CAM KẾT THÚC ĐẨY SỰ THAM GIA CỦA GIỚI TRẺ VÀO HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

Trong khuôn khổ Hội nghị trực tuyến Các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 vừa qua, các Chủ tịch Quốc hội các nước đã nghe báo cáo, thảo luận về Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động và và đưa ra tuyên bố chung cam kết thúc đẩy sự tham gia của người trẻ vào Quốc hội.

Với sự tham gia của hơn 115 Chủ tịch Quốc hội các nước trên thế giới – những nhà lập pháp hàng đầu, Hội nghị trực tuyến Các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm theo chủ đề tổng thể về sự lãnh đạo của Nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho người dân và hành tinh. Các Chủ tịch Quốc hội cùng với các thành viên khác của Quốc hội, các nhà ngoại giao, các nhà khoa học và đại diện của các tổ chức đa phương đã thảo luận về hợp tác nghị viện quốc tế nhằm giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt trong bối cảnh Covid-19, bao gồm khả năng tiếp cận với sức khỏe, bất bình đẳng xã hội và kinh tế và tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Vào cuối hội nghị, các Chủ tịch Quốc hội đã thông qua một tuyên bố chính trị quan trọng và đầy khát vọng, đưa ra cam kết về hành động mạnh mẽ của Quốc hội vì một thế giới an toàn, lành mạnh và thịnh vượng hơn. Tuyên bố này sẽ được trình lên Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Một trong những nội dung được trao đổi tại hội nghị là kỉ niệm 10 năm thực hiện nghị quyết Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) về Sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ và việc thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào hoạt động chính trị và nghị viện.

Trong tuyên bố chung của hội nghị, các Chủ tịch Quốc hội thế giới đã đi đến thống nhất chung và khẳng định hơn bao giờ hết, các Chủ tịch Quốc hội ý thức được vai trò quan trọng của giới trẻ trong Quốc hội cũng như trong tất cả các cơ quan Nhà nước. Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cho rằng cần khẩn trương khai thác tính tích cực, năng lượng và sự đổi mới của giới trẻ và trong quá trình này cùng làm trẻ hóa các Quốc hội. Các Chủ tịch Quốc hội thế giới cam kết tăng tốc hành động để hạn chế tình trạng thiếu đại diện của những người trẻ tuổi trong Quốc hội và Nghị viện cũng như trong tất cả các thể chế Nhà nước khác; Cam kết sẽ làm hết sức mình để thực hiện chính trị thực sự mở cửa cho cả nam và nữ trẻ tuổi và tạo điều kiện cho việc bầu người trẻ vào các Quốc hội nhiều hơn.

Hội nghị trực tuyến Các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Liên hợp quốc và Quốc hội Cộng hòa Áo tổ chức

Hội nghị trực tuyến Các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 do Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) phối hợp với Liên hợp quốc và Quốc hội Cộng hòa Áo tổ chức

Báo cáo về Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động được trình bày tại hội nghị đã dẫn lại lời của các Nghị sĩ trẻ của IPU “Không có quyết định nào về chúng tôi, nếu không có chúng tôi!” để khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của sự tham gia chính trị của thanh niên; khẳng định tuổi trẻ là lực lượng đổi mới có nhiều đóng góp cho những nỗ lực tập thể nhằm giải quyết các vấn đề như đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, hòa bình và an ninh, quyền giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội, bình đẳng giới, bình đẳng về kinh tế xã hội và cơ hội chính trị, và chống lại biến đổi khí hậu.

Do đó, các Quốc hội/nghị viện cần trao đổi các thông lệ tốt và kinh nghiệm thành công trong lĩnh vực chính trị, các chương trình giáo dục làm tăng sự quan tâm của thanh niên trong quá trình chính trị nói chung và trong hoạt động của quốc hội nói riêng. Cùng với đó, cần nỗ lực để thúc đẩy sự đóng góp hiệu quả và có ý nghĩa của thanh niên cho tất cả các giai đoạn trong quá trình hoạch định chính sách và pháp luật: từ thiết kế đến thực hiện và đánh giá để thanh niên có thể tham gia một cách hiệu quả vào các quá trình ra quyết định tại quốc gia, khu vực và quốc tế.

