'Calibre' vũ khí đặc dị truy sát tàu ngầm...

Năm tới, những khinh hạm thuộc Dự án 22350 sẽ khiến các tàu ngầm NATO thêm đau đầu.

Trong ảnh: các cuộc thử nghiệm của khinh hạm "Đô đốc Kasatonov" ở biển Barents (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga / TASS)

Trong ảnh: các cuộc thử nghiệm của khinh hạm "Đô đốc Kasatonov" ở biển Barents (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga / TASS)

Một nguồn tin trong bộ quốc phòng Nga tiết lộ rằng các khinh hạm mới nhất của Đề án 22350 “Đô đốc Gorshkov” sẽ được trang bị vũ khí tiên tiến không chỉ có khả năng tự bảo vệ khỏi các cuộc tấn công của tàu ngầm đối phương mà còn cho phép săn tàu ngầm hiệu quả.

Sự phát triển của loại vũ khí này - tên lửa dẫn đường chống tàu ngầm (PLUR) - đã được biết đến từ khá lâu. Nhưng hiện giờ dự án "Đáp trả", do Viện Nghiên cứu Khoa học Trung ương "Gidropribor" thực hiện, đã bước vào giai đoạn kết thúc.

Việc sản xuất thử nghiệm tên lửa đã được đưa ra từ hồi mùa hè. Và hai tuần trước, vụ bắn đạn thật đã diễn ra trên tàu khu trục "Đô đốc Kasatonov" trong vùng Biển Barents.

Các bài kiểm tra cấp nhà nước sẽ kết thúc vào năm nay. Sau đó, tổ hợp này sẽ được tiếp nhận và trang bị các tên lửa chống ngầm cho “Đô đốc Gorshkov” và "Đô đốc Kasatonov". Các khinh hạm còn lại của Đề án 22350 vẫn còn đang được tiếp tục xây dựng.

Được biết đây là loại tên lửa 91R1, thuộc dòng tên lửa hành trình “Calibre”. Tầm bay của nó là 50 km. Sau khi vượt qua khoảng cách này, tên lửa sẽ phóng ra một quả ngư lôi nhỏ, bắt đầu cuộc săn tìm tàu ngầm.

Lần đầu tiên, loại vũ khí này được trưng bày tại một triển lãm quốc tế ở Singapore vào năm 1999. Nhưng, lúc đầu sản phẩm chỉ nhằm mục đích xuất khẩu. Sau đó, phiên bản Nga mới xuất hiện. Những đó là loại tên lửa - ngư lôi không phải trang bị cho tàu mặt nước mà là cho tàu ngầm.

Sau đó, xuất hiện một ý tưởng hoàn toàn tự nhiên là trang bị tên lửa này cho các tàu mặt nước. Công việc này được thực hiện bởi Viện nghiên cứu trung ương "Gidropribor" và Viện nghiên cứu trung ương "Electropribor".

Đồng thời, tên lửa của Phòng thiết kế “Novator”, vốn là tên lửa mang ngư lôi, vẫn được giữ nguyên. Việc hiện đại hóa chỉ liên quan đến ngư lôi.

Và bây giờ mọi thứ gần như đã sẵn sàng. Tính hiệu quả của loại vũ khí này được chứng minh bằng khả năng bắn trúng con tàu đối phương bằng một loạt 4 tên lửa, đạt 0,9. Thực ra, đây chỉ là con số được tính toán chứ không phải thu được bằng thực nghiệm.

Tên lửa nhận được tọa độ vị trí của tàu ngầm từ trạm thủy âm của tàu, hoặc từ nguồn bên ngoài như tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay chống tàu ngầm hoặc trực thăng.

Hành trình bay của tên lửa hai tầng đến khu vực có tàu ngầm đối phương với tốc độ 2,5 M được thực hiện dưới sự điều khiển của hệ thống quán tính. Khi đến được vị trí của tàu ngầm, tên lửa bắn ra một quả ngư lôi cỡ nhỏ được thả bằng dù xuống nước.

Sau đó, ngư lôi di chuyển theo hình xoắn ốc, bắt đầu tìm kiếm tàu ngầm bằng cách sử dụng đầu tự dẫn thủy âm. Trong trường hợp này, vì mục đích tàng hình tối đa, động cơ ngư lôi không bật.

Sau khi phát hiện mục tiêu, ngư lôi mới khởi động động cơ và tiếp cận chiếc tàu ngầm bị tấn công với tốc độ tối đa.

