Cảm nhận Chevrolet Trailblazer - xứng tầm đối thủ của Toyota Fortuner

Thiết kế khỏe khoắn đậm chất Mỹ, Trailblazer còn được trang bị nhiều công nghệ tiên tiến, hỗ trợ người lái tốt, hứa hẹn tạo ra cuộc đua thú vị ở phân khúc SUV cỡ trung.

Trong những năm qua, phân khúc SUV cỡ trung tại Việt Nam ghi nhận sự thống trị của Toyota Fortuner. Các hãng xe đều có những sản phẩm để tham chiến trong phân khúc này, tuy nhiên Fortuner tạo ra khoảng cách lớn về doanh số.

Tiếp sau những Mitsubishi Pajero Sport, Isuzu mu-X hay Ford Everest, Chevrolet Trailblazer là tân binh tham gia cạnh tranh với Toyota Fortuner. SUV của Chevrolet trang bị nhiều tính năng hỗ trợ người lái vượt trội so với đối thủ. Đồng thời giai đoạn này mẫu xe Nhật Bản vẫn trong tình trạng hết hàng là điều kiện thuận lợi để Trailblazer đánh chiếm thị phần.

Thiết kế cơ bắp đậm chất Mỹ

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi thấy Trailblazer ngoài đời thực, không phải qua những hình ảnh quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, là những đường nét cơ bắp, khỏe khoắn đúng chất xe Mỹ.

Đầu xe thiết kế to đậm, không khác biệt gì so với người anh em bán tải Colorado, nếu nhìn trực diện không thể phân biệt giữa 2 xe. Kích thước lưới tản nhiệt nhỏ, được bao quanh bởi đường nẹp mạ kim loại sáng bóng tạo điểm nhấn giữa những chi tiết to bản ở cản trước. Chính những đường gân nổi trên nắp capo, cách thiết kế tạo điểm gờ ở cản trước đã tạo nên một dáng vẻ bệ vệ cho phần đầu của Traiblazer.

Trong khi đó, cụm đèn pha thiết kế to, sử dụng bóng chiếu halogen thay vì dùng đèn LED hiện đại. Có cảm giác, nhà thiết kế cố tình hướng Trailblazer đến một dòng xe việt dã, thay vì sự hoa mỹ. Cụm đèn này có tính năng tự động bật/tắt theo điều kiện ánh sáng thực tế. Chỉ duy nhất đèn chạy ban ngày có dạng LED.

Trái ngược với hình ảnh hút mắt khi nhìn trực diện, góc quan sát phía ngang thân xe không thật sự bắt mắt. Chiếc xe không tạo cảm giác trường xe khi phần đuôi khá cụt. Vòm bánh xe thiết kế cao, trong khi bộ lốp kích thước 18 inch dường như hơi nhỏ. Tuy nhiên bộ la-zăng hợp kim của xe có thiết kế khá bắt mắt.

Đuôi xe không tạo ra nhiều ấn tượng đối với người lái, chi tiết đáng chú ý nhất nằm ở dãy cảm biến va chạm phía sau. Trong khi đó, ống xả của xe thiết kế khá thô.

Tiến vào bên trong cabin xe, cảm nhận đầu tiên của người lái đó là các chi tiết đều được thiết kế to như nút bấm ở cụm điều khiển trung tâm, giao diện điều khiển của hệ thống thông tin giải trí.

Màn hình cảm ứng ở chính giữa bảng táp lô cho mức hiển thị hình ảnh khá, đáp ứng đủ khi hiển thị hình ảnh từ camera lùi. Vô lăng bọc da thiết kế không thật sự bắt mắt, tích hợp nhiều nút bấm chức năng. Hệ thống kiểm soát hành trình được kích hoạt tại đây, mang đến tiện lợi cho người điều khiển.

Chevrolet Trailblazer trang bị hệ thống điều hòa tự động, hai vùng độc lập. Điều hòa cho 2 hàng ghế sau có thể bật tắt thông qua một nút bấm riêng ở khu vực điều khiển trung tâm.

Thiết kế này giúp tối ưu khả năng sử dụng điều hòa cũng như mức tiêu hao nhiên liệu, bởi khi không trở hết tải, hai hàng ghế sau để trống, người dùng không cần mở điều hòa cho khu vực này.

Điều tôi không đánh giá cao ở Trailblazer nằm ở cách thiết kế hàng ghế thứ 2. Hàng ghế này được đặt cố định, chỉ có thể gập lên xuống mà không thể di chuyển tiến lên trước hay lùi về sau. Do đó, vị trí ngồi của hàng ghế thứ 3 cũng không thể nới thêm không gian khi cần thiết.

Khoang chứa đồ phía sau của Trailblazer, khi dựng hàng ghế thứ 3, khá hẹp không chứa được nhiều hành lý. Tuy nhiên, khi gập phẳng hàng ghế cuối, không gian chứa đồ tăng lên đáng kể, đủ chứa đồ cho một chuyến đi dài ngày.

Nhiều tiện ích hỗ trợ người lái

Một trong những thế mạnh và khiến tôi ưng ý nhất trên Trailblazer nằm ở các tính năng hỗ trợ người lái. Phiên bản LTZ trong bài trang bị tận răng các chức năng an toàn như hệ thống cảnh báo va chạm trước, cảnh báo điềm mù trên gương, cảnh báo đi lệch làn đường.