Báo cáo của IPU cũng chỉ ra hiện trạng tham gia của thanh niên vào Quốc hội khi mà thế giới ngày nay có nhiều người trẻ tuổi hơn nhưng những người trẻ đang bị ít đại diện trong Quốc hội. Theo dữ liệu của IPU, chỉ 2,2% đại biểu Quốc hội dưới 30 tuổi. Nghiên cứu của IPU cũng cho biết hơn 30% các Quốc hội đơn nhất và các hạ nghị viện - và hơn ba phần tư các thượng nghị viện không có nghị sĩ nào dưới 30 tuổi. Ở tất cả các độ tuổi, nam giới tiếp tục nhiều hơn nữ giới ở nghị viện. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng mừng là tỷ lệ nam và nữ nghị sĩ đang cân bằng hơn ở nhóm tuổi trẻ. Điều này cho thấy rằng sự tham gia gia tăng của thanh niên có thể là một phương tiện để đạt được bình đẳng giới thực sự trong chính trị. Trong 5 năm kể từ khi IPU bắt đầu thu thập dữ liệu về sự tham gia của thanh niên vào các Quốc hội, xu hướng toàn cầu đang chuyển dần theo hướng tích cực. Năm 2018, tỷ lệ nghị sĩ trẻ dưới 30 tuổi độ tuổi tăng từ 1,6% lên 2,2% năm 2014. Tỷ lệ nghị sĩ trẻ dưới 40 tuổi độ tuổi tăng từ 12,9% lên 15,5%.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra một số rào cản tuổi trẻ phải đối mặt mặc dù những điều này có thể khác nhau giữa các quốc gia, nhưng có một số thách thức chung như rào cản pháp lý ở nhiều quốc gia, với 65% các quốc gia có tuổi tối thiểu để giữ chức vụ cao hơn tuổi bầu cử. Trên toàn cầu, những người trẻ phải chờ đợi trung bình 3,4 năm sau khi họ đủ điều kiện bỏ phiếu trước khi có thể nhậm chức ở hạ viện và ở thượng viện, thời gian chờ đợi này còn dài hơn, ở mức 9,7 năm. Chính trị cũng thường được coi là không gian cho những người có kinh nghiệm. Kết quả là, những người trẻ tuổi bị gạt ra ngoài lề một cách có hệ thống vì tuổi tác, cơ hội hạn chế và nhận thức thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra đối với các nữ nghị sĩ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, thường phải đối mặt với các rào cản như phân biệt đối xử về giới và các hình thức bạo lực trên cơ sở giới khác ngăn cản.

Trước tình hình đó, năm 2010 IPU đã thông qua nghị quyết Sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ tại Đại hội đồng IPU lần thứ 122 ở Thái Lan. Nghị quyết này kêu gọi Quốc hội, Chính phủ và các đảng phái chính trị thực hiện hành động pháp lý và chính sách toàn diện để tăng cường sự tham gia của thanh niên vào chính trị. Không chỉ kêu gọi tăng cường tham vấn thanh niên trong các tiến trình chính trị bằng cách kêu gọi tăng cường đại diện trực tiếp của thanh niên trong việc ra quyết định, Nghị quyết này cũng đề xuất các biện pháp cụ thể, như tỉ lệ tối thiếu thanh niên, điều chỉnh độ tuổi tối thiểu có thể tham gia vào Quốc hội. Nghị quyết cũng đặt nền móng cho việc thành lập Diễn đàn Nghị sĩ trẻ của IPU, sau đó được thành lập vào năm 2013 và đóng vai trò là một cơ quan theo luật định của IPU cam kết trao quyền cho thanh niên.

