Cảm nhận từ Singapore

Nếu tính thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài, Singapore là quốc gia tôi lưu lại nhiều nhất. Gần chục năm nay, tôi qua lại Singapore không biết bao nhiêu lần. Có lúc lang thang một mình trong khuya vắng, có lúc chen chúc trong biển người giữa các trung tâm thương mại sầm uất, tôi đã cố lý giải: Thực sự Singapore là gì?

Nét đẹp yên bình nơi đảo quốc Singapore

Đa sắc tộc, đơn tập quán

Tách ra nhập lại, phải đến năm 1965, Singapore mới chia tay Malaysia để thành một quốc gia độc lập. Ai cũng biết cha đẻ của đảo quốc cộng hòa này là ông Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu được người dân Singapore tôn vinh như một “thành hoàng”, bởi ông có công lớn biến quần đảo này thành một trong những cường quốc kinh tế, không chỉ trong khu vực mà còn nổi tiếng cả thế giới.

Singapore là quần đảo gồm một đảo lớn (hình thoi) và 60 đảo nhỏ, diện tích không lớn (hơn 700km2); dân số không nhiều (gần 6 triệu người). Singapore là một quốc gia đa sắc tộc hay nói chính xác nhiều tộc người cùng nhau chung sống ở đây. Người gốc Hoa ở Singapore nhiều nhất (chừng trên 70%), người gốc Malaysia chừng 13%, người gốc Ấn Độ trên 9%, còn lại một số dân tộc khác (trong đó, người Việt chừng 150.000 người).

Dẫu đa sắc tộc, nhưng cái chung nhất ở Singapore là ý thức cư dân với mục tiêu vì cái chung và tôn trọng cái riêng.

Vì cái chung, cộng đồng cư dân ở đây cùng nhìn về một hướng, xây dựng đảo quốc này thành miền đất giàu có, thân thiện, đáng sống. Bộ mặt đất nước và thực chất đời sống người dân Singapore đã minh chứng điều đó. Có thể nói, hiếm nơi nào trên thế giới có được sự ổn định bền vững như ở đây. Singapore là quốc gia trong tốp 10 của thế giới có thu nhập cao (GDP tính trên đầu người gần 58.000 USD/năm). Nói nơi đây là vùng đất đắt đỏ nhất thế giới cũng được, mà nói ổn định nhất thế giới cũng được!

Gần một thập niên qua lại đây, tôi có dịp khám phá từ ngõ ngách sâu nhất - nơi có ít ỏi người thất nghiệp, vô gia cư sống, đến chỗ được coi là thiên đường của giới thượng lưu. Ai cũng biết, bản chất xã hội là phát triển không ngang nhau. Tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều có sự phân chia giàu sang, nghèo hèn, nhưng tỷ lệ ấy ở Singapore là không đáng kể. Người dân trên đảo quốc này sống thân thiện và hòa nhập với thiên nhiên. Đảo lớn được coi là thành phố cổ tích trong khu rừng vừa cổ tích, vừa hiện đại. Người ta có lý khi nói, vị “kiến trúc sư” nổi tiếng họ Lý đã tạo ra tác phẩm Singapore không chỉ ở sự hoành tráng mà chính là ở sự hợp lý, hoàn hảo. Nơi đây được coi là đô thị sạch nhất thế giới. Tiếp xúc với nhiều thành phần cư dân, tôi ngộ ra nhiều điều. Hóa ra, thành quả mà người dân Singapore đang thụ hưởng, không chỉ bởi nhà cầm quyền mà trước hết và sau chót vẫn là từ dân.

Mỗi lần ra phố, tôi đều được chứng kiến những động thái mang tính mặc định vì cộng đồng. Dường như đã thành máu thịt, mọi người đều nói không với rác bẩn, ô nhiễm và sự bất chấp pháp luật. Một lần dẫn cháu đi chơi, tôi ngạc nhiên khi thấy bé gái chưa đầy 2 tuổi tự tay nhặt túi ni lông, vỏ chai cho vào thùng rác. Mẹ cháu bảo, cháu học theo cách của anh chị cháu đã làm.

Xe cộ nườm nượp, đường sá chằng chịt, nhưng thật hiếm thấy bóng dáng cảnh sát giao thông. Mọi người đều tuân thủ luật giao thông bằng tín hiệu hoặc biển chỉ đường. Có ai đó vô tình hay hữu ý hút thuốc lá nơi công cộng hoặc khạc nhổ, vứt rác bừa bãi, lập tức bị phản ứng ngay. Người phản ứng không phải là cảnh sát đô thị mà của chính người tham gia giao thông. Ý thức cư dân được giáo dục từ nhỏ. Tôi đã chứng kiến một bà mẹ trẻ dạy con. Đứa con gái chưa đầy 6 tuổi, theo mẹ vào trung tâm thương mại. Đứa trẻ vào gian hàng đồ chơi, đồ chơi nhiều và hấp dẫn đến nỗi nó nhặt một món, nhét vào túi mình. Thế mà mẹ nó phát hiện được. “Lần trước cháu làm thế, tôi đã nhắc. Nay lặp lại, rõ ràng không ổn rồi...”, người mẹ nói. Tôi tin chắc người mẹ ấy sẽ có cách để dạy dỗ con mình để bé không tái phạm.

