'Cảm ơn người lớn' - Kéo dài những tiếc nuối tuổi thơ

Như một thói quen với những người yêu văn chương tuổi học trò, cứ mỗi năm, người ta lại chờ đợi Nguyễn Nhật Ánh ra mắt một cuốn sách mới. Và năm nay, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lại không phụ công chờ đợi của những người hâm mộ ông bằng cuốn sách 'Cảm ơn người lớn'.

Từ hàng chục năm qua, Nguyễn Nhật Ánh đã bị “đóng đinh” vào tâm trí những người có niềm ham thích đọc sách bằng danh xưng “nhà văn của tuổi học trò”.

“Cảm ơn người lớn” được Nguyễn Nhật Ánh đặt bút viết sau cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đúng 10 năm. Nói về điều này, ông nói: “Cuốn sách này có một điểm đặc biệt là tôi lại viết về những nhân vật Tủn, Hải Cò, Cu Mùi, Tí Sún... những nhân vật trong cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Ở cuốn trước, tôi nói nhiều đến sự khác biệt giữa thế giới trẻ em và thế giới người lớn, còn trong cuốn “Cảm ơn người lớn” thì cũng nói về đề tài đó nhưng mở rộng hơn”.

Những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh có một sức hút kỳ lạ. Có những người ở thế hệ từng đọc sách của ông cách đây một, hai thập kỷ nhưng mỗi khi ông ra đời tác phẩm mới, họ lại chờ đợi và đón nhận với tất cả những hào hứng như mới hôm qua.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và cuốn sách "Cảm ơn người lớn".

Nguyễn Nhật Ánh nói, “những nhân vật cũ được sáng tác khi tôi 50 tuổi, giờ tôi đã hơn 60 tuổi. Những nhân vật ấy đã có nhiều hơn nghĩ ngợi, trầm tư, chia sẻ, những điều tôi bị ám ảnh. Ở đây, tôi nghĩ ngợi nhiều đến những cái mà bản thân tôi bị ám ảnh, nghĩ nhiều đến tình yêu, văn chương, tuổi thơ và đặc biệt là ám ảnh về thời gian. Thời gian đúng là bạo chúa”. Có lẽ điều này đúng với cả những “người lớn” – càng ngày càng lớn, càng đi về phía bên kia dốc của cuộc đời người ta lại càng ám ảnh, tiếc nuối và mơ ước được quay trở lại tuổi thơ dù chỉ một giây phút.

“Ai cũng vậy thôi, khi đã là người lớn và người lớn buồn thảm đó càng ngày càng đi dần về mút bên kia của cuộc đời, chúng ta thường ao ước trở thành những tỷ phú thời gian như khi ta còn là trẻ nhỏ.

Tôi viết cuốn sách này cũng nhằm mục đích đó thôi: cố hồi tưởng lại ngày xưa những tỷ phú bé con đó đã tiêu xài thời gian như thế nào, đã hạnh phúc ra sao với những trò mà trẻ con nào cũng thích chơi nhưng khi hết là trẻ con rồi thì nhiều đứa trong bọn chúng lại bĩu môi cho là ngớ ngẩn.

Có lẽ bạn không ở trong số những người lớn đó, vì vậy tôi hy vọng bạn sẽ sẵn lòng chia sẻ những trò ngốc nghếch của bọn trẻ trong cuốn sách này”.

“Cảm ơn người lớn” là cuốn sách thứ 44 của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đọc “Cảm ơn người lớn” có lẽ những người hâm mộ ông sẽ vẫn trải qua cảm xúc như với những cuốn sách khác nhưng không thể không tự hỏi: Mảng đề tài trẻ thơ, tuổi học trò khó đến như vậy, vậy mà tại sao ông lại có sức sáng tác bền bỉ và không bị cũ mòn đến như vậy. Mỗi năm một thế hệ học trò nhưng dù đời sống có biến động đến đâu thì người ta vẫn đọc, suy ngẫm, chiêm nghiệm và say sưa đến từng trang sách đến vậy.

