Cảm nhận của một nhà văn Mỹ về đêm lịch sử của bóng đá Việt Nam

LTS: Bruce Weigl là giáo sư, nhà thơ danh tiếng của nước Mỹ. Ông đã đến Việt Nam năm 1967 tham gia chiến tranh Việt Nam; rồi trở về Mỹ và tham gia phong trào phản chiến.

Hơn 30 năm nay, ông là thành viên quan trọng của Trung tâm William Joiner, ĐH Massachusetts, Mỹ, một trung tâm nghiên cứu về hậu quả xã hội và chiến tranh thông qua văn chương. Năm 1997, ông đã dịch tập thơ “Những bài thơ trong tài liệu bị bắt giữ” cùng với Tiến sỹ người Mỹ gốc Việt là Kim Thanh. Tập thơ là những bài thơ của những người lính giải phóng Việt Nam trong các sổ tay bị quân đội Mỹ thu giữ trong chiến tranh.

Ông là một trong những nhà thơ Mỹ cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dịch tập thơ “Sông núi” bao gồm những bài thơ tiêu biểu của các nhà thơ Việt Nam viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Cách đây mấy năm, ông là người dịch tập thơ “Khát vọng hòa bình” gồm 100 bài thơ của 10 thế kỷ người Việt Nam chống ngoại xâm.

Vào những năm quan hệ Việt – Mỹ chưa bình thường hóa, các nhà văn Việt Nam đến Mỹ để đọc và giới thiệu tác phẩm thường bị những người Việt sinh sống ở đó đe dọa. Một lần ông đã rút cán cờ Mỹ ra để bảo vệ nhà văn Nguyễn Khải trước cửa thư viện Boston và hét to “Đây là những người bạn của tao, không ai được đụng đến họ”.

Sau chiến tranh, Bruce đã sang Việt Nam xin một đứa trẻ mang về Mỹ nuôi. Việc nhập cảnh của ông trục trặc vì ông không biết visa của mình đã hết hạn. Ông nói với nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nếu không vào được Việt Nam để nhận con, tôi sẽ chết mất. Cuối cùng ông đã đón được đứa con gái nuôi yêu dấu về Mỹ.

Gần mười năm trước, Bruce xuất bản cuốn sách “Vòng tròn của Hạnh” để nói về cô con gái nuôi của ông. Cuốn sách đã trở thành sách best seller ở Mỹ. Ông đưa Hạnh đến Mỹ rồi tìm cách đưa Hạnh trở về Việt Nam. Trở về Việt Nam ở đây là trở về với cội nguồn văn hóa của đứa con nuôi mình.

Bruce Weigl đã xuất hai hai tập sách ở Việt Nam: Ký sự Vòng tròn của Hạnh và tập thơ Sau mưa thôi nã đạn. Hiện ông đang viết một tập thơ về Hà Nội có tên “Thành phố không có súng” và sẽ xuất bản trước khi ông trở lại Mỹ…

Lần này đến Việt Nam, ông tìm hiểu về những ngôi làng Việt Nam để viết một cuốn tiểu thuyết. Ông đã đến các làng quê, ăn cơm cùng những người nông dân với nước mắm, hút thuốc lào và làm thơ về họ. Người bạn thân thiết của Bruce - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại: "Tôi nói với Bruce, nếu ông ăn được nước mắm và các món ăn dân tộc Việt Nam, ông đã trở thành người Việt Nam rồi".

Trong suốt quá trình đội U22 Việt Nam và tuyển nữ Việt Nam thi đấu tại SEA Games, ông đều tìm đến các quán cà phê để ủng hộ các cầu thủ Việt Nam. Ông nói:“Bóng đá cho tôi hiểu thêm về người Việt Nam”.

Dưới đây là bài viết của ông sau đêm “đi bão” cùng người hâm mộ Việt Nam ăn mừng HCV bóng đá nam SEA Games 30.

