Cấm nhập lúa mì lẫn hạt cỏ: Ý kiến trái chiều

Các doanh nghiệp sản xuất bột mì của Việt Nam đang rất lo lắng khi sắp tới đây có thể bị cấm nhập khẩu lúa mì có lẫn hạt cỏ dại Cirsium Arvense, điều này sẽ gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, trong khi nếu lúa mì nhập dùng xay ra bột, chế biến thì nguy cơ cỏ này có thể lây lan lại cực thấp.

Tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” diễn ra ngày 8/10 tại TPHCM. - VGP/Lê Anh

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, gần đây FFA nhận được phản ánh của nhiều DN nhập khẩu lúa mì rất lo lắng trước thông báo của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật).

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), bắt đầu từ ngày 01/11/2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense (cây kế đồng theo tên gọi Việt Nam) sẽ bị xử lý theo hình thức tái xuất. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật báo cáo Bộ NN&PTNT xem xét, ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense.

Theo bà Lý Kim Chi, việc quy định "cấm" thì rất đơn giản, nhưng phải làm sao để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp (DN), cũng như người tiêu dùng trong nước nói chung mới là vấn đề cốt lõi cần xử lý. Bởi trên thực tế hiện nay, có DN đang nhập khẩu lúa mì về hoặc đã đặt đơn hàng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi đó, thời gian thực thi đã rất cận kề.

Chủ tịch FFA nhấn mạnh, hiện nay, lúa mì là nguyên liệu chủ yếu làm ra bột mì, sản xuất mì ăn liền, bánh kẹo... Ngoài ra, bột mì còn được sử dụng để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm; đặc biệt ngành sữa cũng có nhu cầu sử dụng bột mì đáng kể. Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong thị trường nội địa, DN Việt Nam còn xuất trở lại vào các nước trong khu vực ASEAN dưới dạng bột mì cho giá trị tốt.

Thống kê trong 7 tháng năm 2018, khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu là 3,13 triệu tấn, tương ứng 743 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu những nguồn lúa mì với sản lượng lớn và có giá trị tốt chủ yếu có xuất xứ từ Canada, Mỹ, Nga, Australia…

Nghiền thành bột thì sao phải lo lắng?

Tại buổi Tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” diễn ra ngày 8/10 tại TPHCM, nhiều DN trong ngành cho biết, việc cấm nhập khẩu lúa mì có lẫn hạt cỏ dại Cirsium Arvense vào tháng 11 tới đây sẽ gây thiệt hại rất lớn cho DN. Bà Huỳnh Kim Chi, Chủ tịch HĐQT công ty Liên doanh bột Quốc tế Intermex cho biết đang tiến hành nhập lô hàng lúa mì trị giá khoảng 300 tỷ đồng về nước, để phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa những tháng trước tết, tuy nhiên, quy định gấp như vậy (áp dụng ngay từ ngày 1/11), nếu hàng về trễ hơn ngày quy định có hiệu lực thì DN sẽ gặp vô cùng khó khăn.

Cùng quan điểm, ông Phan Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Giám đốc Công ty Cổ phần bột Bình An cho rằng, nếu không cho nhập lúa mì vì hạt cỏ dại Cirsium Arvense thì cũng phải cho chúng tôi thời gian tìm kiếm nguồn hàng, chứ bất ngờ như thế này thì khó có thể xoay xở được, trong khi các DN đã ký hàng hóa với khách hàng.

Trong hoàn cảnh tương tự, ông Phan Thông Cường, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Bột Mì – Vikybomi, cho biết, hiện tại hàng tháng DN này sử dụng đến 60.000 tấn lúa mì nhập khẩu. Nếu áp dụng quy định nói trên, DN sẽ không có nguồn nguyên liệu để sản xuất, dẫn tới nguy cơ phải ngưng hoạt động.

