Cam kết và hành động

Sau 18 ngày nghị sự, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã cơ bản hoàn thành các chương trình đề ra. Lúc này, điều mà cử tri và nhân dân trông đợi nơi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các thành viên Chính phủ là làm sao để bảo đảm mọi lời hứa, cam kết đều được thực thi.

Sau 18 ngày nghị sự, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã cơ bản hoàn thành các chương trình đề ra. Lúc này, điều mà cử tri và nhân dân trông đợi nơi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và các thành viên Chính phủ là làm sao để bảo đảm mọi lời hứa, cam kết đều được thực thi.

Cẩn trọng, trách nhiệm

Cho đến các phiên làm việc cuối cùng của kỳ họp, Hội trường Diên Hồng như càng “nóng” hơn, bởi thời gian gấp gáp trong khi còn khá nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí “đối lập” nhau về một số dự thảo luật, cả những giải pháp, ý tưởng mà đại biểu muốn đưa ra.

Tại phiên thảo luận dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã lập tức nhận được nhiều ý kiến tranh luận về tính cần thiết của việc thống nhất ba lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an bán chính quy cũng như tính cần thiết ban hành luật này. Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm “chưa thấy thuyết phục” với hồ sơ dự án luật, trong đó có báo cáo đánh giá tác động.

Trước đó, tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH không tán thành việc tách Luật Giao thông đường bộ, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trả lời câu hỏi về chất lượng của ba dự thảo luật nhận được nhiều ý kiến phản biện của các ĐBQH lần này, tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đây là ba dự án luật có liên quan đến an ninh trật tự và an toàn giao thông, cần có thời gian xem xét, đánh giá kỹ lưỡng. Các dự án Luật đều đáp ứng đúng quy trình xây dựng dự án Luật mới được trình Quốc hội và ĐBQH cho ý kiến. “Đây mới chỉ là bước cho ý kiến, chứ chưa phải thông qua dự án luật, cho nên rất cần lấy phiếu xin ý kiến ĐBQH; chúng tôi sẽ chuyển phiếu này cho Chính phủ”, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Ý kiến nhiều đại biểu cho rằng, một số dự thảo luật trình Quốc hội lần này chưa thật sự thuyết phục, song qua những “phản ứng” của ĐBQH lại cho thấy tinh thần thẳng thắn trong thảo luận, tranh luận. Điều này càng thể hiện rõ trách nhiệm và vai trò của các ĐBQH.

Nhìn lại cả kỳ họp, hai đợt làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, với phương thức tổ chức có nhiều điểm mới, ứng dụng công nghệ hiệu quả, đã vừa rút ngắn được thời gian làm việc vừa bảo đảm chất lượng các phiên họp. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua 07 luật, 13 nghị quyết, cho ý kiến 04 dự án luật; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, kiến nghị của cử tri, công tác tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều báo cáo khác; góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Chuẩn bị tốt nhất cho giai đoạn mới

Với tỷ lệ tán thành 94,19%, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10 gồm nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá hai lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường giám sát việc thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội, v.v.

Qua các kênh báo chí, theo dõi các phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn được tường thuật trực tiếp, cử tri cảm nhận rõ hơn nhiệt huyết, trí tuệ của từng đại biểu, thể hiện qua những khẳng định trên nghị trường như, “tôi sẽ tiếp tục giám sát, theo dõi vụ việc”, “tôi đã có kiến nghị cụ thể gửi Chính phủ”… hay cam kết của người đứng đầu bộ, ngành rằng, “sẽ giải quyết ngay, dứt điểm”…

Hơn bao giờ hết, như chính tinh thần làm việc khẩn trương, kịp thời cập nhật tình hình thực tiễn ngay khi kỳ họp đang diễn ra, cử tri và nhân dân luôn trông đợi: Chính phủ, các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, nhất là cần tích cực, chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm lộ trình thực hiện, đưa luật vào cuộc sống; chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật; nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc ý kiến của ĐBQH, của cử tri và nhân dân để có các giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh phát biểu ý kiến tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Ảnh: DOÃN TẤN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Văn Cảnh phát biểu ý kiến tại hội trường về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Ảnh: DOÃN TẤN

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, trong đó quyết định ngày chủ nhật, 23-5-2021, là ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

KHÚC HỒNG THIỆN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-chinh-tri/cam-ket-va-hanh-dong-625237/