Điều khá dễ hiểu là đặc điểm của các loại vũ khí mới thường không được tiết lộ đầy đủ. Hoặc chúng cố tình bị bóp méo nhằm đánh lừa đối thủ. Ví dụ, có báo cáo rằng phạm vi của thủy lôi tìm kiếm là 2 km.

Một nguồn tin trong bộ quốc phòng cho biết trạm thủy âm gắn với PLUR được lắp đặt trên tàu không chỉ có khả năng phát hiện một tàu ngầm ở khoảng cách 100 km, mà còn có thể xác định đó là loại tàu gì và tọa độ chính xác của nó.

Có ý kiến cho rằng PLUR sẽ bảo vệ các khinh hạm tránh bị tàu ngầm tấn công, vì nó sẽ không cho phép tàu ngầm đạt khoảng cách tấn công bằng ngư lôi. Điều này chỉ đúng một phần, vì tầm bắn tối đa của tên lửa là 50 km.

Nhưng ngư lôi Mk 48 của Mỹ có tầm đi tối đa là 50 km. Và ở châu Âu cũng có nhiều ngư lôi đi xa hơn. Ví dụ, ngư lôi SeaHake Mod 4 ER của Đức có tầm bắn vượt quá 100 km.

Tình huống phát hiện tàu ngầm không rõ ràng. Bởi thế một cuộc chạm trán của tàu ngầm hạt nhân có tiếng ồn thấp nhất như "Seawulf" với các tàu khu trục trang bị PLUR có thể sẽ kết thúc hết sức rắc rối.

Sẽ rất tốt nếu trực thăng chống ngầm Ka-27, nằm trong thành phần trang bị cho các tàu thuộc Đề án 22350 phát hiện ra "Seawulf" ở khoảng cách từ xa.

Nhưng có thể khẳng định chắc chắn một điều là tên lửa chống ngầm sẽ làm tăng đáng kể độ an toàn của tàu. Và ngay cả những tổ hợp quân sự phức tạp nhất cũng không thể nào có được sự an toàn tuyệt đối.

Liên hiệp sản xuất “Splav” Tula đã phát triển và sản xuất tổ hợp RPK-8 “Zapad” với các tên lửa 90R1, có nguyên lý hoạt động tương tự trên mặt nước. Tên lửa sẽ bay đến vị trí phát hiện tàu ngầm đối phương, sau đó một "quả đạn trọng lực" sẽ tách khỏi nó và lao xuống nước nhờ dù.

Quả đạn đó chính là một quả ngư lôi, nhưng không có động cơ. Nó sẽ di chuyển theo hình xoắn ốc với tốc độ 20 m / s và tìm kiếm mục tiêu với sự hỗ trợ của radar thủy âm, duy trì hướng tới mục tiêu với sự trợ giúp của bánh lái.

Quả đạn được trang bị ngòi nổ cảm ứng từ xa. Nghĩa là, chỉ cần đi ngang qua tàu ngầm ở một khoảng cách ngắn, nó cũng sẽ phát huy tác dụng. Đây sẽ là "Thần chết thầm lặng dưới nước".

RPK-8 được trang bị thêm một loại đạn nữa cũng được phóng từ bệ phóng RBU-6000 12 nòng. Đó là tên lửa “Magnezit-MN”, được thiết kế để tạo ra các mục tiêu giả bằng cách tạo ra các tín hiệu âm thanh, phổ của những tín hiệu này cũng giống như tiếng ồn của tàu mặt nước.

Sau khi rơi xuống nước, quả đạn chìm xuống độ sâu 25 mét và sẽ gây nhiễu trong vòng 8 phút, đó là khoảng thời gian đủ để chống lại một cuộc tấn công bằng ngư lôi.

Nó có thể hoạt động ở hai chế độ - như là một thiết bị gây nhiễu cho đầu tự dẫn của ngư lôi đối phương hoặc như một bộ mô phỏng tín hiệu âm thanh đặc trưng của tàu mặt nước.

Trong trường hợp gây nhiễu, nó làm cho ngư lôi đối phương mất định hướng, còn trong trường hợp thứ hai, làm cho ngư lôi của đối phương lao vào mục tiêu giả, tức là quả đạn “Magnezit-MN”.

Tất Thịnh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/calibre-vu-khi-dac-di-truy-sat-tau-ngam-3421998/