Cấm chơi đào rừng ngày Tết

Một trong những câu chuyện được dư luận xã hội quan tâm nhiều ngày qua là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 'Cần cấm tuyệt đối việc chặt phá đào rừng để đón Tết. Trên các bờ đê, đường phố các cây đào rừng đẹp như vậy bị chặt về bày la liệt, bán không được thì làm củi, như vậy làm sao còn một nông thôn miền núi rừng đẹp? Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết'.

Như vậy, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 nhiều khả năng những cây đào rừng ở vùng miền núi như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Giang… sẽ không còn hiện diện tại các chợ hoa, hội hoa xuân của các địa phương miền xuôi như trước kia nữa. Nhiều người cho rằng, đây là một quyết định khó khăn nhưng rất cần thiết vào lúc này.

Ngẫm chuyện chơi đào ngày Tết xưa và nay đã có rất nhiều thay đổi. Không ít người cho rằng “phú quý, sinh lễ nghĩa”, trước kia, các cụ chơi đào ngày Tết chỉ đơn giản là có một cành đào nhỏ cắm vào lọ lục bình để trên bàn thờ tổ tiên nhằm đuổi ma, đuổi quỷ vào quấy rối… Thế nhưng, ngày nay, việc cắm cành đào trên bàn thờ gần như đã mai một, mà thay vào đó là cách chơi cành to hoặc trồng cả một cây đào lớn để ở phòng khách hoặc ngoài sảnh. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế mua cả cây đào phai to có giá lên đến cả chục triệu đồng về chơi Tết.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều khả năng những cây đào rừng ở vùng miền núi như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Giang… sẽ không còn hiện diện tại các chợ hoa, hội hoa xuân của các địa phương miền xuôi như trước kia nữa.

Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều khả năng những cây đào rừng ở vùng miền núi như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Giang… sẽ không còn hiện diện tại các chợ hoa, hội hoa xuân của các địa phương miền xuôi như trước kia nữa.

Tết năm nào cũng vậy, tại các hội hoa xuân không khó để tìm những cây, cành đào phai rừng được bày bán. Với số lượng mua rất lớn, mỗi mùa Xuân qua đi là có hàng ngàn gốc đào rừng bị chặt hạ đem bán. Trong khi đó, để có một cây đào rừng trưởng thành phải mất rất nhiều năm. Nếu tính ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước thì không biết số lượng cây đào phai rừng bị chặt đem bán sẽ là bao nhiêu. Điều này không chỉ khiến loài cây biểu tượng cho mùa xuân này bị cạn kiệt, mà còn ảnh hưởng đến môi trường, bởi mỗi dịp sau tết, công nhân môi trường đô thị lại phải căng mình tăng ca làm việc để dọn cành đào suốt trong một thời gian dài.

Ngay dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu này, việc vận chuyển, mua, bán, sử dụng đào rừng dưới mọi hình thức đều bị coi là vi phạm. Có lẽ mục đích lớn nhất khi cấm chơi đào rừng ngày Tết là hướng đến lưu giữ nét đẹp văn hóa hái lộc đầu Xuân của dân tộc ta, cắm cành đào nhỏ trên bàn thờ tổ tiên, cùng với đó là nâng cao ý thức bảo vệ rừng, trồng rừng, không chặt phá cây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên.

Tuy nhiên, thực tế thì việc xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển, mua, bán, sử dụng đào rừng không phải là dễ. Bởi để phân biệt được đâu là đào rừng, đâu là đào nhà trồng cũng cần phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Chính vì vậy, để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp tết đến, xuân về, thì rất cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, kiểm lâm, quản lý thị trường, lực lượng công an địa phương sở tại, vùng có rừng, vùng miền núi… Trong đó, công tác tuyên truyền để người dân hiểu, thực hiện chỉ đạo mới là vô cùng quan trọng.

Thú chơi đào, chơi mai mỗi dịp Tết đến, Xuân về là nét đẹp tao nhã, văn hóa đặc sắc, truyền thống có từ lâu đời của người dân Việt Nam. Thế nhưng, chơi mai, chơi đào ngày Tết sao cho vừa đủ lễ, đủ nghĩa, vừa không tốn kém, đặc biệt là không gây cạn kiệt loài cây này, bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, môi trường cũng cần được chúng ta tính đến.

Thái Bình

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/tieu-diem/202101/cam-choi-dao-rung-ngay-tet-2515945/