Báo CAND trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của nhà văn Mỹ Bruce, do nữ nhà báo Nguyễn Thị Linh Chi chuyển ngữ. Lời Tòa soạn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Tối 10-12, chỉ vài phút sau khi đội U22 Việt Nam đánh bại đội U22 Indonesia qua đó giành tấm huy chương vàng bóng đá sau hàng chục năm bền bỉ tìm kiếm tại đấu trường SEA Games, tôi chạy xe dọc trên những con phố Hà Nội để trở về căn hộ của mình trên phố Yết Kiêu, sau khi cùng xem bóng với bạn bè tại một căn nhà nhỏ ven Hồ Tây.

Đường phố lúc này đã kín người, giao thông chật cứng khiến các phương tiện chỉ có thể di chuyển với tốc độ “ốc sên”. Hàng nghìn người ở mọi độ tuổi đã đứng dọc hai bên đường, giơ cao tay lên và sẵn sàng đập tay với những người đang đi xe máy ăn mừng trên phố, trong đó có cả tôi.

Đường phố kẹt cứng người và xe "đi bão" ăn mừng đội U22 Việt Nam đoạt huy chương vàng bóng đá tại SEA Games 30.

Đường phố kẹt cứng người và xe "đi bão" ăn mừng đội U22 Việt Nam đoạt huy chương vàng bóng đá tại SEA Games 30.

Một vài người thậm chí còn mang theo xoong, chảo và những chiếc thìa gỗ để tạo thành bộ trống. Một số khác lại hào hứng nhảy theo điệu nhạc phát ra từ những chiếc loa ở đâu đó.

Bầu không khí quanh tôi được nhuộm đỏ bởi màu của những lá cờ của các cổ động viên đứng trên ô tô và thậm chí là xe tải. Những “làn sóng” màu đỏ và vàng liên tục được tạo nên bởi cánh tay của các cổ động viên trên những chiếc ô tô giữa dòng người. Và thậm chí ngay cả khi sử dụng xe máy, việc di chuyển là bất khả thi bởi có quá nhiều người trên phố. Những tiếng hò reo, những cổ động viên mừng vui thổi những chiếc kèn vuvuzela, họ cười lớn và giơ cao tay lên trời hét vang mừng chiến thắng.

Thế nhưng tôi lại chẳng cảm thấy chút nguy hiểm nào, và tôi cũng chẳng tìm thấy gương mặt nào đó khó chịu hay bực tức trong đám đông. Bầu không khí khi ấy chìm trong niềm vui ngập tràn, khiến dòng xe cứ tăng tốc, rồi lại dừng lại, rồi lại tăng tốc một lần nữa trên đường phố.

Những du khách ngoại quốc cũng xuống đường chung vui với người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

Giây phút ấy tôi nhận ra rằng, đây không đơn thuần chỉ là bóng đá. Và khi nhìn những dòng người sôi động quanh mình, mà có lẽ là cả nghìn người, tôi bất chợt nghĩ đến mẩu chuyện ngắn tuyệt vời của nhà văn Nguyễn Công Hoan – “Tinh thần thể dục”.

Trong câu chuyện, được lấy bối cảnh vào năm 1930, khi người Pháp vẫn đang đô hộ Hà Nội và quyết định tổ chức một trận đấu bóng đá giữa tuyển của họ và đội tuyển Việt Nam. Vào ngày thi đấu, vốn được quảng cáo rầm rộ, diễn ra, chẳng có một ai đến sân vận động, chẳng có một cổ động viên nào. Những người Việt Nam, dưới sự cai trị của Pháp, đã buộc phải vật lộn mưu sinh. Họ không có nhu cầu xa xỉ về việc sẽ nghỉ làm một ngày chỉ để đi xem một trận bóng, được tổ chức xa nơi họ ở hàng tiếng đồng hồ di chuyển, và họ cũng không có phương tiện để đi.

Chính quyền Pháp khi ấy đã vô cùng tức giận, họ yêu cầu cảnh sát phải bắt những người dân trên đường phố và đưa họ đến xem trận bóng, biến đây trở thành lý do duy nhất để một ai đó có thể có mặt trên sân xem bóng ngày hôm đó.

