Cám cảnh chợ bị bỏ hoang

Hiện nay, các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM do quận, huyện quản lý trực tiếp, như việc xây dựng lại, sửa chữa, cải tạo, di dời… tuy nhiên, không ít ngôi chợ bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Chợ Phú Hữu (ảnh, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) nằm trên khu đất rộng hơn 2.000m2 với 164 sạp, được xây dựng vào năm 2004 với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Chợ được xây dựng nhằm xóa bỏ các chợ tự phát và giải tỏa lòng lề đường Nguyễn Duy Trinh. Khoảng 2 năm đầu cũng có tiểu thương vào chợ bán, nhưng do không có nhiều hàng hóa nên người dân quanh vùng ít ghé mua.

Hơn nữa, chợ tự phát cách đó không xa vì tiện đường nên đông đúc, sầm uất. Chợ Phú Hữu cứ vắng dần rồi bỏ hoang gần 20 năm nay, trông rất tiêu điều. Trần mái ngôi chợ gỉ sét, mưa dột khắp nơi, các ki-ốt, quầy sạp hư hỏng, đồ đạc vứt ngổn ngang. Theo quan sát, những sạp hàng nhỏ cho tiểu thương bán cá, thịt, rau… gần như hư hỏng hoàn toàn, dưới nền đầy rác, mùi ẩm mốc nồng nặc. Nhiều kết cấu chịu lực bằng bê tông trong chợ đã mục nát, bong tróc, lòi cả sắt ra ngoài. Các bức tường, nền nhà đều bám đầy bụi, mạng nhện.

Bà Nguyễn Thị Lê, bán quán nước trước cổng chợ cho biết: “Những ngày đầu tiểu thương dọn vào chợ, khách đến mua cũng cầm chừng. Càng về sau thì ngày càng ế ẩm vì các chợ tự phát mọc lên rất nhiều ở quanh vùng. Đáng nói là gần chợ có một vòng xoay, xe container, xe tải nặng chạy qua lại rầm rập nên người dân cũng ngại đến chợ mua đồ vì lưu thông quá nguy hiểm. Vì thế thay vì đến chợ Phú Hữu, người dân mua thức ăn, thức uống ở chợ tự phát”.

Lãnh đạo UBND phường Phú Hữu cho biết, chợ Phú Hữu tiếp giáp vòng xoay đường Vành đai 2, nơi các phương tiện vận tải có tải trọng lớn qua lại thường xuyên, nên việc ra vào chợ rất nguy hiểm. Hiện chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng hoạt động buôn bán. Dù vậy, phường chưa đủ ngân sách, bà con tiểu thương cũng không có khả năng để sửa chữa chợ.

Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, chợ Tân Phú (thuộc phường Tân Phú) được xây dựng từ năm 2004 và bị bỏ hoang 17 năm nay. Chợ được đầu tư xây dựng với kinh phí khoảng 2,5 tỷ đồng, có diện tích 4.000m2, gồm 340 sạp và hoạt động từ tháng 5-2005. Toàn bộ tiểu thương có sạp hàng ở chợ đều đã chuyển sang buôn bán ở chợ tự phát gần đó. Mười mấy năm bỏ hoang, phần lớn kết cấu kim loại trong và ngoài chợ đều đã gỉ sét, mục nát, các nắp cống, hệ thống phòng cháy chữa cháy bị hư hỏng hoàn toàn.

Theo người dân sinh sống ở khu phố 3, phường Tân Phú, nguyên nhân khiến chợ Tân Phú “chết yểu” là do vị trí không thuận lợi, tọa lạc ở nơi dân cư thưa thớt. Thêm nữa, con đường duy nhất dẫn vào chợ là quốc lộ 1A, còn lối ra là đường một chiều bên kia quốc lộ. Đoạn quốc lộ này có dải phân cách bằng bê tông và khá xa mới có chỗ quay đầu xe.

Theo UBND TP Thủ Đức, ngân sách Nhà nước không đầu tư nâng cấp, sửa chữa các chợ mà kinh phí chủ yếu được dùng từ nguồn vận động. Với thực trạng này, chính quyền TP Thủ Đức cần tính phương án trình Sở KH-ĐT TPHCM đăng ký danh mục các chợ cần xã hội hóa, để được hướng dẫn về quy trình xã hội hóa chợ. Từ đó, sở sẽ tìm các nhà đầu tư tiềm năng để xây dựng, sửa chữa lại các chợ truyền thống, đảm bảo việc mua sắm tiêu dùng của người dân ở địa bàn khu dân cư, cũng là tránh lãng phí ngân sách Nhà nước.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cam-canh-cho-bi-bo-hoang-719371.html