Cảm hứng 'vươn tới những vì sao' từ thủ tướng đắc cử Australia

Từ con trai của một người mẹ đơn thân sống nhờ trợ cấp, ông Anthony Albanese đã trở thành thủ tướng đắc cử Australia sau khi chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hôm 21/5.

Sự nghiệp chính trị của ông Albanese được định hình bởi quá khứ khiêm tốn. Là đứa con duy nhất của một người mẹ đơn thân, ông được nuôi dạy ở khu Camperdown, ngoại ô Sydney bằng tiền trợ cấp trong một ngôi nhà thuộc sở hữu của chính phủ.

Hơn 40 năm sau, khi trở thành lãnh đạo Công đảng đầu tiên tại Australia giành chiến thắng trong tổng tuyển cử kể từ năm 2013, ông vẫn nhắc lại điều này.

“Việc con trai của một người mẹ đơn thân, khuyết tật, nhận quyền trợ cấp, sống trong căn nhà của chính phủ ở Camperdown có thể đứng trước các bạn hôm nay với tư cách thủ tướng Australia nói lên nhiều điều về đất nước vĩ đại của chúng ta”, ông Albanese nói trong tuyên bố thắng cử hôm 21/5, theo AP.

“Mọi cha mẹ muốn thế hệ sau tốt hơn họ. Mẹ tôi mong tôi có cuộc sống tốt hơn. Và tôi hy vọng hành trình của mình sẽ là nguồn cảm hứng cho người Australia vươn tới những vì sao”, thủ tướng đắc cử Australia chia sẻ.

Quá khứ khiêm tốn

Chào đời ở thời kỳ sinh con ngoài hôn nhân vẫn được coi là “ngoài giá thú” tại Australia, ông Albanese tưởng rằng cha ông, Carlo Albanese, đã mất trong một tai nạn xe hơi ngay sau khi cưới mẹ ông, bà Maryanne Ellery, tại châu Âu.

Năm 14 tuổi, ông mới biết sự thật: Cha ông chưa mất và cha mẹ ông chưa từng kết hôn.

 Ông Albanese thời trẻ. Ảnh: Sydney Morning Herald.

Ông Albanese thời trẻ. Ảnh: Sydney Morning Herald.

Cha của ông Albanese là tiếp viên tàu thủy người Italy khi gặp bà Ellery năm 1962. Khi trở lại Australia, bà Ellery đã mang bầu gần 4 tháng, theo cuốn tự truyện được xuất bản năm 2016 của ông Albanese.

Phải đến sau khi mẹ mất năm 2002, ông Albanese mới tìm lại cha mình. Hai người đoàn tụ năm 2009 tại thành phố Barletta, miền Nam Italy. Khi đó, ông Albanese đang có chuyến công tác trên tư cách bộ trưởng Giao thông và Cơ sở hạ tầng Australia.

Ông Albanese kể lại rằng lần đầu tiên bản thân tham gia vào một cuộc vận động chính trị là năm 12 tuổi. Người dân trong khu dân cư của ông mong muốn hủy bỏ một đề xuất của hội đồng địa phương về việc bán những căn nhà họ đang sinh sống, điều sẽ làm tăng giá thuê nhà.

Người dân phản ứng bằng cách từ chối trả tiền thuê nhà. Chiến dịch đã thành công và họ không bị phạt vì hành động này. Ông Albanese miêu tả đây là một bài học: Hành động một cách đoàn kết.

“Khi trưởng thành, tôi hiểu tác động mà chính phủ có thể có tới cuộc sống, tới cơ hội của người dân”, ông chia sẻ.

Năm 15 tuổi, ông Albanese tham gia Công đảng. Năm 22 tuổi, ông trở thành người đứng đầu tổ chức thanh niên của đảng tại bang New South Wales.

Sau quãng thời gian làm viên chức nghiên cứu cho Nghị sĩ Tom Uren - người trở thành cố vấn và được coi như người cha của ông Albanese - ông đắc cử vào Quốc hội năm 33 tuổi.

Nhà đàm phán thực dụng

Ông Albanese là bộ trưởng trong 6 năm gần nhất Công đảng cầm quyền tại Australia. Ông trở thành phó thủ tướng trong 3 tháng cuối cùng, trước khi Công đảng bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013.

