Cảm nhận của một người Việt Nam ở nước ngoài khi về Hà Nội ăn Tết

Bà Nguyễn Thị Trâm, người Việt Nam đang định cư ở Đức là một cộng tác viên khá đặc biệt của Báo Quân đội nhân dân Điện tử. Tuy xa quê hương, bà vẫn thường xuyên hướng về quê nhà, dõi theo tình hình đất nước qua thông tin trên báo chí. Bà có bài viết gửi Báo Quân đội nhân dân Điện tử chia sẻ những cảm nhận khi về Hà Nội trong những ngày Tết

Những ngày giáp Tết, Hà Nội xưa nay vẫn nhộn nhịp nhất là phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường. Thơ mộng say đắm nhất là chợ hoa trên phố Hàng Rươi, Hàng Lược và náo nhiệt nhất, sặc sỡ nhất là phố Hàng Mã. Điều này giúp bù đắp lại sự chờ đợi của hai vợ chồng sau nửa năm đặt vé và hơn 100 ngày để được về Việt Nam hưởng hương vị Tết cổ truyền.

Hai vợ chồng nhỏ nhoi giữa biển người mua sắm và giữa rừng vật phẩm trang trí Tết của các cửa hàng tại các tuyến phố cổ. Nếu “lội bộ” hoài thì không thể hưởng hết không khí này của Hà Nội, vì thế chúng tôi ra bến xe Long Biên để đi xe buýt với giá vé chỉ 7.000 đồng. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng trước sự lịch thiệp của các bạn trẻ trên xe buýt. Ngay khi thấy vợ chồng già chúng tôi, các bạn trẻ đã đứng dậy nhường chỗ ngồi. Chuyến xe buýt số 55 chạy từ bến Long Biên về hướng Nghi Tàm, Nhật Tân hút mắt với hai bên đường hoa đào, cây quất được bày bán ven đường chạy dài lên Tứ Liên nối tiếp đường Lạc Long Quân tới Cầu Giấy. Chúng tôi lại tiếp tục chuyến xe buýt khác tới Bờ Hồ để thăm đền Ngọc Sơn.

Chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chụp ảnh lưu giữ kỷ niệm trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Họ hàng của chúng tôi phần lớn sinh sống ở quận Ba Đình. Từ Đức trở về, chúng tôi không muốn phiền gia đình nên đã thuê khách sạn trên phố Nguyễn Trường Tộ để tiện cho việc đi lại thăm viếng người thân. Mồng Một Tết, tôi xúng xính áo dài để thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ các chùa, nhưng gọi điện thoại hãng taxi nào cũng nhận trả lời tương tự: “Cám ơn quý khách đã tin tưởng taxi... Xin lỗi quý khách, vì khách quá đông nên hiện giờ chưa có xe”... Gọi Uber, Grap thì đều có hợp đồng chở khách đi các tỉnh. Sau một hồi không gọi được xe, chúng tôi đành trở về khách sạn nghỉ ngơi.

Đến ngày mồng 6 Tết, chúng tôi vẫn không thể tìm được xe ra ngoài thăm thú các nơi khi lái xe cho biết là do nhiều khách đặt trước chở đi về quê hoặc đi lễ các tỉnh. Thỉnh thoảng thấy bóng xe taxi cách chừng vài chục mét, tôi vẫy gọi, nhưng xe đều có khách bên trong, còn xe nào trống thì đang đi đón khách. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với xe buýt. Đợi cả tiếng mới có một chuyến do các bác tài thay phiên nhau tranh thủ nghỉ Tết với gia đình.

Chồng bà Trâm chụp ảnh lưu niệm trước công vào chùa Trấn Quốc.

Đôi vợ chồng già như chúng tôi vốn dĩ ở Đức luôn đi lại bằng xe riêng, nhưng về Hà Nội là gặp cảnh “ra đường không xe”. Đúng là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã thấm sâu vào đời sống thường nhật ở đây. Mấy ngày đầu xuân chúc tôi đành hạn chế đến họ hàng chúc Tết.

Việc tìm quán ăn cũng vậy! Thả hồn đi một vòng từ phố Nguyễn Trường Tộ, qua chợ Hòe Nhai, Hàng Bún, Quán Thánh, Cửa Bắc… đi hàng cây số mà không tìm thấy các quán ăn nào mở cửa. Du khách đành phải chọn những món ăn tạm lót dạ ngày Tết. Tuy nhiên, tình cảm của người thân đã làm chúng tôi ấm lòng. Nghe nói vợ chồng tôi kiếm hàng ăn khó khăn và không có xe đi ngày Tết, người cô gọi điện thoại: “Thương quá, đến cô chơi! Cô làm nem rán cả nhà cùng ăn. Muốn đi đâu thì nhà có xe máy…”. Cậu ruột ở phường Trúc bạch cũng mời đến ăn cơm. Sự quan tâm của người thân đã khiến vợ chồng tôi cảm thấy có một cái Tết thật đầm ấm, sum vầy...

Bài, ảnh: NGUYỄN THỊ TRÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/cam-nhan-cua-mot-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-khi-ve-ha-noi-an-tet-651918