Ngoài việc lặp lại các biện pháp được đề xuất để tăng cường sự tham gia của thanh niên vào các nghị viện, các Quốc hội thành viên cũng nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong nâng cấp hoạt động của các nghị viện thông qua ứng dụng công nghệ mới. Quốc hội thành viên cũng kêu gọi thay đổi trong chính hoạt động của IPU để các nghị sĩ trẻ tuổi đại diện tốt hơn trong các phái đoàn quốc gia và đảm nhận các vai trò cấp cao hơn trong cấu trúc của tổ chức.

Vào năm 2018, IPU đã thông qua các thay đổi đối với Quy chế của mình để nâng cao số lượng và vai trò của các nghị sĩ trẻ tại Đại hội đồng IPU. IPU cũng đã tham gia vào nhiều sáng kiến khác để trao quyền cho thanh niên, bao gồm tổ chức hội nghị hàng năm của các nghị sĩ trẻ, thực hiện nghiên cứu về sự tham gia của thanh niên trong Quốc hội, tạo điều kiện cho các nghị sĩ trẻ tham gia các sự kiện quốc tế, và tổ chức đào tạo nâng cao năng lực.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn tham gia Hội nghị

Năm 2020 đánh dấu mốc 10 năm kể từ khi IPU thông qua Nghị quyết Sự tham gia của thanh niên vào tiến trình dân chủ. Do đó tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần này cũng là cơ hội để các Chủ tịch Quốc hội tổng kết đánh giá những tiến bộ đã đạt được kể từ năm 2010, đồng thời khơi dậy ý chí chính trị để đổi mới và cam kết thực hiện đầy đủ nghị quyết; để khẳng định cam kết trong việc trao quyền cho thanh niên và củng cố sự hỗ trợ cho hoạt động của nghị sĩ trẻ.

Để thúc đẩy sự tham gia của thanh niên lên cấp độ cao hơn, IPU khuyến khích các Quốc hội/nghị viện thành viên của mình trong việc hoàn thành vào năm 2035, các mục tiêu toàn cầu về sự tham gia của thanh niên vào các nghị viện quốc gia do Diễn đàn các Nghị sĩ trẻ của IPU đề ra dựa trên tỷ lệ thanh niên trong dân số toàn cầu cụ thể là 15% nghị sĩ trẻ dưới 30 tuổi, 35% nghị sĩ trẻ dưới 40 tuổi, 45% nghị sĩ trẻ dưới 45 tuổi.

IPU cũng cho rằng Chính phủ và Quốc hội cần theo đuổi cải cách thể chế để điều chỉnh sự thiết hụt đại diện của thanh niên; đề xuất các biện pháp để đạt được các mục tiêu về sự tham gia của thanh niên vào các nghị viện quốc gia như hoàn thiện pháp luật về bầu cử để xóa bỏ rào cản pháp lý đối với những người trẻ tuổi tham gia vào hoạt động chính trị. Đồng thời, trao quyền cho các nghị sĩ trẻ đương nhiệm cũng như tăng cường đào tạo, cố vấn và định hướng, tạo điều kiện để những nghị sĩ trẻ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong Quốc hội.

Thành lập các cơ quan chuyên trách của quốc hội, như các ủy ban thanh niên hoặc các diễn đàn của nghị sĩ trẻ, để lồng ghép các vấn đề về thanh niên vào hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, mở ra các quy trình cho thanh niên trong xã hội được tham gia ý kiến đóng góp cho hoạt động của Quốc hội như trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật và giám sát. Tăng cường sự tiếp cận của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đến với thanh niên thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, trong trường học và không gian công cộng.

Đặc biệt, ngày càng có nhiều Quốc hội thành lập các “Quốc hội trẻ” bao gồm các thanh niên đại diện tranh luận về chính sách và luật pháp, chất vấn các thành viên chính phủ và đưa ra khả năng phán đoán. Mục đích chính của hoạt động này là mang lại cho những người trẻ tuổi cơ hội để cảm nhận công việc của một thành viên Quốc hội, có thêm hiểu biết về Quốc hội.