Cuốn sách gồm 19 chương, là 19 câu chuyện, có thể coi như 19 mảnh nhỏ những ký ức, tuổi thơ, về tiếc nuối và mong ước của những người đã trưởng thành khi phải đối đầu với “bạo chúa thời gian”.

Tại buổi ra mắt sách “Cảm ơn người lớn”, khi được hỏi tại sao “độn thơ” vào truyện như vậy? Nguyễn Nhật Ánh cho biết vì quá nhớ thơ đó thôi, trong lúc viết truyện, thơ hiện ra, thấy hợp lý là cho vào. Nếu trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, những Mùi, Tủn, Tí Sún, Hải Cò… còn nhỏ, thì trong tập truyện này, họ đã đủ lớn để mượn thơ bày tỏ nỗi niềm. Hai tập truyện cách nhau 10 năm, tuy độc lập về cốt truyện, nhưng độc giả có thể đọc như một phần tiếp theo, vì các nhân vật giờ đã lớn, đã đủ già để cảm nhận về các biến cố thời gian, về cái chết đang dần đến.

“Tôi không còn tuổi trẻ tặng cho em

Khi gặp gỡ bỗng giận đời quá muộn

Chuyến tàu thời gian tôi sắp xuống

Trong khi em vừa mới đáp ga đầu

Em vẫn còn bao mơ ước mai sau

Tôi ngồi lại ngoái đầu thương dĩ vãng”.

Ông nói: “Văn xuôi tôi viết cho đối tượng thanh thiếu niên, đòi hỏi phải sử dụng một cách viết phù hợp, với một hệ thống hình ảnh và từ ngữ thích ứng với trình độ nhận thức và cảm thụ của các em. Còn thơ, tôi viết cho mình, tức là viết cho… người lớn, phong cách tất nhiên có nhiều khác biệt”.

Cuốn sách "Cảm ơn người lớn".

Nói về “Cảm ơn người lớn”, Tiến sĩ Văn học Ngô Văn Giá nói: Nếu như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là thông điệp hãy trở về với tuổi thơ, được sống lại tuổi thơ, tuổi thơ như những vị thuốc thần tiên để giúp mỗi người lớn sống đẹp đẽ hơn, ý nghĩa hơn, nhân bản hơn; thì đến lượt “Cảm ơn người lớn”, vẫn có ý vị của những thông điệp trên, nhưng nhà văn tập trung vào ý tưởng: Làm người lớn cũng thật chẳng dễ dàng gì, người lớn vẫn cứ “ngốc nghếch” mãi; nên tuổi thơ ơi, hãy biết thương người lớn, biết cảm thông cho người lớn. Té ra cuộc đời này thật lạ lùng: người lớn thì mãi mãi “ngốc nghếch”, còn trẻ con thì mãi mãi “điên điên”. Hãy cố mà hiểu nhau, cảm thông cho nhau, thì cuộc đời này bớt khổ, và đầy lên nhân ái.

"Cảm ơn người lớn" cũng đánh dấu một bước mới của công tác phát hành tác phẩm văn học. Ngoài Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ đã đồng thời phát hành cuốn sách này ở nhiều nơi trên thế giới như Cộng hòa Séc, Cộng hòa liên bang Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ... Số lượng bản in lần đầu của cuốn sách này lên tới 150 nghìn bản – Một con số “mơ ước” được bảo chứng bằng cái tên Nguyễn Nhật Ánh. Con số này chỉ thua về lượng sách xuất bản lần đầu ở cuốn "Cây chuối non đi giày xanh". Tuy nhiên, con số lớn nhất vẫn thuộc về "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" với 400 nghìn cuốn sau 64 lần tái bản.

Tử Hưng

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/nghe-thuat-sang-tac/cam-on-nguoi-lon-keo-dai-nhung-tiec-nuoi-tuoi-tho-52675