Cảm hứng

Có nhiều người nói rằng thiên nhiên tươi đẹp như ánh bình minh rực rỡ, gió mát, trăng trong, chim hót vang trời, những cánh đồng hoa khoe sắc... là những nguồn cảm hứng vô tận để nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ sáng tác ra những tác phẩm để đời. Nhưng cách đây gần 300 năm, nhà triết học Edward Moore lại tìm thấy cái nguồn cảm hứng, cái nguồn cội của những áng văn thơ mà người thi sĩ nhờ đó mà sáng tạo ra những tác phẩm bất hủ lại là những khó khăn, nghèo khổ, túng quẫn.

Moore viết: “Nghèo khổ ơi, chính người là nguồn cội của nghệ thuật nhân loại, là cái cảm hứng lớn lao cho những khúc hát của thi nhân” (Poverty, you, source of human art ! You great impirer of the poet's song).

Vậy cảm hứng là gì?

Theo Từ điển tiếng Việt, trang 96 thì: “Cảm hứng là trạng thái tâm lý đặc biệt khi có cảm xúc và sự lôi cuốn mãnh liệt, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo hoạt động có hiệu quả. Thí dụ: Nguồn cảm hứng của người nghệ sĩ”. Ở trang 97 thì: “Cảm xúc là rung động trong lòng do tiếp xúc với một sự việc gì. Thí dụ: Người dễ cảm xúc. Bài thơ gây cảm xúc mạnh”.

Vậy cái cảm hứng, cái hứng thú của con người từ đâu mà có, do đâu đem lại? Liên quan đến vấn đề này có nhiều thí dụ:

- Phải có sự cảm thông, phải có cảm tình với ai đó, với việc gì đó mới giúp ta có cảm hứng để giúp đỡ, để chia sẻ cho những chương trình nhân đạo nào đó.

- Tấm gương cao thượng của người thương binh nặng đã chạm đến trái tim của nhiều người nên đã có nhạc sĩ có cảm hứng sáng tác chỉ trong một đêm làm nên bản nhạc để đời về người thương binh nặng đó...

Nhà triết học La Cordaire (1802 – 1861) đã phát hiện ra cảm hứng chính là cái động lực để tạo ra được cái hứng thú mà quyết tâm hoàn thành một công việc nào đó. Công việc từ nhỏ đến to đều cần có sự hứng thú mới hoàn thành được. Ông viết: “Chẳng có việc làm nào mà lại không cần đến một ít cảm hứng” (Rien ne se fait sans un peu d'enthousiasme). Xét trong thực tế, phát hiện này của La Cordaire hoàn toàn đúng, hoàn toàn cần thiết, hoàn toàn dễ hiểu để cắt nghĩa cho cái động lực để ham sống, để tranh đấu ở đời.

Khi ta còn nhỏ, đi học phổ thông thì cái cần thiết số 1 cho việc tạo ra cảm hứng là chăm học, là học giỏi. Thầy giảng đến đâu, nắm vững bài đến đó. Thầy hỏi có ai phát biểu đóng góp cho bài, mình dơ tay. Kiểm tra bài, dù bài viết hay bài nói, mình đều đạt điểm giỏi. Có như thế từ lớp 1, rồi lớp 2, lớp 3 ta mới có hứng thú, có cảm hứng để trau dồi kiến thức. Bỏ buổi học nào vì ốm đau, nhất là bỏ giờ của thầy giỏi, ta phải tiếc ngẩn tiếc ngơ, nhất định tìm bạn học giỏi mà mượn vở chép lại bài cho bằng được. Cái cảm hứng ham học, thèm khát được hiểu cái mới về toán, lý, hóa, văn, sử, địa ... sẽ theo ta suốt đời. Học những môn ta yêu thích sẽ không bao giờ chán. Học hết đại học rồi ta còn có các ông thầy là những quyển sách tiếp tục dạy ta, dìu dắt ta, bảo ban ta đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Một người tập từ nhỏ thói quen muốn tìm tòi, muốn hiểu biết sẽ rèn luyện được cái cảm hứng hiếu học, ham hiểu biết, theo đuổi đến cùng một kiến thức còn dang dở sẽ thành một người có những niềm vui thầm kín và mạnh mẽ. Người ấy sẽ không dám lãng phí thời gian. Người ấy sẽ không bao giờ buồn bã, không nghĩ lan man vô ích những chuyện không đáng quan tâm xung quanh mình. Người ấy khi đi làm sẽ khiêm tốn học hỏi để trau dồi thêm cái nghiệp vụ chuyên môn mà mình quyết tâm theo đuổi suốt đời. Nữ văn sĩ lừng danh người Pháp, Madame de Staël (1766 – 1817) đã nói hộ lòng những con người hiếu học, ham hiểu biết đó: “Người ta có thể nói một cách đầy tin tưởng rằng: Trong mọi cảm giác thì cảm hứng đem lại nhiều sung sướng nhất và là sự sung sướng thật sự” (On peut le dire avec confiance, l'enthousiasme est de tous les sentiments celui qui donne le plus de bonheur, celui qui sache nous véritablement).

