Cấm ăn thịt chó có ngăn được trộm chó?

Các quan điểm vẫn cho rằng, cấm ăn thịt chó không ngăn chặn, hạn chế được tình trạng trộm chó...

Ăn thịt chó không liên quan tới trộm chó...

Mới đây, một luật sư đưa ra đề xuất nên luật hóa cấm ăn thịt chó để ngăn chặn nạn trộm chó. Quan điểm này không những gây tranh cãi gay gắt trong dư luận mà ngay cả giới luật sư, ĐBQH cũng không ủng hộ.

Trộm chó ngày càng manh động. Ảnh: VNE

Trộm chó ngày càng manh động. Ảnh: VNE

"Đề xuất trên không khả thi, bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, thịt chó cũng giống như các món ăn khác, là một trong những món ăn khoái khẩu của nhiều người.

Thứ hai, chó không nằm trong danh mục các loại động vật quý hiếm không được phép săn, bắt, ăn thịt.

Thứ ba, ăn thịt chó với trộm chó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Thịt chó là một loại thực phẩm liên quan tới văn hóa ăn uống của người dân. Còn trộm chó là hành vi vi phạm pháp luật, đe dọa tới các vấn đề về an ninh xã hội, trật tự đô thị, sự an toàn về tính mạng của người dân, cần phải xử lý nghiêm bằng luật. Vì thế, cấm ăn thịt chó không đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế được tình trạng trộm chó", LS Nguyễn Bá Ngọc, đoàn Bắc Giang nêu quan điểm.

Ông Ngọc cho hay, nếu muốn hạn chế người dân ăn thịt chó thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân dần thay đổi thói quen trong ăn uống hàng ngày, chọn lựa thực phẩm khác thay thế cho thịt chó chứ không phải là cấm.

Còn về hành vi trộm chó, theo vị LS cần thay đổi quy định trong xử lý với hành vi này. Ông Ngọc cho rằng, chó cũng là một tài sản của người dân, hành vi trộm chó cũng chính là hành vi trộm cắp trái phép tài sản của người khác, do đó, không những xử lý về mặt hành chính mà có thể xử lý về mặt hình sự nếu hành vi phạm tội gây nguy hiểm, đe dọa tới an toàn, tính mạng cho người khác.

"Không thể vì không xử lý được trộm chó mà lại quay sang cấm ăn thịt chó được. Trước đây người dân vẫn ăn thịt chó nhưng không thấy trộm chó, thậm chí còn ăn nhiều hơn cả bây giờ. Vấn đề là thực thi pháp luật, là phải xử lý thật nghiêm với những hành vi trộm cắp tài sản của người khác, có vậy mới đủ sức răn đe, mới hạn chế được trộm chó. Nếu thực thi pháp luật không nghiêm không những không ngăn chặn được tình trạng trộm chó mà còn dung dưỡng cho những hành vi trộm cắp khác", LS Nguyễn Bá Ngọc nói.

Từ nhìn nhận trên, vị LS cho rằng, thay vì cấm ăn thịt chó nên cấm uống rượu. Theo ông, uống rượu tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ cho bản thân và cả những người xung quanh, thậm chí các hành vi phạm tội, gây rối, tai nạn liên quan tới uống rượu xảy ra rất nhiều, cần phải cấm.

Khó khả thi

Nêu quan điểm từ góc độ nhà làm luật, ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy Ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, đề xuất luật hóa cấm ăn thịt chó chỉ là đề xuất mang tính cá nhân, chưa thật sự phù hợp với điều kiện hiện nay.

Ông Hòa thừa nhận, các đối tượng trộm chó ngày càng manh động, sử dụng nhiều vật dụng, vũ khí nguy hiểm không những gây bức xúc trong dư luận mà còn đe dọa tới an toàn, tính mạng của người dân. Thực tế, đã có vụ việc gây chết người do bị trộm chó tấn công.

Ông Hòa cho rằng, đó là những hành vi nguy hiểm, cần phải xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không phải xử lý hành chính nữa.

Theo ông Hòa muốn để người dân không ăn thịt chó thì cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cũng như công tác quản lý hành chính tại địa phương.

"Nếu trước đây, Hà Nội có nhiều quán thịt chó nổi tiếng, thậm chí có cả làng thịt chó thì bây giờ, muốn tìm được quán để ăn thịt chó ở Hà Nội cũng không dễ dàng gì. Đó là kết quả của quá trình vận động, tuyên truyền chứ không phải do cấm đoán.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước phải nâng cao, thường xuyên kiểm tra, quản lý các hàng quán, nới bán thịt chó, yêu cầu các chủ nhà hàng phải cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng. Nếu phát hiện hàng quán tiêu thụ chó trộm, chó không có nguồn gốc cần phải xử lý thật nghiêm, xử lý mạnh tay giống như xử lý với hành vi tiêu thụ hàng gian, hàng giả. Trong trường hợp này, chủ quán cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm liên đới, tiếp tay cho hành vi trộm cắp, tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, như vậy cũng sẽ giúp giảm đi đáng kể tình trạng trộm chó", ông Hòa nói.

Ông Hòa cho rằng, hiện nay không chỉ có trộm chó mà còn trộm rất nhiều tài sản khác, tuy nhiên, vì chó là thú cưng nên khi bị mất nên người dân thương xót hơn là mất đi một chiếc xe hay một đồ vật khác. Mặc dù vậy, khi đưa ra đề xuất luật hóa một quy định cũng cần phải nhìn vào điều kiện thực tế, quy định phải khả thi thì hiệu quả thực thi mới cao. "Với đề xuất này, nếu có đưa ra Quốc hội cũng khó nhận được sự đồng thuận", ông Hòa nói.

Thái Bình

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cam-an-thit-cho-co-ngan-duoc-trom-cho-3430144/