Thật tuyệt vời làm sao cái cách mọi thứ đã thay đổi sau 90 năm! Một nhà lý luận nào đó đã từng viết rằng, nếu bạn muốn hiểu về nước Mỹ, hãy hiểu về bóng chày. Và giờ đây điều tương tự cũng xảy ra, với Việt Nam và bóng đá.

Việt Nam có những tuyển thủ trẻ tuyệt vời, đó là điều không thể phủ nhận. Giờ đây, họ còn may mắn có được một huấn luyện viên tài năng và xuất sắc, và thật khó đoán định đội tuyển này sẽ đi xa đến đâu. Là một đội bóng, họ cần phải tìm được sự cân bằng trên sân, nơi các cầu thủ phải hiểu rất rõ vị trí của mình trên cương vị một thành viên, nhưng cũng sẵn sàng thay đổi phù hợp với những tình huống phát sinh bên ngoài vị trí đó. Chúng tôi đã thấy nhiều lối chơi như vậy quanh khung thành, khi thủ môn đang ở một bên, còn trái bóng thì lại có quá nhiều khoảng trống để vào lưới.

Tôi tin rằng, sức mạnh thực sự của tuyển Việt Nam chính là sự tập trung vào hàng phòng thủ, và mặc dù họ đã ghi được 4 bàn thắng trong trận bán kết với Campuchia, hay ghi được 3 bàn thắng trong trận chung kết với Indonesia, một kết quả chung cuộc cao đột biến, thì tôi tin chính khả năng phòng thủ đã giúp U22 Việt Nam giành được huy chương vàng.

Có thể nói rằng, việc một tập thể những cầu thủ tài năng bằng cách nào đó đã kết hợp lại thành một đội, cùng với một vị HLV lão luyện đã làm nên điều kỳ diệu, chính là cách mà thể thao xứng đáng diễn ra. Nhưng điều kỳ diệu và sự thỏa mãn ấy chưa phải là toàn bộ câu chuyện, mà còn phải nhắc đến niềm vui tràn ngập đường phố đêm mừng chiến thắng. Một niềm vui không đơn thuần chỉ về bóng đá, nó sâu sắc hơn thế nhiều, đó là trái tim mang niềm tự hào dân tộc.

Nhà văn Bruce Weigl (thứ ba từ trái sang) cùng bạn bè Việt Nam tại một quán cà phê trên phố Nguyễn Du, Hà Nội sáng 12-12. Ảnh: Khắc Hiền

Hàng nghìn người đổ ra đường phố đêm qua không chỉ đơn giản là ăn mừng chiến thắng với tỉ số 3-0 của U22 Việt Nam, hay ăn mừng niềm vui Việt Nam giành huy chương vàng bóng đá SEA Games, mà họ đang tôn vinh chính hình tượng những con người Việt Nam, với những cam kết về sự xuất sắc, lòng trung thành, sự kiên định và niềm tự hào chảy trong dòng máu, đưa con người sát lại gần nhau.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử của các cuộc đấu tranh chống xâm lăng và đô hộ. Đã biết bao ký ức buồn xảy ra trong những tháng ngày bị xâm lược đó, cùng những chuỗi ngày dài bão tố phủ trùm lấy bầu trời Việt Nam, và thật khó, nếu không muốn nói rằng chẳng có liều thuốc nào có thể giúp vượt qua những nỗi đau ấy.

Nhưng tối qua, những người trẻ, với tình yêu ngập tràn dành cho đất nước của mình, đã đặt trái tim lên trên hết và mang về chiến thắng vĩ đại, vượt qua lịch sử của mất mát và đau khổ, khiến trái tim của triệu người Việt Nam được kiêu hãnh, tự hào. Điều đó, không chỉ đơn thuần là bóng đá!

Bruce Weigl

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/so-tay-the-thao/cam-nhan-cua-mot-nha-van-my-ve-dem-lich-su-cua-bong-da-viet-573744/