Cảm động tấm gương 'hiệp sĩ' 17 năm 'cõng' loa đi tuyên truyền giao thông

Dưới nắng nóng 40 độ, người cựu chiến binh 68 tuổi vẫn cùng chiếc xe máy, lá cờ Tổ quốc, đôi loa, mi-crô, bình ắc-quy… rong ruổi trên đường tuyên truyền về chính sách pháp luật, an toàn giao thông

Ông Chiêng “vác tù và hàng tổng”

Trong suốt 17 năm qua, ông Phạm Ngọc Chiêng cùng chiếc xe máy, lá cờ Tổ quốc, đôi loa, mi-crô, bình ắc-quy, kích điện… hằng ngày rong ruổi trên khắp các đường làng, ngõ xóm tuyên truyền về chính sách pháp luật, an toàn giao thông…"Nhà đài di động" hay “Hiệp sĩ giao thông” đó là biệt danh người dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đặt cho ông Phạm Ngọc Chiêng, nay đã ở tuổi 68 với tình cảm trìu mến.

Ông Phạm Ngọc Chiêng, thương binh 4/4 dù ngày nắng hay ngày mưa vẫn cùng chiếc xe máy và bộ "đồ nghề" đi khắp 36 xã, thị trấn huyện Triệu Sơn

Ông Phạm Ngọc Chiêng, thương binh 4/4 dù ngày nắng hay ngày mưa vẫn cùng chiếc xe máy và bộ "đồ nghề" đi khắp 36 xã, thị trấn huyện Triệu Sơn

Ông là người lính từng bỏ một phần xương máu nơi chiến trường. Trở về quê hương năm 2002, với thương tật 4/4, ông được xã Dân Lực mời làm phát thanh viên cho xã.

Từ thực tế công việc, ông Chiêng nhận thấy có rất nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước không đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, bản thân lại từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm, khiến ông rất trăn trở. Sau đó, ông quyết định làm “nhà đài di động” bằng xe máy đi tới những nơi mà việc tuyên truyền còn hạn chế.

Lúc đầu, thấy ông làm công việc chẳng giống ai này, nhiều người cho ông là gàn dở. Nhưng, dần dần, thấy công việc của ông có ý nghĩa nên mọi người rất đồng tình, ủng hộ.

Đặc biệt, khi hiểu được công việc thầm lặng mà có ích của ông Chiêng, Công an xã Dân Lực và Công an huyện Triệu Sơn cũng đã phối hợp cung cấp cho ông các văn bản pháp lý về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để ông thuận tiện trong công việc “vác tù và hàng tổng”.

Trong cái nắng nóng 40 độ, ông Phạm Ngọc Chiêng gạt vội đi những hạt mồ hôi lấm tấm trên khuônn mặt hằn những nếp nhăn thời gian, nở một nụ cười hiền hậu.

Ông Chiêng tâm sự, thường ngày, ông dậy sớm chuẩn bị xe máy, loa đài cẩn thận và bắt đầu công việc. Mùa hè nắng nóng thì từ 6 giờ đến 10 giờ, chiều từ 15 giờ đến 18 giờ; mùa đông thường từ 7 giờ đến 11 giờ trưa, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Ông đi khắp 36 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Để công việc hiệu quả, ông thường tuyên truyền ở những nơi đông người như các cổng trường học, ngã ba, ngã tư, chợ...

Các băng ông phát trên loa thường nhắc về những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra ở vùng nông thôn do sang đường không quan sát, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, lấn chiếm lòng lề đường để phơi lúa, rơm rạ mỗi vụ mùa, dùng biển che chắn đường...

Công việc thầm lặng, mong giúp ích cho đời

Anh Phạm văn Thy, ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn cho biết: "Ông Chiêng - “Nhà đài di động” cùng những bài tuyên truyền về pháp luật, giao thông quá quen thuộc với người dân Triệu Sơn chúng tôi, ngày nào cũng đều đặn sáng, chiều những lời nhắc nhở giao thông, những tin tức mà người dân quê mải lo kiếm sống chưa được biết. Khi chú ý lắng nghe thì chúng tôi mới hiểu được việc làm của ông. Dù là người thuộc thể hệ trẻ, nhưng tôi thấy mình không nắm bắt hết được các quy định về an toàn giao thông. Từ khi ông Chiêng đi tuyên truyền, ý thức tham gia giao thông của tôi cũng có thay đổi."

"Nhà đài di động", Phạm Ngọc Chiêng, suốt 17 năm qua vẫn "vác tù và hàng tổng"

Thiếu tá Nguyễn Văn Thu, Đội trưởng đội giao thông huyện Triệu Sơn cho biết: "Nhờ việc tuyên truyền an toàn giao thông của ông Chiêng trong nhiều năm qua nên số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn huyện giảm rõ rệt. Mặc dù sắp ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng 17 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Chiêng vẫn điều khiển xe máy chở theo bộ loa phóng thanh, phía sau xe cắm thêm lá cờ Tổ quốc đi khắp các đường làng, ngõ xóm để mang mọi thông điệp về an toàn giao thông tới cho người dân."

Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài viết phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút nhanh và hấp dẫn.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Lưu ý: Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi liên hệ gửi nhuận bút khi bài viết được đăng.

"Để động viên những người nhiệt tình về công việc xã hội này, hằng năm, UBND xã luôn quan tâm hỗ trợ và tặng Bằng khen để ông tiếp tục phát huy công việc của mình”, Thiếu tá Nguyễn Văn Thu cho biết.

Với công việc thầm lặng mà ý nghĩa của mình, ông Phạm Ngọc Chiêng vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa tặng nhiều Bằng khen. Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã chọn việc làm của ông Chiêng là mô hình tiên tiến trong phong trào Vì an ninh Tổ quốc.

Năm 2016, ông Chiêng vinh dự được Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa trao tặng một chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Dream (trị giá 20 triệu đồng) để ông tiếp tục làm công tác tuyên truyền lưu động các văn bản pháp luật về an toàn giao thông đến với mọi người dân.

Kiều Phiên

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thanh-hoa-pham-ngoc-chieng-hiep-si-giao-thong-gan-u70-153624.html