IPU cũng cho rằng cần có sự đầu tư vào công nghệ hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội, để thu hút giới trẻ tham gia chính trị. Khả năng tiếp cận thông tin và công nghệ chưa từng có đang cung cấp cho giới trẻ những phương tiện mới để bày tỏ nguyện vọng và mối quan tâm của họ một cách tự do hơn và kết nối với những người khác để tranh luận về vấn đề mà họ quan tâm; thực hiện các chương trình giáo dục để tăng sự quan tâm của của trẻ em và thanh thiếu niên vào hoạt động chính trị; cũng như trao quyền cho thanh niên một cách rộng rãi hơn, đảm bảo chất lượng giáo dục cho thanh niên nam và nữ, hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên.

IPU cũng nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong việc tăng ngân sách phân bổ cho các chương trình thanh niên, đặc biệt là những ngân sách liên quan đến việc tăng cường sự tham gia của thanh niên vào đời sống chính trị và đóng góp vào việc ra quyết định chính sách.

IPU cho rằng cần có đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của thanh niên và theo dõi thành tích của các chiến lược và những trở ngại gặp phải. Thông qua phát triển các tiêu chuẩn và chỉ số đo lường để theo dõi tiến độ đạt được trong việc nâng cao sự tham gia tích cực của thanh niên vào đời sống chính trị ở mọi cấp và mọi lĩnh vực như tác động của chương trình nghị sự đáp ứng nhu cầu của thanh niên, đo lường phần trăm đại diện cho thanh niên trong các tổ chức và đặc biệt là đo lường tác động của các nghị sĩ trẻ đối với việc ra quyết định chính trị. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc theo dõi sự đóng góp của các nghị sĩ trẻ trong các cuộc tranh luận tại quốc hội, và giám sát tác động của các đề xuất của họ đối với các quyết định chính sách cuối cùng, nhất là những đề xuất ảnh hưởng đến thiếu niên.

Thực tiễn hoạt động của Quốc hội Việt Nam thời gian qua cho thấy các khuyến nghị của IPU vẫn luôn được thực hiện một cách tích cực. Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ vào tháng 11/2016 theo Nghị quyết số 299 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Đây là các đại biểu có độ tuổi từ 45 trở xuống tính từ thời điểm thành lập nhóm. Hiện nay Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam có gồm 131 thành viên. Nhiều đại biểu Quốc hội trẻ giữ các vị trí quan trọng trong Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, tham gia tích cực vào các hoạt động của Quốc hội. Mới đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020 quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của thanh niên; chính sách của nhà nước đối với thanh niên, tạo điều kiện cho thanh niên phát triển bản thân để từ đó phát huy, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Các hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội Việt Nam đều được lấy ý kiến Nhân dân một cách rộng rãi trong đó có thanh niên. Hàng năm, Quốc hội đều phân bổ ngân sách một cách hợp lý cho giáo dục, trong đó có các chương trình giáo dục đạo tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt các chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được Quốc hội và Chính phủ quan tâm.

Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Thanh niên (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV

Năm 2020 khi đảm nhận vị trí Chủ tịch Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA 41), Quốc hội Việt Nam cũng đưa ra sáng kiến Diễn đàn Nghị sĩ trẻ. Đây là lần đầu tiên Diễn đàn Nghị sĩ trẻ được tổ chức trong khuôn khổ AIPA qua đó tăng cường giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa các nghị sĩ trẻ của AIPA.

Việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia Hội nghị Các Chủ tịch Quốc hội lần thứ 5 và thông qua Tuyên bố chung của hội nghị, một lần nữa khẳng định cam kết của Quốc hội Việt Nam trong việc thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào hoạt động của Quốc hội và phát huy vai trò của các nghị sĩ trẻ./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=47779