Từ cái bài học cảm hứng học tập, cảm hứng làm việc, cảm hứng yêu nghề nghiệp mình theo đuổi, cảm hứng phục vụ cộng đồng, phục vụ người khác, ta càng biết ơn bà De Staël đã giúp cho con người biết chọn một niềm vui cao cả, niềm vui vị tha, niềm vui vị nhân sinh làm cái cảm hứng cho suốt cả đời mình. Rồi cũng chính bà De Staël đã khẳng định cái sức mạnh của cảm hứng của con người khi bà viết: “Chỉ có cảm hứng mới giúp ta gánh vác được cái thiên chức của con người trong tất cả mọi cảnh ngộ mà số phận đã dành cho ta” (L'enthousiasme est le seul qui sache nous faire supporter la destineé humaine dans toutes les situations òu le sort peut vous placer).

Cái cảm hứng về học, về làm việc, về làm người đúng nghĩa có khi nào không có kết quả gì không? Có đấy, đã từng xẩy ra, đã từng gặp tuy không nhiều. Vì thế, bà văn sĩ mới viết rằng: “... mọi cảnh ngộ mà số phận đã dành cho ta”!

Bàn về việc này, bậc thầy Voltaire (1694 - 1778) cũng có lúc phải cay đắng thốt lên: “Cảm hứng là hoa của thanh niên mà thất vọng là quả” (L'enthousiasme est une fleur de jeunesse, dont le désenchantement est le fruit). Từ cái cảnh ngộ của số phận đến cái thất vọng chán chường mà số phận mang lại thiết tưởng cũng không phải là cái gì xa lạ hay lạ lùng, ít gặp trong đời sống hàng ngày. Vẫn gặp và còn gặp thường xuyên là đằng khác, nhưng đã sao, có ảnh hưởng gì đến cuộc sống con người không lại còn phụ thuộc vào bản lĩnh của từng cá thể, cụ thể là: phụ thuộc vào trình độ nhận thức, hoàn cảnh xuất thân và tình huống (situation) cụ thể.

Cần phân biệt hai loại bế tắc là: 1/ Bế tắc không có lối thoát (Impasse sans issue) và 2/ Bế tắc có lối thoát (Impasse avec issue). Loại trên đành chịu, cố tìm lối khác mà đi. Loại dưới phải bình tĩnh, cố gắng mở rộng lối thoát. Nhưng cả hai loại bế tắc kể trên đều đòi hỏi ta phải giữ vững ý chí, giữ tâm bình an (Inner peace) để tìm ra cảm hứng mới, niềm vui mới, quyết tâm mới để cố gắng vượt qua khó khăn. Lúc này cần nhớ đến tác phẩm Le Cid của Đại văn hào Pierre Corneille (1606 – 1684) vì những ngôn từ để đời của ông dù đã cách đây gần 400 năm: “Vào cuộc chiến đấu ít gian nguy, người ta chiến thắng ít vẻ vang” (A Vaincre sans péril, on triomphe sans gloire).

Ý tưởng của Corneille rất đúng, trong thực tế cuộc sống cũng đã có nhiều lời nhận xét, bình luận với câu hỏi “Có đáng không?”. Trước một phi vụ làm ăn kinh tế, các nhà kinh doanh thường tính đầu vào và đầu ra. Kết quả thu được có đáng để phải liều lĩnh không? Kết quả có đáng để mất hết cả nhà cả đất để đặt cược trong cuộc làm ăn này không? Tất cả đều đòi hỏi phải có bản lĩnh, lòng can đảm mới có thể tạo ra được hứng thú để thực thi công việc. Nếu vào Đại học không dễ dàng, có sự cạnh tranh cao, có khi hàng trăm người mới có 1 người đỗ, thì vào được Đại học mới có ý nghĩa chứ, mới đáng chứ, mới có hứng thú cho 12 năm đèn sách không biết đến chữ mệt mỏi là gì chứ!

Có tác giả lại coi thời gian chính là cảm hứng bất tận của đời người. Cần nhớ mãi câu thơ động viên nên tận dụng thời gian của Benjamin Franklin (1706 – 1790): “Anh có yêu cuộc đời không/ Vậy đừng phung phí thời gian/ Vì nguyên liệu của cuộc đời ta/ Được làm bằng thời gian đó” (Do you love life/ Then do not squander time/ For that is the stuff life/ Is made of).

Để khép lại, nên nhớ mãi câu ngụ ngôn của người Đức cổ: “Cảm hứng là cái tên đẹp nhất để báo trước một điều tốt đẹp” (L'enthousiasme est un beau nom qui couvre une belle chose).

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/cam-hung-tintuc459970