Cấm biếu quà Tết cần sự nêu gương!

Bác Hồ kính yêu từng dạy: 'Đảng viên đi trước, làng nước theo sau'. Vì vậy, để những Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; của các cấp chính quyền đi vào cuộc sống, cụ thể như Chỉ thị của Ban Bí thư về việc nghiêm cấm biếu quà Tết cấp trên dưới mọi hình thức thì đòi hỏi phải cần sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021, trong đó nhấn mạnh: Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi...

Còn ngày 17/12, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức Tết năm 2021. Trong đó nhấn mạnh: “Thực hiện nghiêm chủ trương không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công và trong giờ hành chính; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi...”.

Thực ra biếu quà vào các dịp lễ, Tết là nét đẹp văn hóa truyền thống mang tính biểu tượng về tình cảm giữa con người với con người (con cái với bố mẹ; học sinh với thầy cô và giữa những người trân quý nhau). Những gói quà Tết nó không mang tính vật chất hay miễn cưỡng mà đơn giản hoàn toàn dựa trên sự nhân văn cao đẹp.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của nền kinh tế thị trường đang chuyển đổi, nét đẹp văn hóa biếu quà đang ngày càng biến tướng, thậm chí trở thành gánh nặng với nhiều người và cơ quan, đơn vị. “Phú quý sinh lễ nghĩa”- những năm qua chuyện biếu quà không dừng lại ở dịp Tết Nguyên đán mà diễn ra ở nhiều sự kiện.

Một người bạn tôi làm ở phòng đối ngoại một doanh nghiệp tương đối lớn liệt kê về “vòng xoáy” quà cáp trong năm, gồm: Sinh nhật; quốc tế phụ nữ 8/3, phụ nữ Việt Nam 20/10 (nếu là nữ), lễ 30/4, 1/5; quốc khánh 2/9; ngày thành lập ngành; Tết Dương lịch; Tết Âm lịch, đấy là chưa kể các sự kiện cưới xin, ma chay (nếu có)…

Và đặc biệt, đối với Tết cổ truyền, chuyện biếu quà đã bị biến tướng và trở thành nỗi ám ảnh đối với rất nhiều người, cơ quan, đơn vị. Chính vì nhận thấy sự “biến tướng” nên những năm qua, vào dịp cuối năm Ban Bí thư và Ban Thường vụ các tỉnh, thành phố đều ban hành Chỉ thị liên quan đến cấm biếu quà lãnh đạo dưới mọi hình thức. Năm nay cũng không là ngoại lệ.

Vậy làm thế nào để Chỉ thị của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đi vào cuộc sống? Theo quan điểm của chúng tôi cách tốt nhất là phải học theo lời dạy của Bác Hồ: “Đảng viên trước, làng nước theo sau”. Khi Ban Bí thư có Chỉ thị chỉ cần người đứng đầu cơ quan từ Trung ương đến địa phương, mỗi cơ quan đơn vị tiến hành họp, đưa ra văn bản về việc triển khai nghiêm túc Chỉ thị của Ban Bí thư đến tất cả mọi thành viên trong cơ quan, đồng thời dán ngay ở phòng làm việc, thậm chí cửa ra vào nơi làm việc của cơ quan, đơn vị.

Còn nếu ở nhà riêng, thì Mặt trận Tổ quốc nơi có cán bộ cư trú phải phát huy vai trò “tai mắt” của Đảng, của nhân dân.Nếu làm được như thế “vấn nạn” quà cáp sẽ được chấm dứt, mọi người, mọi nhà vui vẻ đón năm mới.

H.Phạm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cam-bieu-qua-tet-can-su-neu-guong-116938.html