cảnh quan sạch đẹp trong khu đô thị. Đến nay, thành phố đã có 148 cơ sở đặt cọc hoặc ký hợp đồng thuê mặt bằng tại CCN Cẩm Thịnh với tổng diện tích trên 268.496m2. Tuy nhiên, việc di dời các cơ sở sản xuất TTCN ra khỏi khu dân cư trên địa bàn thành phố đang gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Hữu Tư, Trưởng Phòng Kinh tế TP Cẩm Phả, cho biết: Hầu hết các cơ sở phải di dời có quy mô nhỏ lẻ, nguồn lực về tài chính có hạn. Khi đăng ký mua đất tại CCN Cẩm Thịnh phải thanh toán 1 lần (bình quân mua 500m2 đất tại CCN Cẩm Thịnh phải trả 725 triệu đồng tiền thuê hạ tầng, chưa tính các chi phí khác, như điện, nước, lắp đặt đường điện hạ áp đến công tơ...). Do đó, một số cơ sở chưa có đủ tiền để thanh toán, nên chưa được cấp sổ đỏ, chưa triển khai đầu tư xây dựng được nhà xưởng trong CCN để thực hiện di dời.

CCN Cẩm Thịnh sẽ tiếp nhận các cơ sở TTCN vào sản xuất, kinh doanh tập trung.

Theo thiết kế quy hoạch của CCN Cẩm Thịnh, chủ đầu tư chỉ đầu tư đường điện cao thế và trung thế, còn trạm biến áp hạ thế phải do các cơ sở TTCN tự đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư một trạm hạ thế hết từ 300 đến 430 triệu đồng tùy theo công suất, để các cơ sở TTCN đầu tư là rất khó khăn. Nếu các cơ sở chung nhau để làm 1 trạm hạ thế cũng rất khó, bởi di dời không cùng thời gian, địa điểm, vị trí đầu tư. CCN Cẩm Thịnh (giai đoạn1) có bố trí 31 ô đất dịch vụ thương mại, 118 ô đất công nghiệp đa ngành nghề (22 ô có diện tích 700m2, 96 ô từ 1.500m2 trở lên). Trong khi đó, hầu hết cơ sở TTCN trên địa bàn thành phố chỉ có nhu cầu sử dụng đất từ 200-400m2.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, đẩy nhanh tiến độ di dời, ổn định sản xuất, thành phố, Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời, mở rộng dự án CCN Cẩm Thịnh giai đoạn 2 để sớm bàn giao mặt bằng hạ tầng đất sản xuất công nghiệp cho các cơ sở có nhu cầu thuê đất. Bên cạnh đó, thành phố tuyên truyền cho các cơ sở thuộc diện di dời nhưng chưa thuê được đất hoặc nhà xưởng tại CCN, thường xuyên liên hệ với Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh để đăng ký thuê đất tại CCN Cẩm Thịnh. Thành phố tiếp tục vận động các cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh ngừng sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201909/cam-pha-di-doi-cac-co-so-san-xuat-ttcn-ra-khoi-khu-dan-cu-2453729/