Sự thân thiện với thiên nhiên, môi trường ở Singapore có nét riêng. Sáng nào tôi cũng dậy từ 5 giờ, thả bộ dọc bờ kênh nước xanh vắt, giữa hàng cây sum suê. Những âm thanh của chim chóc, nước chảy, khiến tôi ngỡ như mình đang đi giữa rừng miền Đông đại ngàn thời xa xưa. Bạn đồng hành với tôi không ai khác chính là đàn bồ câu. Chúng thân thiện đến nỗi, mỗi sáng đi bộ, tôi đều mang theo chút thức ăn cho chúng.

Người Singapore rất tôn trọng sự riêng tư, việc ai nấy làm, chỉ can thiệp, giúp đỡ khi có sự cố và yêu cầu của người khác. Singapore đầu tư đúng mức cho các chương trình xã hội. Chính sách cho người già, người cô đơn là một ví dụ. Khu nhà con tôi ở cạnh một khu dưỡng lão, người cô đơn và người tàn tật. Hàng ngày, tôi “mục sở thị” các chính sách này của nhà nước Singapore “đi vào cuộc sống”. Thành quả lao động đã được phân phối một cách hợp lý. Người già, cô đơn, người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh được xã hội nhìn nhận, chia sẻ một cách đúng mức, nghĩa tình.

Thấy người lại ngẫm đến ta

Thực ra, điểm xuất phát của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á gần như không khác nhau là bao. So sánh khập khiễng, nhưng rõ ràng, nước nào có sự bứt phá, hòa nhập nhanh thì nước đó có sự phát triển nhanh. Nước ta, có đặc điểm riêng, để giành độc lập, chúng ta phải trả giá bởi mấy cuộc chiến tranh với sự hy sinh của nhiều triệu người. Nhưng khi có hòa bình, ổn định để phát triển thì nhận thức về đường lối kinh tế và hội nhập quốc tế có phần thận trọng, nếu không nói là chậm trễ. Rất may, khi nhận thức được vấn đề, xác định được đường lối đổi mới, chúng ta đã vào cuộc quyết liệt, vượt lên chính mình, bước đầu có thành quả. Nhưng quả thực đó mới chỉ là bước đầu. Để bằng bạn bè về kinh tế, quản lý xã hội vẫn là bài toán đang cần lời giải tối ưu nhất.

Thấy người mà ngẫm đến ta. Công bằng và dũng cảm nhìn nhận, ta còn nhiều bất cập, khiếm khuyết. Nói như cách nói mới đây của Thủ tướng Chính phủ: Không được thỏa mãn với vòng nguyệt quế! Hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Nhà nước đã bỏ ra không biết bao nhiêu công quỹ để chi cho các đoàn của Trung ương và địa phương đi nước ngoài tham quan, học tập về nhiều mặt, trong đó có việc làm kinh tế và quản lý xã hội, nhưng hiệu quả chưa tương xứng với “đồng tiền, bát gạo” bỏ ra.

Ai “mục sở thị” thành quả của nước bạn cũng khao khát nhanh chóng trở về áp dụng, đặng có lợi cho dân, cho nước. Song, về nước, bị vòng xoáy, áp lực của công việc, trong đó có việc “giữ ghế” và giữ lợi ích nhóm..., mọi dự kiến bay hết. Chỉ lấy ví dụ về quy hoạch đô thị, quản lý an toàn giao thông, chống ngập lụt ở các đô thị lớn và cả cải cách giáo dục nữa, cứ như gà mắc tóc, luẩn quẩn không có lối ra.

Thực ra, nói thì dễ, làm không dễ. Nhưng nếu chỉ đổ lỗi cho khách quan thì không công bằng; không bao giờ chúng ta có thể vươn lên bằng bạn bè; không bao giờ đuổi kịp các nước trong khu vực như đảo quốc Singapore nhỏ bé mà giàu có, bình yên này. Vấn đề còn lại, phải tìm ra nguyên nhân sâu xa và có biện pháp vươn lên quyết liệt.

Trở lại kinh nghiệm của Singapore và một số nước kinh tế phát triển. Việc thành bại không chỉ là việc riêng của nhà nước mà cốt ở ý thức người dân. Chuyển biến nhận thức cộng đồng là việc làm tiên quyết. Theo tôi, việc ưu tiên nhất trong lúc này là nên trở lại tiêu chí các cụ xưa để lại: Tiên học lễ, hậu học văn. Cái lễ tiên ấy, trước hết là sống trung thực với mình và người hơn. Đạo đức xã hội - cách mà người đối với người hôm nay, hình như có vấn đề. Nói dối người và nói dối với chính mình đang là căn bệnh trầm kha, khó chữa... Chỉ khi nào người dân ý thức được “trước vì cái chung, sau tôn trọng cái riêng”, sẽ đồng hành cùng Nhà nước trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội, của cả hệ thống sẽ cho chúng ta những điều tốt đẹp như cây lá, như hoa trái mùa xuân.

TRẦN THẾ TUYỂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cam-nhan-tu-singapore-570921.html