Cảm nghĩ 'Người tù trao áo'

Bấy lâu nay, sự kiện và nhân vật lịch sử luôn là đề tài hấp dẫn, không ngừng được khám phá của các loại hình văn hóa nghệ thuật. Sự kiện và nhân vật lịch sử là điều có thật. Song chỉ kể lại sự kiện và nhân vật lịch sử ấy chưa đủ.

Điều cần thiết, qua lăng kính của tác giả và tài diễn xuất của các nghệ sỹ, sự kiện, nhân vật ấy được tái hiện với thông điệp mới, nhuần nhuyễn giữa cũ và mới; giữa hôm qua và hôm nay. Để làm được việc ấy, đối với loại hình sân khấu, không chỉ là trí tuệ, công sức của một người, một nhóm người mà của cả một tập thể, trong đó tác giả kịch bản và đạo diễn rất quan trọng.

Tôi ngẫm thế, khi xem lại vở kịch nói “Người tù trao áo” do Nhà hát kịch CAND thực hiện, tác giả kịch bản NSƯT Bùi Vũ Minh, Đạo diễn NSND Lê Hùng và NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền chỉ đạo nghệ thuật, được đài Truyền hình Trung ương phát đêm 15-8 trên kênh VTV1.

Cảnh trong vở “Người tù trao áo” tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội.

Cảnh trong vở “Người tù trao áo” tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội.

Điều cảm nhận đầu tiên, đây là vở diễn đọng lại nhiều ấn tượng từ nội dung đến nghệ thuật. Về nội dung, sự kiện nhà cách mạng thuộc thế hệ tiền bối Vũ Văn Hiếu, một người con ưu tú của quê hương Hải Hậu (Nam Định), Bí thư Khu ủy đầu tiên ở vùng mỏ Quảng Ninh, trước lúc hy sinh tại nhà tù Côn Đảo đã cởi tấm áo đang mặc cho người bạn tù, sau này là Tổng Bí thư Lê Duẩn (anh Ba) hầu như ai cũng biết. Nhưng tập thể tác giả và những cộng sự đã làm mới, đưa ra thông điệp mới, nhất là lúc này Đảng ta đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ chống tham nhũng, thoái hóa biến chất để làm Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước.

Có phải vậy không? Chính là câu nói kết thúc vở diễn của nhân vật Võ Thị Sáu, một liệt nữ lừng danh đã hy sinh khi vừa qua tuổi vị thành niên giữa pháp trường Côn Đảo cách nay gần thế kỷ. Điều ấy có ý nghĩa thời sự rằng, dù có thể đau lòng, chúng ta cũng phải mạnh dạn cắt bỏ khối u đã đến thời kỳ di căn, có thể hủy hoại cả cơ thế. Cuộc đấu tranh với cái ác để bảo vệ, tôn vinh cái thiện, trong điểm đến chân, thiện, mỹ, đòi hỏi những người có trách nhiệm không được run tay. Dù họ bất cứ là ai, từ những đảng viên bình thường đến những người giữ cương vị lãnh đạo cao của Đảng, như Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị… nếu vi phạm điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật đều phải bị xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng và pháp luật.

Về nghệ thuật, phải nói tập thể tác giả và những người thực hiện đã có sự bứt phá ngoạn mục, dũng cảm xông vào lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm bấy lâu nay. Mặc dầu, một trong những nhân vật chính trong vở diễn đã có lời “phi lộ” về quan niệm cũng như quan điểm giữa duy vật biện chứng và tâm linh. Nhưng sợi chỉ đỏ xuyên suốt vở diễn vẫn sử dụng thủ pháp đồng hiện giữa người đang sống và linh hồn những người đã khuất. Linh hồn nhà cách mạng tiền bối Vũ Văn Hiếu và linh hồn liệt nữ Võ Thị Sáu đóng vai trò như một cặp MC, dẫn chuyện. Và, cả sự xuất hiện linh hồn của bà Phi Yến (phu nhân của Gia Long) cùng linh hồn con trai của họ - Hoàng tử Cải (tên khác là Hội An), cho thấy sự “mạnh tay” dũng cảm của đạo diễn Lê Hùng.

Mặc dù có đôi chỗ hơi thô, như việc rải khăn làm buồm cho thuyền của các cựu tù vượt biển. Nhưng nhìn chung người xem chấp nhận được thủ pháp đồng hiện mang tính huyền thoại, dã sử này. Chúng ta không nên quá khắt khe với những vấn đề bấy lâu được coi là “nhạy cảm”. Đây hẳn không phải là quan điểm chính trị mà là thủ pháp nghệ thuật. Trong các vở kịch kinh điển đông tây kim cổ tiêu biểu Hamlet, Romeo và Juliet của William Shakespeare, đã từng xử dụng rất thành công thủ pháp nghệ thuật này. Ở nước ta, nhiều kịch tác gia cũng thành công trong các tác phẩm để đời như “Hồn Trương Ba da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ. Việc đưa vấn đề nhạy cảm tâm linh vào tác phẩm sân khấu không mới, không lạ. Nhưng cái lạ, cái mới ở đây là trong bối cảnh nói về những người cộng sản, mà những người cộng sản nền tảng tư tưởng của họ là học thuyết Mác - Ăng ghen, với cốt lõi là triết học duy vật biện chứng...

Có điều này cần bàn nữa, là dàn diễn viên thể hiện. Nhân vật Vũ Văn Hiếu dù diễn viên đã cố gắng hóa thân, nhưng người xem, đặc biệt là người Nam Định, vẫn chưa thấy có nét đặc trưng của người vùng chân sóng, mở đất chân chất. Nhân vật liệt nữ Võ Thị Sáu thể hiện khá thành công, nhưng ngoại hình chưa thể hiện được sự hồn nhiên của cô gái vừa qua tuổi trăng tròn. Đặc biệt, dàn diễn viên nam nhập vai các tù chính trị Côn Đảo, mà sau này nhiều người trở thành lãnh tụ, lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, như Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh... chưa được như mong muốn, nhất là ngoại hình. Biết rằng trong thời buổi này khó có thể tìm được người thủ những vai ấy mà ngoại hình gầy gò, khắc khổ. Lỗi này không thuộc về nhà hát. Nhưng đó là quyền được mong muốn của người xem...

Là lớp người thuộc thế hệ con cháu, đồng hương Hải Hậu với nhà cách mạng tiền bối Vũ Văn Hiếu, chúng tôi thật sự xúc động và cảm ơn các nghệ sỹ, tập thể những người dàn dựng vở kịch “Người tù trao áo”. Mong rằng có thêm nhiều vở kịch như thế để lan tỏa những phẩm chất cách mạng cao đẹp, sự hy sinh vô bờ bến của thế hệ cha ông đối với dân, với nước; nhất là lúc này chúng ta đang chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13.

Trường đoạn cuối - cuộc đối thoại giữa các linh hồn liệt sỹ với anh Ba Lê Duẩn khi ông đương nhiệm Tổng Bí thư cùng câu hỏi “Có phải vậy không?” của liệt nữ Võ Thị Sáu, đã mang lại cho người xem nhiều suy ngẫm. Đó là câu hỏi không chỉ của riêng lớp người đi trước đã hy sinh cả đời mình cho Tổ quốc, mà có lẽ của tất cả chúng ta - những người đang đứng mũi chịu sào với vận mệnh đất nước hôm nay.

Trần Thế Tuyển

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/cam-nghi-nguoi-tu-trao-ao-83569.html