Camera độ phân giải cao đặt ở vị trí gương chiếu hậu kính lái sẽ đưa ra cảnh báo bằng âm thanh, khi chiếc xe có nguy cơ va chạm với xe đi trước. Trong khoảng cách 60 mét và tốc độ 40 km/h trở lên tính năng này sẽ kích hoạt giúp người lái điều chỉnh tốc độ cũng như khoảng cách với xe đi trước để tăng thêm độ an toàn.

Trong trường hợp đi lệch làn được ở tốc độ 60 km/h, tài xế chuyển làn mà không có tín hiệu, xe sẽ mặc định đó là tình huống đi lệch làn đường và đưa ra cảnh báo để tài xế chú ý hơn. Đây là tính năng đặc biệt hữu ích khi di chuyển trên cao tốc.

Trong khi đó, hệ thống cảnh báo điểm mù trên gương giúp người lái thuận tiện hơn khi di chuyển trong khu vực nội thị, mật độ giao thông cao. Ngoài ra các tính năng hỗ trợ đỗ xe, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi xe cũng hữu ích không kém khi sử dụng xe trong nội đô.

Trailblazer tích hợp hệ thống kiểm soát hành trình, giúp việc di chuyển trên cao tốc nhàn hơn rất nhiều, chỉ cần thiết lập tốc độ, người lái có thể để cho đôi chân nghỉ ngơi và tập trung vào điều khiển xe.

Các tính năng hỗ trợ đi đường địa hình trên Trailblazer gồm hỗ trợ xuống dốc, khởi hành ngang dốc. Hệ thống chuyển cầu điện tử từ 1 cầu thành 2 cầu giúp chiếc xe có thể chinh phục những địa hình phức tạp. Thế nhưng khá đáng tiếc khi mẫu SUV này không có chức năng khóa vi sai cầu sau.

Một tính năng đặc biệt hữu ích trên Trailblazer là khởi động từ xa. Trong những ngày hè oi ả, chiếc xe đỗ dưới nắng lâu sẽ khiến nhiệt độ trong cabin có thể tăng thêm cả chục độ so với ngoài trời, lúc này người lái có thể sử dụng nút bấm khởi động từ xa trên chìa khóa để nổ máy trước, điều hòa sẽ tự động bật làm mát bên trong cabin. Chìa khóa có thể kích hoạt xe ở khoảng cách 100 m. Khá đáng tiếc khi Trailblazer không trang bị khởi động bằng nút bấm bên trong cabin.

Cảm giác lái thú vị

Ở phiên bản trải nghiệm, Trailblazer trang bị động cơ 2.8L, Turbo Diesel, công suất 197 mã lực và mô-men xoắn 500 Nm, số tự động 6 cấp. Vị trí lái cao, góc quan sát rộng cùng nhiều tính năng hỗ trợ giúp người lái dễ làm chủ chiếc xe, dù kích thước khá cồng kềnh.

Tuy nhiên, do tốc độ di chuyển trong phố khá chậm, không thoát máy, nên có cảm giác động cơ luôn vận hành thừa thãi, tạo ra độ gầm nhất định vọng vào cabin.

Vô lăng xe trợ lực điện, nhưng cho cảm giác lái thật tay khi di chuyển trong phố, người lái không tốn nhiều sức lực khi muốn chuyển hướng. Trong khi đó, trên đường cao tốc, chiếc xe được thiết lập tự động giảm trợ lực vô lăng, giúp việc điều khiển xe ở tốc độ cao ổn định hơn.

Một điều người lái đánh giá cao ở Trailblazer nằm ở hệ thống giảm xóc. Trên cung đường Hà Nội - Lào Cai, nhiều vị trí mấp mô, giảm xóc làm việc hiệu quả, giúp thân xe ổn định dù di chuyển với vận tốc cao.

Cỗ máy dầu với sức kéo đến 500 Nm giúp chiếc xe tăng tốc tốt. Tuy nhiên, tiếng ồn khi xe chạy với vận tốc cao, tua máy lớn của máy dầu vẫn vọng vào cabin, khá khó chịu, nhất là khi ngồi ở hàng thế thứ 3.

Lợi thế cạnh tranh bằng công nghệ

Với hàng loạt tính năng hỗ trợ người lái, Trailblazer ghi điểm so với Fortuner. Bên cạnh đó, khả năng vận hành ổn định cũng được coi là một điểm cộng. Tuy nhiên, dòng xe SUV của Chevrolet vẫn có những điểm trừ như hàng ghế thứ 2 không linh hoạt, cabin khá ồn khi vận hành.

Trong bối cảnh phân khúc SUV cỡ trung hiện tại không có nhiều lựa chọn do khan hàng xe nhập, Trailblazer có lợi thế nhất định để chiếm thị phần, với giá bán cạnh tranh. Ngay trong tháng đầu tiên bán ra thị trường, dòng xe này đạt doanh số hơn 160 xe, bán chạy thứ 2 về doanh số tháng của Chevrolet, có thể coi là thành công bước đầu.

Tại thị trường Việt Nam, Trailblazer có giá từ 859 triệu đến 1,075 tỷ đồng. Giá bán này rẻ hơn đối thủ chính Toyota Fortuner khá nhiều. Phiên bản cao cấp nhất Trailblazer LTZ rẻ hơn so với bản Fortuner 2.8 AT sắp bán đến 279 triệu đồng, là một lợi thế cạnh tranh không nhỏ.

Anh Lê

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cam-nhan-chevrolet-trailblazer-xung-tam-doi-thu-cua-toyota-fortuner-post857512.html