Cảm động hình ảnh những người vợ mòn mỏi chờ chồng

Đất nước thống nhất, sau những lũy tre làng vẫn còn nhiều người vợ mòn mỏi chờ chồng...

Mảnh đất Quảng Nam trải qua các cuộc chiến tranh có biết bao thế hệ thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại chiến trường, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng bạn bè, người thân. Bằng lương tâm và trách nhiệm, những đồng đội còn sống đã quay trở lại chiến trường xưa tìm bạn, dẫu cuộc tìm kiếm hết sức gian nan.

"Đất nước còn nặng trĩu trên vai/ Em ơi, em ơi đường dài/ Nếu lỡ mai này anh mất/ Cũng đừng đi tìm anh vì xa xôi lắm, xa xôi lắm em ơi/ Đường quanh co khúc khuỷu chân yếu mềm/ Em không đến được đâu...”

Bà Phạm Thị Rân nghẹn ngào đọc lại mấy dòng thơ của chồng viết tặng bà.Những câu thơ như lời định mệnh mà liệt sỹ Đinh Văn Hương viết cho vợ là chị Phạm Thị Rân ở thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam 40 năm trước vẫn còn in hằn trong nỗi nhớ người vợ. Lá thư nhuốm màu đất đỏ bazan cứ chập chờn trong giấc ngủ, trong nỗi trống vắng, cô đơn dài dằng dặc của thiếu phụ thờ chồng.

Bà Phạm Thị Rân với tấm ảnh thờ chồng, liệt sỹ Đinh Văn Hương

Bà Phạm Thị Rân với tấm ảnh thờ chồng, liệt sỹ Đinh Văn Hương

Một sáng tháng 10/1978, anh Hương khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Chiến trường biên giới Tây Nam ác liệt, anh Hương vội chia tay người vợ mới cưới được mấy hôm. “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Chị Rân nhớ mãi lời chồng dặn dò: “đừng tiễn anh làm chi, anh sẽ về với em mà”.

Vậy mà chưa đầy 14 tháng, chị Rân nhận tin chồng hy sinh. Đất trời như sập đổ dưới chân. Đêm đêm, chị thường thấy anh về báo mộng. Chừng như anh không muốn rời xa quê nhà, xa người vợ yêu. 3 tháng sau, thi thể anh Hương được chuyển về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh. Gia cảnh khó khăn, thi thoảng vài ba năm, chị Rân mới vào nghĩa trang thắp hương lên phần mộ người chồng.

Năm ngoái, nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ, Ban liên lạc Trung đoàn 96 tại Quảng Nam hỗ trợ đưa hài cốt anh Đinh Văn Hương về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Điện Thọ. Từ đó, cứ ngày ngày, chị Rân lại ra mộ thắp hương cho chồng, dịu vơi nỗi buồn.

Chị Phạm Thị Rân bùi ngùi nhớ lại: "Hồi đó đám cưới mới được có mấy ngày. Hoàn cảnh gia đình ảnh thì mẹ mất sớm. Tới khi tổ chức đám cưới thì gần đi bộ đội rồi. Ảnh hứa 3 năm ảnh về. 5 tháng sau khi biết được ảnh hy sinh thì mới quyết tâm đi xin đứa con về nuôi."

Bà Rân đau buồn kể về những tháng ngày đã qua

Con đường ngoằn ngoèo dẫn đến thôn Tập Phước, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam trưa hè văng vẳng tiếng ve kêu. Mấy hôm rày, bà Trần Thị Hòa không ngủ được.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày thương binh liệt sỹ là bà Hòa da diết nỗi nhớ chồng. Ngày 20/6/1977, bà tiễn chồng là anh Ngô Tám lên đường nhập ngũ. Lúc đó, bà Hòa mới 20 tuổi, có thai 1 tháng. Cho đến khi bà Hòa sinh bé gái được 2 năm vẫn không thấy chồng trở về.

Mùa xuân năm 1979, bà Hòa nhận giấy báo tử, chồng bà hy sinh trên đất Campuchia khi đang làm nhiệm vụ quốc tế giúp người dân nước bạn thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pôt. Bà Hòa muốn đi tìm thi thể chồng nhưng chẳng biết tìm ở nơi đâu.

