Cam Hà Giang chưa được sang Trung Quốc dù cách cửa khẩu 17km

Theo ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang, dù chỉ cách cửa khẩu giáp Trung Quốc 17km, mọi việc thông thương vô cùng thuận lợi, khách hàng nước bạn cũng thích sản phẩm cam sành Hà Giang nhưng đến nay sản phẩm này vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc do chưa nằm trong danh mục được phép xuất khẩu.

Với hơn 8.700ha trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng trên 62.000 tấn, sản phẩm cam Hà Giang đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Những năm gần đây, việc tạo thương hiệu để nâng cao giá trị của sản phẩm này đang được tập trung đẩy mạnh.

Theo đó, Hà Giang thường xuyên đăng cai và tổ chức các diễn đàn khuyến nông - nông nghiệp, hội thảo chuyên đề, mời các chuyên gia hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học mới vào cây trồng; đẩy mạnh ứng dụng các quy trình canh tác tiến tiến vào sản xuất, đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất.

Sản phẩm cam Hà Giang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: TTXVN.

Sản phẩm cam Hà Giang được thị trường ưa chuộng. Ảnh: TTXVN.

Đơn cử như tại huyện Bắc Quang, những năm qua, diện tích cam sành trồng theo quy trình VietGAP liên tục tăng. Niên vụ 2018 - 2019, huyện Bắc Quang (Hà Giang) có 5.593 ha cam, sản lượng ước đạt 39.736 tấn. Trong đó, có 2.291 ha cam trồng theo quy trình VietGAP.

So với sản xuất truyền thống, năng suất cam VietGAP cao hơn 20 - 40 tạ/ha, giá trị cao hơn 30 - 40%. Đặc biệt, cam trồng theo hướng thâm canh đã và đang trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của Bắc Quang.

Để quản lý tốt công tác sản xuất cam, Sở NNPTNT Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị, huyện, thành phố thành lập hiệp hội cam sành, chỉ đạo thành lập 69 tổ sản xuất, hợp tác xã sản xuất cam VietGAP tại mỗi vùng chứng nhận, quản lý và xây dựng chỉ dẫn địa lý, đồng thời quản lý tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên thị trường. Theo đó, chỉ cần có smart phone khách hàng có thể kiểm tra được nguồn gốc, giá cả sản phẩm.

Ông Nguyễn Khắc Quyền cho biết, để đảm bảo diện tích cam phát triển ổn định và bền vững, tỉnh đã quy hoạch vùng trồng cam cụ thể; phân vùng canh tác phù hợp với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng, quyết không để tình trạng cam ồ ạt xuống ruộng hay lên đồi.

“Điều đáng ghi nhận là, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 3 cơ sở chế biến sâu các sản phẩm từ cam, bình quân tiêu thụ hết 10.000 tấn cam. Tỉnh đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến để giảm áp lực tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch rộ, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Bà Vũ Thị Khánh, ở thôn Vĩnh Chính, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) thu hoạch cam. Ảnh: BHG.

Niên vụ 2018, dự kiến sản lượng cam Hà Giang đạt khoảng 62.000 tấn. Theo ông Quyền, diện tích cam mấy năm nay không tăng nhưng do trình độ canh tác của người dân ngày càng được nâng cao nên sản lượng tăng đáng kể. Dù vậy, với uy tín của sản phẩm trên thị trường, cộng với kinh nghiệm phân phối trong nhiều năm, việc tiêu thụ cam Hà Giang không có gì đáng ngại.

Tuy nhiên, điều ông Quyền băn khoăn là, cho đến nay, sản phẩm cam sành Hà Giang vẫn chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc dù thị trường nước bạn rất ưa thích sản phẩm này, điều kiện thông thương thuận lợi khi Hà Giang có tới 274km biên giới giáp Trung Quốc.

“Nguyên nhân là do sản phẩm cam vẫn chưa có trong danh mục các loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Chúng tôi rất mong Bộ NNPTNT đàm phán để sản phẩm cam sành Hà Giang sớm được đưa vào danh mục các sản phẩm được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc” – ông Quyền nói.

Cam Hà Giang đã có tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: I.T.

Để giới thiệu sản phẩm cam sành Hà Giang tới người tiêu dùng Thủ đô, từ ngày 19 – 25.12 tại Khu hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại (489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) sẽ diễn ra Hội chợ nông đặc sản vùng miền, tuần lễ quảng bá cam sành Hà Giang, quýt Bắc Kan năm 2018 với quy mô khoảng 200 gian hàng.

Hội chợ nhằm tôn vinh sản phẩm đặc sản địa phương, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; đồng thời, tạo cơ hội giao lưu kinh tế, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm, khảo sát nhu cầu thị trường... từ đó giúp các địa phương mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm đặc sản địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa có tính thương mại và giá trị gia cao.

Hội chợ cũng là dịp giúp các địa phương thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm đặc sản với quy mô lớn, khuyến khích phát triển tiềm năng du lịch văn hóa, ẩm thực và du lịch xanh.

Trong khuôn khổ Hội chợ sẽ diễn ra các hội nghị, hội thảo như: “Giới thiệu sự kiện Tuần lễ cam, quýt và các đặc sản Bắc Kạn”; “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam sành và đặc sản Hà Giang niên vụ 2018-2019”; Lễ trao giải thưởng “VietFarm-Tự hào nông sản Việt 2018”...

Khánh Nguyên

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/cam-ha-giang-chua-duoc-sang-trung-quoc-du-cach-cua-khau-17km-938078.html