Nhiều DN cũng cho biết, đã trao đổi và yêu cầu phía đối tác loại bỏ thành phần cỏ dại Cirsium Arvense trong lúa mì trước khi xuất khẩu sang Việt Nam, tuy nhiên, phía các đối tác không chịu với lý do vì thị trường tiêu thụ tại Việt Nam tương đối nhỏ, chi phí xử lý loại cỏ dại lẫn trong lúa mì lớn. Trong khi nhiều nước nhập khẩu lúa mì như Việt Nam cũng chưa có quy định về cấm nhập khẩu lúa mì có lẫn hạt cỏ dại Cirsium Arvense.

Theo các DN, khi cấm nhập khẩu lúa mì, các DN trong nước sẽ không có nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước, khi đó, muốn sản xuất các sản phẩm từ bột mì, DN Việt Nam phải nhập khẩu với giá thành tăng cao, làm cho chi phí sản xuất tăng, ngươi tiêu dùng trong nước chịu thiệt.

Theo các chuyên gia và các DN vấn đề cỏ dại Cirsium Arvense không mới, nhưng đến thời điểm này chưa có một tài liệu nghiên cứu chính thức nào chứng minh gây thiệt hại. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quá trình xử lý ở nhà máy là có thể kiểm soát được, còn quá trình bốc xếp hàng từ cảng về nhà máy có thể gây phát tán. Tuy nhiên, thực tế vài chục năm qua, mặc dù có thể phát tán nhưng cỏ dại Cirsium Arvense chưa tìm thấy ở Việt Nam.

Trước đó, tại một hội thảo ngày 5/10, TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho rằng, việc bắt buộc các đơn vị phải tái xuất ngay những lô vật thể chứa loại cây này phải cân nhắc từng trường hợp. “Nếu là lô hạt giống có lẫn hạt cây kế đồng thì biện pháp bắt buộc trả lại nơi xuất xứ, tôi đồng ý. Nhưng nếu là là hạt cây kế đồng lẫn trong hạt lúa mỳ nhập khẩu thuộc lô hàng dùng để sản xuất thức ăn gia súc hay nghiền thành bột mì thì phải xử lý thật linh hoạt” - TS Trần Duy Khanh nói.

TS Trần Duy Khanh khuyến nghị: “Những lô hàng lúa mỳ có lẫn một số hạt cây kế đồng dùng để chế biến sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc sản xuất bột mỳ, chỉ cần tăng năng lực giám sát, giám sát chặt quá trình chế biến là ổn. Tóm lại, cùng một lô hàng, nhưng mục đích sử dụng khác nhau, phải có cách xử lý khác nhau. Không nên khiên cưỡng, cứng nhắc mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng thông tin: Cỏ Cirsium arvense có chứa một chút độc tố nhưng không đáng kể. Loại cỏ này mọc khắp nước Nga từ nhiều năm nay. Có những nơi xen lẫn với cây lúa mì. Khi thu hoạch lúa mì người ta sẽ gặt luôn cả cỏ này.

"Ttôi thấy ngay các nước láng giềng của ta như Thái Lan, Indonesia... họ đâu có cấm lúa mì lẫn cỏ này. Chưa kể, lúa mì nhập vào nước ta, xay ra bột, làm thực phẩm tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi thì nguy cơ cỏ này có thể lây lan lại cực thấp" - chuyên gia Nguyễn Lân Hùng.

Một số DN đề xuất cần có cơ sở phân biệt lúa mì làm giống, sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, sản xuất kinh doanh… cũng như thông tin nghiên cứu khoa học chính thống làm cơ sở.

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Cirsium arvense là một loài thực vật thuộc chi Cirsium trong họ Cúc, bản địa khắp châu Âu và phía bắc châu Á. Loại cỏ này là đối tượng cấm của nhiều nước như Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Argentina, Brazil, bởi khi chúng xuất hiện sẽ gây ra thiệt hại rất lớn đối với môi trường, đất đai trồng trọt. Nhiều nước đã tốn hàng chục tỷ đồng để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của loại cỏ này.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thi-truong/cam-nhap-lua-mi-lan-hat-co-y-kien-trai-chieu/348777.vgp