Cảm động người phụ nữ nuôi cụ ông mất trí không nơi nương tựa như cha ruột mình

Mặc dù điều kiện kinh tế gặp muôn vàn khó khăn nhưng hơn 5 năm nay chị Trí (thôn Quang Long, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã không quản ngại khó khăn, tự nguyện chăm sóc một cụ ông neo đơn trăm tuổi như người cha ruột của mình.

Cụ ông ốm yếu đến với gia đình chị Trí giữa chiều đông giá rét năm 2013.

Cảm thương cho số phận một con người

Giữa chiều đông giá rét định mệnh năm 2013, trước căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình chị Nguyễn Thị Trí (53 tuổi, ở thôn Quang Long, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An), bỗng nhiên xuất hiện một cụ ông ốm yếu, không nơi nương tựa xin gia đình chị để trú thân cuối đời.

Không một chút nghĩ ngợi đắn đo, người chủ nhà tốt bụng này đã mở tấm lòng nhân ái đón cụ vào nhà và chăm sóc cụ với tấm lòng chân thành và coi cụ như người cha ruột của mình.

“Gia đình chị cho tôi ở với, đó câu nói duy nhất mà cụ ông nói trước khi gặp tôi” - chị Trí nhớ lại.

Từ khi ông cụ lê từng bước chân vào ngôi nhà chị, chị cũng không hề hay biết tên, tuổi hay quê hương ở đâu? Lúc đó nhìn ông cụ như là một ‘bóng ma’ dật dờ ốm yếu, thế nhưng từ khi vào ở nhà chị Trí, sau ba tháng nằm trên giường được chị chăm sóc cẩn thận nên sức khỏe của cụ dần bình phục.

Nhưng trớ trêu thay khi ông đã tỉnh táo, chị Trí hỏi tên tuổi, quê quán của ông thì ngoài việc thi thoảng nghe ông chửi đổng, chị Trí chỉ nhận được sự im lặng.

Lúc đầu chị rất buồn nhưng chị cũng không oán trách ông mà chị còn thông cảm thương cho số phận của một con người.

Sau đó, chị lân la dò hỏi khắp nơi mới biết ông tên là Đặng Văn Ngự (SN 1919, quê ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).

Suốt 5 năm qua, chị Trí chăm sóc cụ Ngự như cha ruột của mình.

Qua tìm hiểu được biết hoàn cảnh của cụ thật đáng thương, cụ bị mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ cuộc sống lang thang không nơi nương tựa.

Không quê hương, không gia đình, anh em..., nên đành chấp nhận cuộc sống đi làm thuê nay đây mai đó, ai thuê gì làm nấy nhưng có một điều đặc biệt là cụ không lấy tiền của ai cả mà chỉ cần cơm ngày 3 bữa cho qua ngày.

Khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh của gia đình mình, chị Trí chia sẻ: "Kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, chồng của tôi đi lao động nước ngoài không may tai nạn và mất năm 2006. Vì vậy, một mình tôi phải tần tảo nuôi 3 người con ăn học".

Khó khăn, khổ tâm cứ bao vây chị, nhưng chị vẫn không tuyệt vọng mà luôn đã cố gắng vay mượn, động viên con cố gắng học hành thật tốt, đồng thời lo những bữa cơm qua ngày cho cả chính mình và cụ Ngự. Tuy nhiên, chị Trí cũng chỉ cố gắng cho 2 con đầu của mình học hết đại học, còn cô con gái út đang học dở trường Cao Đẳng – Tài chính ngân hàng thì phải thôi học vì điều kiện kinh tế quá khó khăn.

“Nhiều đêm tôi không ngủ được, cứ mỗi khi đặt lưng xuống giường là lại nghĩ về chồng và con. Chồng thì đã mất còn con đường học hành của con thì đang dở dang” - chị Trí chia sẻ.

Mặc dù hoàn cảnh của 4 mẹ con rất khó khăn nhưng suốt 5 năm qua chị Trí cũng đã lo lắng từng miếng ăn cho cụ Ngự như chính người cha ruột của mình. Giờ đây 2 con đầu của chị đã ra trường mặc dù công việc chưa ổn định nhưng phần nào làm vơi đi nỗi buồn của chị.

Giờ đây cụ Ngự đã bước sang tuổi 100, mắt đã mờ, sức khỏe yếu hơn.

‘Sống trên đời cần có một tấm lòng”

Sau bao năm buôn ba, trước khi đến ở gia đình chị Trí, cụ Ngự đã bước sang tuổi gần 100. Giờ đây mắt đã mờ, tóc bạc, gầy gò ốm yếu nhưng được sự quan tâm chăm sóc của chị nên ông cụ đã đi lại được nhưng trí nhớ thì không còn.

Trao đổi với PV, ông Phan Văn Tiến - Phó chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết: “Trường hợp của ông Đặng Văn Ngự là một trường hợp đặc biệt, nên chính quyền xã và gia đình chị Trí cũng rất quan tâm, hiện nay UBMT huyện đã chu cấp cho ông được 20 triệu đồng, còn chị Trí thì tự nguyện hiến mảnh đất để hỗ trợ làm căn nhà nhỏ cho ông” .

Ngoài nuôi cụ Ngự, chị Trí còn hiến một mảnh đất khoảng 15m² để làm nhà cho cụ Ngự, để cụ không còn cảnh "màn trời, chiếu đất".

Mặc dù căn nhà chỉ có 15m² nhưng với ông Ngự đó là một gia sản lớn lao mà trong cuộc đời ông chưa bao giờ mơ tới, những lúc mưa gió, nắng nôi ít ra ông cũng không còn phải chịu cảnh “màn trời, chiếu đất” nữa.

Suốt 5 năm qua, chị Trí vẫn cần mẫn chăm sóc cụ Ngự như chính người thân của mình dù chẳng quan hệ họ hàng gì. Việc làm nhân văn của chị được chính quyền địa phương, bà con lối xóm và các con của chị ủng hộ và vô cùng thán phục.

Chị vẫn cho rằng đó là việc làm hết sức bình thường và tâm sự “Sống trên đời cần có một tấm lòng” để chia sẻ yêu thương.

Việt Hòa

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/cam-dong-nguoi-phu-nu-nuoi-cu-ong-mat-tri-khong-noi-nuong-tua-nhu-cha-ruot-minh-post255755.info