Bất chấp kinh nghiệm chính trị dày dạn của ông, những người chỉ trích vẫn cho rằng các chính sách thiên tả khiến ông Albanese không phù hợp cho chiếc ghế thủ tướng.

Ông Albanese ăn mừng chiến thắng trước những người ủng hộ sau cuộc tổng tuyển cử hôm 21/5. Ảnh: Sydney Morning Herald.

Chính phủ mang thiên hướng bảo thủ hiện nay cho rằng ông sẽ là nhà lãnh đạo Australia thiên tả nhất trong gần nửa thế kỷ qua, kể từ Thủ tướng Gough Whitlam, người nắm quyền từ năm 1972 đến năm 1975.

Thủ tướng Whitlam là người từng đưa ra chính sách miễn phí giáo dục đại học tại Australia. Nhờ chính sách này, ông Albanese có thể tốt nghiệp Đại học Sydney, bất chấp hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trong khi đó, những người ủng hộ khẳng định dù thuộc về phe tả của Công đảng, ông Albanese là người thực dụng và đã chứng tỏ khả năng đàm phán với phe hữu trong đảng.

Ông Graham Richardson, “nhà môi giới quyền lực” của phe hữu trong Công đảng và cũng là người thường xuyên đối mặt ông Albanese trên bàn đàm phán, cho biết người đồng nghiệp “chưa bao giờ phá vỡ thỏa thuận nào”, theo Sydney Morning Herald.

“Khi bắt tay với Anthony, bạn biết rằng thỏa thuận sẽ được giữ vững, dù ông ấy thấy không thoải mái khi làm vậy”, ông Richardson cho biết.

Cam kết về khí hậu

Quá khứ phần nào đó là lợi thế được ông Albanese tận dụng trong 6 tuần tranh cử vừa qua, khi ông thường xuyên nhắc đến những bài học mà ông nhận được trong tuổi thơ thiệt thòi của mình.

Chiến dịch vận động bầu cử của Công đảng Australia tập trung vào các chính sách như hỗ trợ tài chính cho những người mua nhà lần đầu, trong bối cảnh giá bất động sản tăng chóng mặt. Công đảng cũng cam kết giảm chi phí chăm sóc con cái cho tầng lớp lao động, cũng như tăng chất lượng nhà dưỡng lão cho người cao tuổi.

Ông Albanese chụp ảnh cùng sinh viên khi đi vận động tranh cử tại thành phố Adelaide, miền Nam Australia. Ảnh: AP.

Sau khi giành chiến thắng, ông Albanese cam kết sẽ xây dựng lại lòng tin vào Australia trong hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 24/5 của nhóm Bộ Tứ (Quad). Cuộc gặp này dự kiến có sự góp mặt của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Ông chỉ trích Thủ tướng Morrison “làm tổn hại quan hệ đối ngoại của Australia”. Ông cho biết ông Morrison đã nói với phía Mỹ rằng Công đảng ủng hộ thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ liên minh AUKUS, dù Công đảng chỉ biết về thỏa thuận một ngày trước khi được công bố.

Ông Albanese cũng cáo buộc ông Morrison cố tình để lộ tin nhắn của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho truyền thông, điều mà Đại sứ Pháp tại Canberra Jean-Pierre Thebault cho rằng đã đưa mối quan hệ xuống “mức thấp mới”.

Thủ tướng đắc cử Australia cho biết sẽ “giữ vững hoàn toàn” chính sách cạnh tranh với Trung Quốc của chính quyền Thủ tướng Scott Morrison đương nhiệm. Dù vậy, ông tuyên bố Australia đã bị đặt vào “góc khuất” trong các cuộc đàm phán về khí hậu tại Liên Hợp Quốc do từ chối đưa ra cam kết cắt giảm phát thải mạnh mẽ hơn.

Chính quyền đương nhiệm mong muốn cắt giảm 26-28% lượng khí thải tới năm 2030. Công đảng muốn cắt giảm 43%.

“Một trong những cách thức giúp chúng ta tăng cường vị thế trong khu vực - cụ thể ở Thái Bình Dương - là coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu”, ông Albanese khẳng định. Theo ông, Washington và Canberra “sẽ tăng cường quan hệ với quan điểm chung và biến đổi khí hậu, cũng như các cơ hội mà nó mang lại”.

Việt Hà

Theo AP, Sydney Morning Herald

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cam-hung-vuon-toi-nhung-vi-sao-tu-thu-tuong-dac-cu-australia-post1319566.html