Sau này, bà nghe nói thi thể chồng được đưa về an táng tại Nghĩa trang Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Hoàn cảnh nghèo khó nên bà chưa một lần vào thắp hương cho chồng. Năm ngoái, cũng đúng vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7), Ban Liên lạc Trung đoàn 96 tại Quảng Nam hỗ trợ đưa hài cốt chồng bà về nghĩa trang liệt sỹ xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Bà Trần Thị Hòa mừng mừng tủi tủi: "Khi ảnh mất thì nói không biết khi mô mà được nhìn thấy ảnh. Rồi con cũng mất luôn nên tui đau rụng hết tóc. Thấy Trung đoàn, Sư đoàn tìm kiếm mộ liệt sỹ đưa về nghĩa trang rất mừng, gần gũi chồng hạnh phúc. Chớ hồi chưa đưa về thì cứ thao thao thức thức miết, không biết ở đâu hết."

Bà Trần Thị Hòa vui mừng khi hay tin hài cốt chồng được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Đại Chánh

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Duy Xuyên, thành viên Ban Liên lạc Trung đoàn 96 tại Quảng Nam kể lại hành trình đi tìm mộ đồng đội đầy gian nan, vất vả.

Anh Ngọc cũng như những người may mắn sống sót trở về sau cuộc chiến luôn day dứt về những đồng đội đã ngã xuống. Đó là trường hợp của liệt sỹ Nguyễn Tấn Dũng ở xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, suốt 34 năm gia đình không thờ cúng vì hy vọng một ngày nào đó anh trở về.

Đến khi các thành viên Ban liên lạc lục tìm hồ sơ, xác nhận anh Dũng hy sinh, Nhà nước công nhận liệt sỹ thì mẹ liệt sỹ Nguyễn Tấn Dũng không còn trên cõi đời này.

Hay như trường hợp của liệt sỹ Võ Xinh ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, gia đình đi kinh tế mới ở một nơi xa. Khi Ban Liên lạc tìm đến nơi thì người em ruột của liệt sỹ Xinh không có giấy tờ tùy thân. Ông Ngọc phải tất tả đi xác minh lý lịch và cùng người này vào nghĩa trang liệt sỹ thành phố Hồ Chí Minh chuyển hài cốt liệt sỹ Võ Xinh về an táng tại quê nhà.

Nhưng cũng không ít trường hợp đã đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sỹ các tỉnh phía Nam lại không ghi rõ tên cha mẹ, tên liệt sỹ, ngày hy sinh, ngày nhập ngũ, đơn vị, quê quán…

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc cho biết, từ ngày tham gia vào Ban Liên lạc, ông cùng các thành viên đã tổ chức nhiều đợt chuyển hài cốt liệt sỹ từ các nghĩa trang phía Nam về nghĩa trang quê nhà của các liệt sỹ. Chuyến đầu tiên chuyển được 18 hài cốt, chuyến tiếp theo chuyển được 70 hài cốt.

Thể theo nguyện vọng của gia đình và được sự đồng ý của chính quyền các địa phương, Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Liên lạc Trung đoàn lần lượt chuyển hài cốt liệt sỹ tại các nơi về an táng ở nghĩa trang quê nhà.

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc bùi ngùi: "Trong tất cả thế hệ trẻ Việt Nam ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thì có những người mãi mãi không bao giờ trở về. Có những người trở về phải để lại một phần thân thể. Đảng và Nhà nước luôn ghi nhận sự hy sinh của các thế hệ người Việt Nam, những người cha, người mẹ, sinh con ra hiến dâng cho đất nước nhưng chờ đợi mãi để thắp 1 nén hương vẫn không chờ đợi được."

Đại tá Nguyễn Văn Ngọc kể về những ngày tháng gian nan đi tìm mộ liệt sỹ

Đất nước thống nhất, sau những lũy tre làng vẫn còn nhiều người vợ mòn mỏi chờ chồng. Có những liệt sĩ còn nằm lại chiến trường xưa, chưa tìm ra tung tích. Nhiều người được tìm thấy và đưa về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà, ngày ngày sưởi ấm tấm lòng những người vợ, người thân./.

Hoài Nam/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/cam-dong-hinh-anh-nhung-nguoi-vo-mon-moi-cho-chong-936072.vov