Cắm củ sạc điện thoại liên tục: Thói quen nguy hiểm

Cắm sạc điện thoại liên tục cả ngày là thói quen của không ít gia đình. KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Học viện Kỹ thuật Quân sự chỉ ra những nguy hiểm rình rập từ thói quen này.

Cắm củ sạc điện thoại liên tục: Thói quen nguy hiểm

Cắm củ sạc điện thoại liên tục: Thói quen nguy hiểm

Tiêu tốn điện năng

Cắm củ sạc liên tục ở ổ điện là thói quen rất phổ biến trong nhiều gia đình. Đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm từ việc sử dụng sạc điện thoại không đúng cách. Ngoài những nguy hiểm rình rập thì việc cắm củ sạc liên tục gây tiêu tốn một lượng điện năng nhất định dù không nhiều.

Theo tính toán, nếu cắm sạc liên tục, chúng ta sẽ mất khoảng 3 kWh điện mỗi năm. Tuy nhiên, nếu không phải là sạc chính hãng mà loại sạc rẻ tiền thì chúng có thể tiêu thụ nhiều hơn đến 20 lần con số nêu trên. Đó thực sự là một khoản chi phí đáng kể.

Mỗi điện thoại đều được đính kèm một củ sạc riêng biệt. Để nạp pin cho điện thoại, củ sạc sẽ hoạt động theo nguyên lý của máy biến áp. Nó biến điện áp cao thành thấp, đổi dòng từ xoay chiều qua 1 chiều. Hạ điện áp từ 220V xuống điện áp nạp (tùy từng dòng điện thoại). Sau đó nắn từ dòng điện xoay chiều sang dòng điện 1 chiều để nạp cho điện thoại.

Về cấu tạo, củ sạc điện thoại gồm 2 bộ phận: Sơ cấp nối với dòng điện vào và thứ cấp nối với dòng điện ra. Như vậy cho dù mạch ra có kín hay không (nghĩa là có sạc hay không) thì mạch vào luôn kín nếu được cắm điện.

Chính vì nguyên lý hoạt động như trên nên khi không sạc thì mạch sơ cấp với cấu tạo mạch kín vẫn tiêu thụ điện năng, chỉ là ở mức ít hơn so với khi mạch ra đóng kín (khi sạc). Khi cắm sạc vào nguồn điện nhưng không sử dụng còn khiến tuổi thọ của mạch sơ cấp giảm do các linh kiện của mạch này phải hoạt động liên tục nếu không được rút ra khỏi ổ điện.

Ngoài ra, sẽ rất nguy hiểm nếu điện lưới khu vực nhà bạn không ổn định. Việc cắm sạc cả ngày ở điện lưới không ổn định có thể khiến củ sạc bị nóng, dẫn đến chập, cháy cả hệ thống điện trong nhà mà chúng ta không lường được.

Thông thường sạc chỉ nóng lên khi kết nối với điện thoại. Nhưng nếu điện áp không ổn định, thấp hoặc cao hơn ngưỡng dòng điện cho phép của dòng điện sạc thì chúng có thể gây ra tình trạng cháy nổ bất cứ lúc nào do dòng điện quá tải, rò rỉ…

Dễ bị rò rỉ điện

Với thiết kế đơn giản, độ an toàn thấp của các sạc điện thoại hiện nay thì việc điện giật và lấy đi tính mạng người dùng bất cứ lúc nào là điều dễ hiểu. Cắm củ sạc cả ngày tác hại trước tiên dễ thấy nhất chính là giảm tuổi thọ củ sạc điện thoại.

Khi củ sạc bị lão hóa vì thói quen cắm vô tội vạ của người dùng, nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất kì lúc nào. Vấn đề này đã được các cơ quan phòng cháy chữa cháy cảnh báo. Đặc biệt, đối với những gia đình có trẻ nhỏ, để các bé chơi đùa gần củ sạc và vô tình khiến đầu sạc bị ướt hay ngậm vào chuôi sạc sẽ gây ra tai nạn khó lường trước.

Cục sạc là thiết bị hạ điện áp từ 220V xuống 5V không sử dụng biến áp mà sử dụng điện trở và tụ điện. Sau đó, điện được đưa trực tiếp từ nguồn điện lưới xuống thông qua mạch điện biến xoay chiều thành một chiều để nạp cho pin điện thoại...

Giả sử nếu trẻ nghịch ngậm vào đầu dây cắm vào điện thoại đầu ra bị chập do nước làm cho mạch điện quá tải bị chập điện, thông mạch đầu ra sẽ là điện lưới 220V. Hoặc đơn giản vào những khi trời nồm như khoảng thời gian này ở miền Bắc, ẩm ướt làm chập đầu ra làm chập mạch điện sẽ xảy ra hỏa hoạn.

Sạc điện thoại trước đây thường to và nặng hơn, đắt tiền hơn do sử dụng biến áp nguồn sơ cấp và thứ cấp, cách ly nguồn điện rất tốt. Sạc ngày nay nhỏ, mỏng, nhẹ hơn do sử dụng IC, linh kiện như tụ điện hay điện trở để hạ áp. Từ điện áp 220V trở thành điện áp 40V chỉ bằng những tụ điện nhỏ tí.

Tuy nhiên, các linh kiện này rất sễ chập, hỏng do sử dụng sai cách, thời tiết ẩm thấp, tiếp xúc phải nước… Khi linh kiện bị ngắt mạch, đồng nghĩa dòng điện ở dây cắm sạc là 220V, rất nguy hiểm.

Việc nhận biết linh kiện bên trong cục sạc bị hỏng là rất khó, chỉ trừ khi đã xảy ra sự cố, hỏng hóc rồi. Có những chiếc sạc dùng chục năm không hỏng, nhưng có những cái vừa mua đã hỏng. Do đó, cần dùng sạc chính hãng, có bảo hành.

Khi cục sạc có dấu hiệu nóng bất thường, phải thay bằng sạc khác. Do vậy, nhất thiết chỉ cắm điện khi cần sạc điện thoại để tránh những rủi ro không đáng có.

Nhiều người dùng lầm tưởng một lần chúng ta cắm và rút sạc sẽ được tính là một lần làm giảm tuổi thọ pin. Nhưng với loại pin Lithium-ion phổ biến hiện nay thì khác, tuổi thọ pin tính theo chu kì như sau: Ví dụ lần đầu bạn sạc đến 50% và sử dụng tới hết pin hay một mức nào đó thì lần cắm sạc tiếp theo bạn phải sạc đủ 1 lượng 50% pin nữa mới tính là một chu kỳ (100%). Chúng ta hoàn toàn có thể sạc pin nhiều lần trong một ngày mà không bị ảnh hưởng nhiều, khác xa với những hiểu biết cách đây nhiều năm về trước của đa số người dùng.

An toàn nhất là lắp hệ thống aptomat chống rò, chống giật. Khi có điện rò ra vỏ thì aptomat sẽ tự động ngắt hệ thống điện. Theo nguyên lý đó, khi có người không may chạm vào dây điện bị hở thì hệ thống aptomat cũng sẽ tự động ngắt điện. Đây là cách dễ làm nhất để tránh xảy ra những tai nạn thương tâm. Đầu tư cho hệ thống điện càng lớn thì chỉ số an toàn càng cao.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cam-cu-sac-dien-thoai-lien-tuc-thoi-quen-nguy-hiem-1595821026703.html