Cảm động cô giáo 12 năm lặng lẽ dạy học miễn phí cho trẻ kém may mắn

Gần 12 năm nay, cứ vào cuối tuần, chùa Hương Lan lại có gần chục thầy, cô giáo thay nhau lên lớp, dạy miễn phí cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt.

Lớp học tình thưởng tại chùa Hương Lan. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Lớp học tình thưởng tại chùa Hương Lan. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km, theo quốc lộ 6 đi Hòa Bình, gần 12 nay ở thôn Đông Cựu, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội có một lớp học được xây dựng từ tấm lòng của thầy trụ trì chùa Hương Lan và các phật tử.

Lớp học được mở từ ngày 14/10/2007. Học sinh tại đây là các em không may mắc các chứng bệnh khiếm thính, tự kỷ, tật vận động, hoặc các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Thời gian đầu nhà chùa cho mượn phòng khách học chỉ rộng 15m2. Sau một thời gian, học sinh đến học đông thêm, nên nhà chùa cho xây dựng phòng học mới rộng 100m2 khá khang trang, sạch đẹp.

“Tuổi thơ của mình đã từng rất cơ cực nên khi biết được các em học sinh quanh vùng có hoàn cảnh đặc biệt như: mắc bệnh down, câm điếc bẩm sinh và thiểu năng trí tuệ có hoàn cảnh éo le như gia đình nghèo, bố mẹ bỏ nhau… mình muốn làm một điều gì đó để sẻ chia khó khăn cùng các em. Từ đó lòng mình khởi lên một tình thương để cưu mang và nâng đỡ các em tiếp tục con đường học vấn” – cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên Trường tiểu học Đông Sơn, Chương Mỹ - người có ý tưởng mở lớp học tình thương chia sẻ.

Kinh phí giảng dạy phần lớn do cô Hòa tự bỏ tiền lương hàng tháng để hỗ trợ cho các em về sách vở và đồ dùng học tập. Vì là lớp học đặc biệt nên phương pháp dạy cũng đặc biệt.“ Các em đều là những trẻ khuyết tật, chậm hiểu nên mình phải giảng từ từ, kiên nhẫn, thậm chí dạy kèm từng em.

Có những em dạy phải kèm với dỗ cho kẹo. Có những em đang học trong lớp, vệ sinh cá nhân không tự chủ được, rớt rãi chảy quanh miệng, mình lại tắm giặt cho các em như một người mẹ. Để có phương pháp truyền tải kiến thức dành cho những em khuyết tật đặc biệt như vậy, hàng ngày ngoài giờ lên lớp là mình lại vào Internet, đọc sách báo và thậm chí phải khăn gói lên tận các trung tâm dạy học dành cho người khuyết tật để học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Từ đó, mình rút ra những phương pháp và kiến thức phù hợp nhất đối với các em”.

Cô giáo Lê Thị Hòa. Ảnh: giaoducthoidai.vn

Phần lớn phụ huynh học sinh các em đều nghèo. Có nhà làm nông. Có gia đình làm ở khu công nghiệp. Mọi người đều cảm tạ tấm lòng của các cô giáo ở đây. Mặc dù cô Hòa hiện đang dạy học ở Trường Tiểu học Đông Sơn; nhưng không nghỉ ngơi, cứ cuối tuần cô Hòa lại xuống chùa dạy chữ cho các em.

Nhắc lại ngày khai giảng của lớp học, gương mặt cô Hòa tỏ rõ sự phấn khởi: “Trước đó, tôi vận động được 3 cô tổng phụ trách từ các trường THCS và 7 cô giáo ở Trường Tiểu học Đông Sơn (có cô đã nghỉ hưu) cùng về dạy. Ai cũng rất nhiệt huyết. Ngày khai giảng, lớp có 45 em, trong đó có 7 em bị khuyết tật, còn lại là các em ngồi nhầm lớp và các em đã bỏ học vì không theo được chương trình ở trường”.

Một thời gian sau, với tấm lòng và sự bao dung của các cô như: Cô Thoa, cô Nhàn, cô Âu, cô Hạnh,... các học sinh ngày càng tiến bộ và số học sinh ngồi nhầm lớp đã trở về hòa nhập với nhà trường cũ. Lớp học chỉ còn lại là các em khuyết tật. Các em từ trong, ngoài xã trong huyện Chương Mỹ và có những em ở huyện Quốc Oai cũng được người thân đưa đến học đều đặn vào các ngày thứ bảy, chủ nhật. Hiện nay, lớp đã trải qua 7 năm và tập hợp được 58 học sinh, từ 6 - 26 tuổi.

Cũng từ lớp học tình thương này, có những ước mơ đã trở thành hiện thực. Các em Nguyễn Thị Xuyên và Nguyễn Thị Miền, sau khi học biết đọc, biết viết đã được cô Hòa và sư thầy Thích Đàm Tiền xin cho làm may ở Thường Tín với mức lương gần 2 triệu đồng/tháng.

Mộc Miên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/viec-tot-quanh-ta/cam-dong-co-giao-12-nam-lang-le-day-hoc-mien-phi-cho-tre-kem-may-man-a294942.html