Cảm ơn người cho tiếng đờn ngân mãi

Sẽ thật là hạnh phúc cho cuộc đời mỗi chúng ta khi một lần được tiếp xúc một con người mà ở đó toát lên sự uyên thâm, mẫn tuệ, tinh anh. Và những ai từng một lần được tiếp xúc với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, người con ưu tú của làng Mỹ Trà (Cao Lãnh, Đồng Tháp), con người tài hoa mà khiêm nhường, đáng kính mà đôn hậu, ắt hẳn sẽ có được cảm nhận ấy.

Giao lưu và mừng thọ nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại Trường Đại học Đồng Tháp ngày 19-8-2018

Giao lưu và mừng thọ nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tại Trường Đại học Đồng Tháp ngày 19-8-2018

Dường như danh xưng “nhạc sư” chưa đủ để nói lên những gì mà nghệ nhân “bách tuế” đã lặng lẽ hiến dâng cho cuộc đời. Bằng tài hoa trong âm nhạc và tinh tế trong cuộc sống, bằng niềm đam mê và khát vọng, bằng tấm lòng nặng nợ và trắc ẩn với quê hương xứ sở, nhạc sư đã lan tỏa tinh hoa, cốt cách dân tộc ra khắp bốn phương trời. Nhưng nhiều hơn thế nữa, ông còn đem đến cho cuộc đời những bài học làm người - đó mới chính là điều trân quý nhất, vĩnh hằng nhất. Những lời tự sự, những vần thơ, những dòng trên facebook đâu chỉ là câu chuyện về âm thanh, âm nhạc mà ẩn chứa những lẽ sống mà ai từng nghe, từng đọc đều cảm nhận và khâm phục một con người không bao giờ nhận mình già dù đã sống hơn một thế kỷ.

Trong bộn bề cuộc sống, có những sợi dây ràng buộc giữa “danh” và “lợi”, giữa “giàu” và “nghèo”, giữa “lợi ích riêng” và “giá trị chung”, mỗi người có lúc không tránh khỏi so đo hơn thiệt. Hãy gặp nhạc sư để tự mình cởi bỏ những sợi dây vô hình đó. Những ai cho rằng mình đã đầy ắp kiến thức rồi thì hãy lắng đọng lại với dòng suy tư: “Điều tôi biết chỉ là hạt cát, điều tôi chưa biết mới là đại dương”. Những ai bon chen để được “ăn trên - ngồi trước”, “bề trên - phận dưới” hãy nghe lời tự sự: “Tôi tự ví mình như người cộng tác với người đương thời, nơi nương tựa của hậu thế, sẵn sàng chia sẻ những gì đã học, đã biết cho tất cả mọi người, bất phân già trẻ, màu da”.

Trên hành trình dài trong cuộc đời, mỗi người có những chuyến đi đáng nhớ, là bước ngoặt lớn lên và trưởng thành. Có khi ra đi thời gian rất dài để định vị mình trong một thế giới bao la. Có khi đi không quay trở về mà cũng có khi ra đi là để trở về - về với nguồn cội, về nơi nuôi dưỡng và lan tỏa “hạt giống tâm hồn”. Chuyện ra đi và trở về quê nhà của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là cả một câu chuyện ân tình, nặng nợ với mảnh đất Cao Lãnh.

Người thầy đáng kính trở về một cách tĩnh lặng với âm vang trầm bổng của điệu hò Đồng Tháp, với khúc nhặt khoan của làn điệu tài tử Nam bộ. Con người dù gần trăm năm ở xứ người vẫn đậm chất hào sảng nhưng dung dị, uyên thâm nhưng khiêm nhường, dí dỏm nhưng chân tình.

Đồng Tháp đang dày công tạo dựng và làm lan tỏa hình ảnh địa phương. Đó là đóa sen dưới đồng trên phố; là con gà Cao Lãnh “chân xanh, mắt ếch”, là mênh mông mùa nước nổi, là xanh ngát những vườn cây, là bạt ngàn Tràm Chim, là rực rỡ làng hoa… Tất cả điều đó sẽ là không đủ một khi lãng quên những bậc “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” - những người mở đất và giữ đất, những người làm rạng danh mảnh đất sen hồng thân yêu này. Nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong những người như vậy, một người đã kết tinh tài hoa thành giá trị. Và, giá trị đó mãi sẽ là hình ảnh vươn xa của Đồng Tháp thân yêu.

Vậy thì, mỗi người hôm nay đang ở ngay trên mảnh đất này sao không trân quý những giá trị do những bậc tiền bối tạo lập và truyền lại? Sao không vượt qua cái tôi để sống tốt hơn, yêu thương nhau hơn, cùng nhau gìn giữ và phát huy những báu vật tiền nhân trao cho, để rồi tiếp tục trao lại cho thế hệ mai sau.

Cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp hơn nếu mỗi người cảm thấy mình phải chịu ơn đối với người khác, với cuộc đời. Chính vì lẽ đó, tôi và người Đồng Tháp đang chịu ơn nhạc sư như chính ông đã chịu ơn mảnh đất Cao Lãnh cho mình một “chốn đi về”. Có lẽ, một lời cảm ơn đến người làm cho “tiếng đờn ngân mãi” và lan tỏa những “giai điệu cuộc đời” vẫn luôn là chưa đủ!

LÊ MINH HOAN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cam-on-nguoi-cho-tieng-don-ngan-mai-708007.html