Cạm bẫy từ đầu tư tài chính dạng đa cấp

Cơ quan chức năng vừa bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo với thủ đoạn dùng mạng xã hội để kinh doanh đa cấp cho – nhận tài chính.

Đã có không ít người dân tham gia và trở thành nạn nhân của loại hình tội phạm công nghệ cao này.

Mô hình kinh doanh dạng đa cấp cho – nhận này được quảng cáo với mỹ từ "đầu tư tài chính". Luật đầu tư rất đơn giản, người chơi nộp tiền mua mã Pin (mã giao dịch) trên website của một sàn “đầu tư tài chính”. Sau đó, khách hàng đặt lệnh “cho” với một khoản tiền theo yêu cầu, khi giao dịch thành công họ sẽ tới lượt đăng ký “nhận” tiền. Trên lý thuyết, khi đến lượt khách hàng được “nhận” thì họ sẽ được người “cho” tiếp theo trả cả gốc và lãi theo quy ước của người điều hành website. Nhưng trên thực tế, khi số tiền chiếm dụng được đã lớn, nhiều khả năng không tìm được người “cho” tiếp theo thì các đối tượng điều hành đánh sập trang web và biến mất.

Trong năm 2016, nhiều hành vi lừa đảo dạng đầu tư tài chính cho – nhận đã bị cơ quan chức năng bóc gỡ. Điển hình, vừa qua (đầu tháng 10/2016), Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) đã bắt giữ Trần Văn Hạnh (SN 1988, trú tại tỉnh Phú Thọ) và Phạm Văn Trường (SN 1987, trú tại tỉnh Quảng Ninh) để điều tra việc kinh doanh trái phép với hành vi nêu trên nhằm chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Theo đó, khoảng tháng 8/2016, Hạnh thuê Trường lập website gold889xxx và cùng nhau quảng cáo lôi kéo người tham gia “đầu tư tài chính”. Người chơi sau khi mua mã Pin với giá 150.000 đồng sẽ bắt đầu thực hiện quy trình cho - nhận tiền theo website hướng dẫn. Đến đầu tháng 10/2016, khi số tiền đã lớn, các đối tượng đã đánh sập website gold889xxx và xóa toàn bộ dữ liệu của khoảng 1.000 khách hàng tham gia. Tính đến thời điểm dừng hoạt động, các đối tượng đã chiếm dụng của các nạn nhân gần 3 tỷ đồng.

Nhóm tội phạm nêu trên không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó (tháng 5/2016), C50 đã bắt giữ Vũ Tuấn Ninh (SN 1986, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu nhóm lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Ninh đã lập website quảng cáo mô hình đầu tư tài chính cho - nhận với yêu cầu khách hàng “cho” tối thiểu 5 triệu đồng sẽ hưởng mức lãi 2%/ngày. Thời gian đầu, tạo sự tin tưởng và lôi kéo thêm khách hàng, Ninh trả tiền gốc, lãi đầy đủ. Sau không còn người chơi mới, Ninh đã mất khả năng thanh toán. Đến thời điểm bị bắt giữ, nhóm đối tượng Ninh đã huy động hơn 17 tỷ đồng của nhiều nạn nhân. Tại cơ quan công an, Ninh khai nhận đã dùng số tiền này để chi tiêu cá nhân và thanh toán cho một số khách hàng.

Đánh giá mức độ rủi ro của người dân khi tham gia hoạt động này, cơ quan công an cho biết: Các đối tượng lập website trên danh nghĩa đầu tư tài chính nhưng không đưa luồng tiền này vào sản xuất kinh doanh để tạo lợi nhuận. Việc kinh doanh chỉ đơn giản là lấy tiền của những người tham gia sau trả cho những người tham gia trước đó. Thời gian sau, càng phải cần số khách hàng mới nhiều hơn do thâm hụt của việc trả thêm tiền lãi cho người cũ. Khi không có người mới tham gia, hệ thống cho – nhận này sẽ sập và toàn bộ số tiền đang chờ nhận của khách hàng gần như không có khả năng lấy lại.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cam-bay-tu-dau-tu-tai-chinh-dang-da-cap-242657.html