Cảm nhận của doanh nghiệp về rủi ro bị thu hồi đất tăng trở lại

Dù có thêm nhiều doanh nghiệp báo cáo không gặp khó khăn ở các thủ tục hành chính về đất đai, nhưng cảm nhận của doanh nghiệp về rủi ro bị thu hồi đất cũng nhiều hơn.

Doanh nghiệp FDI khuyến nghị đẩy mạnh phòng chống tham nhũng

Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021, dù chính quyền trung ương luôn chủ trương thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đa số doanh nghiệp FDI cho biết gánh nặng thực thi quy định tăng lên trong năm 2021.

Tỷ lệ doanh nghiệp FDI phải dành hơn 5% quỹ thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật là 60,6%, tăng mạnh so với con số 32,9% của năm 2020.

Các doanh nghiệp FDI cũng tiếp tục đánh giá cao hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng của Việt Nam trong năm 2021, song đây vẫn là lĩnh vực cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa.

Cụ thể, năm 2021 có 41,9% doanh nghiệp FDI cho biết không chi trả chi phí không chính thức, con số tích cực nhất kể từ năm 2010 trở lại đây. Dù vậy, vẫn có 1,7% doanh nghiệp phải dành trên 10% doanh thu cho chi phí không chính thức, nhích nhẹ so với con số 1,2% của năm 2020. Tương tự, năm 2021 có 5% doanh nghiệp cho biết phải dành 5-10% doanh thu cho chi phí không chính thức, trong khi năm trước đó chỉ là 2,1%.

Điều tra doanh nghiệp FDI năm 2021 cho thấy một số lĩnh vực cần đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực khi tỷ lệ doanh nghiệp FDI cho biết có chi trả chi phí không chính thức còn cao, như lĩnh vực thủ tục xuất nhập khẩu (38,9%), thanh tra, kiểm tra (25,4%), thủ tục đất đai (21,1%).

Lo ngại rủi ro thu hồi đất tăng lên

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết dù dấu hiệu tích cực là tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo không gặp khó khăn với các thủ tục hành chính về đất đai tăng lên nhưng cảm nhận của doanh nghiệp về rủi ro bị thu hồi đất cũng đã tăng trở lại trong năm qua sau chuỗi giảm và ổn định từ năm 2016.

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “doanh nghiệp sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu bị thu hồi đất” khá thấp, chỉ khoảng 29% và thấp hơn đáng kể so với mức 40% của năm 2013.

Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết họ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2006. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, bởi việc nắm giữ giấy CNQSDĐ giúp đảm bảo quyền tài sản và tạo sự an tâm cho nhà đầu tư về triển vọng đầu tư dài hạn.

Ngoài ra, trong những khó khăn chủ yếu khi tiếp cận, mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh, vấn đề lớn nhất nằm ở sự phức tạp của các thủ tục hành chính thuế, chuyển nhượng đất đai (42,5%).

Công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021

Công bố Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021

Nguyên nhân phổ biến thứ 2, theo ông Tuấn, là quy hoạch đất đai của địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp (39,3%). Khoảng 30,5% doanh nghiệp phản ánh “việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi, nhanh chóng” và 21,5% doanh nghiệp cho biết địa phương có tình trạng “thiếu quỹ đất sạch”.

Các vấn đề khác cũng nằm trong mối quan ngại của doanh nghiệp, có thể kể đến như giá đất theo quy định của Nhà nước cao, giá đất theo quy định của Nhà nước tăng quá nhanh, công tác giải phóng mặt bằng chậm, việc cung cấp thông tin dữ liệu về đất đai không thuận lợi và việc xử lý hồ sơ về đất đai lâu hơn quy định.

“Những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh”, ông Tuấn nói.

VCCI cũng nhận định mặt bằng kinh doanh là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Theo đó, chính quyền các địa phương có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai và ổn định mặt bằng kinh doanh thông qua nhiều biện pháp khác nhau: từ xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư; minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp; cho đến giải quyết thông thoáng các thủ tục thuê, mua đất; nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực giải phóng mặt bằng…

Do tầm quan trọng của mặt bằng kinh doanh với doanh nghiệp và bản chất liên ngành, liên cấp của các vấn đề về đất đai, đây là một trong những lĩnh vực phức tạp và khó cải thiện nhất ở nhiều địa phương.

Một xu hướng đáng chú ý nữa, điểm số của các tỉnh có sự biến thiên nhỏ hơn sau thời điểm năm 2013 khi Luật Đất đai được ban hành và góp phần giảm thiểu tình trạng các địa phương có cách hiểu và áp dụng, thực hiện khác nhau và đưa ra các sáng kiến khác nhau.

Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các FTA mạnh mẽ hơn

VCCI cũng cho rằng công tác phổ biến thông tin và hướng dẫn doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế cần tiếp tục đẩy mạnh để phát huy hiệu quả. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam đang tham gia 15 FTA với nhiều đối tác thương mại quan trọng. Tuy nhiên, mức độ nhận biết của doanh nghiệp Việt Nam về các hiệp định thương mại tự do là khá khiêm tốn.

Cụ thể, CPTTP là hiệp định thương mại tự do có tỷ lệ doanh nghiệp nhận biết cao nhất (30,19%). Tỷ lệ doanh nghiệp nhận biết được các hiệp định EVFTA và UKVFTA lần lượt là gần 29% và 14%. Mối quan tâm đến các hiệp định này có sự khác biệt rõ rệt giữa doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu với doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường trong nước.

Khảo sát PCI năm 2021 cho thấy khoảng 49% doanh nghiệp đã từng gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến thực thi các FTA. Dù phân theo đặc điểm về định hướng thương mại, quy mô vốn, quy mô lao động, số năm hoạt động hay ngành kinh tế, mức độ gặp khó khăn giữa các nhóm doanh nghiệp là tương đương nhau. Điều này cho thấy công tác xây dựng chính sách và hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA cần được nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cam-nhan-cua-doanh-nghiep-ve-rui-ro-bi-thu-hoi-dat-tang-tro-lai-181057.html