Cấm cán bộ, công chức, viên chức và người thân mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã. Trong chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.

Kiên quyết loại bỏ các khu vực mua bán động vật hoang dã trái pháp luật

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ theo chức năng, thẩm quyền được giao thực hiện rà soát hệ thống văn pháp pháp luật để đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt hành vi tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán động vật hoang dã trái pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật hoang dã trái pháp luật, nhất là động vật hoang dã thuộc lớp thú, chim, bò sát trong môi trường tự nhiên.

Mọi công dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người thân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật.

Tăng cường giám sát hoạt động gây nuôi động vật hoang dã

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc các giải pháp quản lý động vật hoang dã gây nuôi. Cụ thể, tổ chức đánh giá về việc thí điểm và thực trạng nuôi hổ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1761/VPCP-NN ngày 04 tháng 4 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ về xử lý việc nuôi hổ trái phép tại tỉnh Bình Dương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Việc gây nuôi, xuất khẩu động vật hoang dã phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức thanh tra, kiểm tra trên diện rộng các cơ sở nuôi động vật hoang dã, đảm bảo nguồn gốc động vật nuôi hợp pháp, điều kiện an toàn đối với vật nuôi, con người, vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nhất là vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ của động vật hoang dã gây nuôi. Lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ và các loài thuộc Phụ lục I và II CITES; công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ để toàn xã hội theo dõi, giám sát.

Cùng với đó là tăng cường chỉ đạo các biện pháp giám sát bệnh dịch, vệ sinh thú y tại các cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã; tiếp tục tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ về quản lý động vật hoang dã, trình Chính phủ ban hành tiêu chí và danh mục động vật có nguồn gốc hoang dã được thuần dưỡng để chuyển sang quản lý theo quy định của Luật Chăn nuôi và CITES.

Đông vật hoang dã được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ

Đông vật hoang dã được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã; đặc biệt là tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loài động vật hoang dã; phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật động vật hoang dã trên các trang thông tin điện tử.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu, lối mở biên giới và trên biển; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật các trường hợp mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép động vật hoang dã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân khu vực biên giới không săn, bắt, nuôi, nhốt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ các loài trên theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, quản lý các cơ sở kinh doanh y, dược, các cơ sở sản xuất thuốc, sản phẩm y tế có sử dụng các thành phần từ động vật hoang dã, đảm bảo chỉ sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp trong lĩnh vực y, dược.

Bộ Tài chính cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành, của CITES về số liệu ngà voi, sừng tê giác đã được bộ tiếp nhận, lưu giữ và bảo quản; chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án xử lý, tiêu hủy ngà voi, sừng tê giác theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học; rà soát quy định pháp luật hiện hành, đề xuất, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học...

BT

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cam-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-va-nguoi-than-mua-ban-tieu-thu-dong-vat-hoang-da-20200723224150885.htm