Cấm công ty tài chính đòi nợ qua người thân

Đòi nợ những người không liên quan đến khoản vay là vi phạm quyền riêng tư của công dân.

Thời gian qua, rất nhiều người dân bị khủng bố tinh thần từ những cuộc gọi liên tục của các nhân viên công ty tài chính (CTTC) để gây áp lực cho người thân của họ trả khoản vay tiêu dùng chưa thanh toán kịp.

Nắm bắt những bức xúc của người dân, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của CTTC để chấn chỉnh lại tình trạng trên.

Không vay cũng bị đòi nợ

Anh Lê Minh Chí ở phường 3, quận Tân Bình, TP.HCM là một trong rất nhiều bạn đọc đã tìm đến Pháp Luật TP.HCM để cầu cứu vì bị nhân viên một CTTC gọi điện thoại, nhắn tin liên tục yêu cầu anh phải cung cấp địa chỉ và thúc đẩy bạn anh phải trả số tiền hơn 20 triệu đồng.

Anh Chí kể: Mấy tháng trước, khi còn làm tài xế cho một công ty du lịch, anh có quen một người làm chung. Bạn anh Chí có làm hợp đồng vay tín chấp tại một CTTC. Lúc vay anh này có dặn anh nếu nhân viên CTTC gọi điện thoại hỏi thì nhờ anh xác nhận giữa anh và người đó là bạn bè. Khi nhân viên phía cho vay gọi xác minh, anh Chí đã nói rõ như vậy chứ anh không phải là người cùng vay tiền. Sau đó anh chuyển sang lái xe buýt còn bạn anh chuyển đi đâu không rõ.

Một thời gian sau, anh liên tục nhận các cuộc gọi, đầu dây bên kia xưng là nhân viên CTTC hỏi anh có biết bạn anh ở đâu không, nếu không anh phải đi tìm và kêu bạn anh thanh toán món nợ đã vay. Nghe vậy, anh cũng cất công đi tìm bạn nhưng không gặp.

Liên tục những ngày sau, anh Chí nhận trên 10 cuộc điện thoại của phía CTTC, yêu cầu anh phải tìm cho được bạn anh.

“Họ gọi liên tục, cứ canh lúc 12 giờ trưa, 10 giờ tối thì gọi khiến tôi không ăn, không ngủ gì được. Tôi có hỏi những người gọi đến là ai, làm ở đâu để tôi biết đường phản ánh đến công ty nhưng họ không nói rõ. Hiện nay cuộc sống tôi rất căng thẳng vì mỗi cuộc gọi là một trận cãi nhau, tôi phải chặn số liên tục nhưng vẫn bị làm phiền” - anh Chí bức xúc.

Bổ sung quy định là cần thiết

Theo điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng có thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư này có thêm quy định: Không được nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc thống đốc Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự thảo bổ sung quy định việc không được đòi nợ người thân của khách hàng là hợp lý. Bởi trên thực tế có không ít CTTC khi nợ khó đòi thì dùng đòn khủng bố kiểu xã hội đen đối với người thân của người đi vay tiền. Mục đích của việc này là dùng người thân để tạo áp lực cho khách hàng họ phải trả nợ.

Tuy nhiên, hành vi này vi phạm quyền riêng tư của mỗi người, gây rối loạn trật tự xã hội. Chính vì thế việc sửa đổi, bổ sung này là hoàn toàn hợp lý, chặt chẽ hơn và theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng tình, ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng HDBank, cũng cho rằng nội dung bổ sung, sửa đổi như trên là hợp lý. Vì trên thực tế, ngoại trừ người cam kết đồng trả nợ và người bảo lãnh bằng tài sản, còn những cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ mà phải bị níu áo đòi nợ lúc nửa đêm trong thời gian qua đã gây bức xúc trong xã hội. Người nào vay thì chính người đó trả, việc nhắc nợ người thân chỉ gây phiền phức chứ rất khó giải quyết được vấn đề.

Vì sao công ty tài chính lại có số điện thoại của người thân?

Anh Lê Trung An (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) kể về quá trình đi vay tín chấp tại một CTTC:

Trên đường đi làm, tôi có thấy mẩu quảng cáo cho vay tín chấp. Vì đang cần tiền để mua xe máy, tôi gọi điện thoại theo số trên mẩu quảng cáo. Đầu dây bên kia hướng dẫn tôi điền thông tin theo mẫu, kèm theo hình ảnh số chứng minh nhân dân, hộ khẩu gửi vào một địa chỉ email. Tôi vay 25 triệu đồng, trả góp mỗi tháng 2,5 triệu đồng trong vòng 12 tháng, trả định kỳ mỗi tháng, nếu trễ sẽ phải chịu một khoản tiền phạt.

Trong mẫu hợp đồng vay có yêu cầu tôi phải cung cấp số điện thoại của hai người thân và số tài khoản để nhận tiền. Vài ngày sau tôi nhận được tiền. Cứ đến ngày định kỳ trong tháng, tôi đến bưu điện đọc mã số hợp đồng và đóng tiền trả góp. Đóng tiền xong, bưu điện đưa tôi biên nhận thu hộ tiền vay. Chỉ khi nào đến tháng mà tôi chậm trả thì phía bên kia sẽ gọi vào số của người thân mà tôi đã cho để hối thúc tôi trả nợ. Từ lúc vay cho đến lúc trả nợ xong, tôi không hề biết mặt người cho vay. Chỉ biết trong hợp đồng thể hiện phía bên kia là một CTTC.

NGUYỄN HIỀN - NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/cam-cong-ty-tai-chinh-doi-no-qua-nguoi-than-824207.html