Cẩm nang về lĩnh vực hậu cần quân đội

Tháng 8-2017, từ Khoa Giáo viên, tôi được cấp trên phân công về làm biên tập viên của Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Hậu cần Quân sự (Học viện Hậu cần).

Thời điểm đó, tôi khá lo lắng, bởi tôi xuất thân là giảng viên văn hóa, trong khi tạp chí là cơ quan giới thiệu các công trình nghiên cứu về khoa học hậu cần quân sự, phục vụ nhiệm vụ giáo dục và công tác hậu cần quân đội. Mỗi số tạp chí đều được phát hành cấp toàn quân. Tôi được Ban biên tập phân công phụ trách mảng tin, ảnh hoạt động và viết bài cho chuyên mục “Thực tiễn và kinh nghiệm”. Vấn đề khó khăn của tôi lúc bấy giờ là thiếu kiến thức về thực tiễn công tác hậu cần ở đơn vị.

Do không có điều kiện được đi nhiều nên để bổ sung kiến thức về các lĩnh vực thuộc ngành hậu cần quân đội, tôi phải đọc rất nhiều sách, báo, tạp chí, đặc biệt là Báo Quân đội nhân dân. Mỗi buổi sáng, việc đầu tiên của tôi là đọc Báo Quân đội nhân dân. Việc đọc của tôi có hai tác dụng: Một là hiểu được tổ chức, biên chế, tên gọi của các đơn vị và các hoạt động đặc thù của ngành hậu cần quân đội đang diễn ra trong toàn quân. Thứ hai là học được cách viết, cách tiếp cận vấn đề của các nhà báo giàu kinh nghiệm của báo về mảng quân sự. Đặc biệt, tôi xem chuyên mục “Bộ đội Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy” như “từ điển”, giúp tôi học hỏi rất nhiều kiến thức về công tác hậu cần toàn quân. Đã thành thói quen, trước khi đi thực tế một đơn vị nào đó, tôi thường truy cập Báo Quân đội nhân dân Điện tử tìm đọc tất cả các bài viết liên quan. Nhờ đó, khi đến đơn vị, tôi rất yên tâm và tự tin tác nghiệp. Có thể nói đối với tôi, Báo Quân đội nhân dân chính là cẩm nang về lĩnh vực hậu cần quân sự, giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PHẠM KIÊN

(Biên tập viên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Hậu cần Quân sự)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cam-nang-ve-linh-vuc-hau-can-quan-doi-550951