'Cái tôi' đáng quý của Trần Hậu Yên Thế

Nghe danh và ngưỡng mộ họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đã lâu nhưng đến nay tôi mới có dịp tiếp xúc nhiều với anh qua chuyến đi công tác Ninh Bình. Mới gặp Trần Hậu Yên Thế người ta thường dễ võ đoán anh là một môn đồ thiền phái nào đó.

Để rồi, qua câu chuyện, nhiều người mới bất ngờ bởi tính cách sôi nổi, hiểu biết phong phú trong lĩnh vực mỹ thuật của anh. Anh là người đi nhiều, đọc nhiều, viết nhiều và thậm chí cũng nói nhiều-trên cương vị diễn giả.

Giảng viên, họa sĩ, tiến sĩ Trần Hậu Yên Thế sinh năm 1970, công tác tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh là tác giả của những cuốn sách nghiên cứu mỹ thuật, di sản văn hóa, như: "Dịch đồ-cách tiếp cận từ thị giác", "Đồ án trang trí mỹ thuật ở đền Vua Đinh-Lê", "Song xưa phố cũ"... Anh được giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội năm 2014 cho cuốn "Song xưa phố cũ". Xem cuốn sách này, người ta phần nào hiểu được tính cách anh, cái tính cách có “cái tôi” hơi nhiều.

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế trong vai trò diễn giả tại đợt khảo sát các di tích của Bộ VHTTDL ở tỉnh Ninh Bình, năm 2017.

Quê gốc ở Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, anh như người chịu ơn đất này. Anh trả cái ơn đó bằng một tình yêu tha thiết. Và anh không thể chịu nổi, không thể chấp nhận bất cứ thứ gì làm xấu đi thành phố anh yêu quý. Anh rong ruổi khắp các con phố, ngõ nhỏ của Hà Nội để chụp ảnh, ghi chép, phác họa hình ảnh Hà Nội. Tháng 12-2013, cuốn sách "Song xưa phố cũ" ra mắt độc giả và gây tiếng vang lớn.

Bên cạnh lĩnh vực mỹ thuật đương đại, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế còn thể hiện một tình yêu lớn dành cho mỹ thuật cổ của dân tộc. Anh đã có nhiều nghiên cứu lý luận mỹ thuật về điêu khắc dân gian, nhất là các biểu tượng quen thuộc nơi đình, chùa, đền, như: Con rồng, con nghê… Đầu năm 2018, cuốn sách "Phác họa Nghê-gã linh vật bên rìa" của nhóm tác giả Trần Hậu Yên Thế (chủ biên), Nguyễn Đức Hòa, Hồ Hữu Long ra mắt và nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả. Cuốn sách đầy ắp tư liệu, hình ảnh và phần chú giải ngắn gọn về hình tượng con nghê-một linh vật thuần Việt.

Tâm sự về cuốn sách mới xuất bản này, anh nói: “Khoảng 10 năm trước, tôi cùng nhóm Enter Việt Nam tập trung khảo sát, nghiên cứu đồ án hoa văn trang trí tại đền Vua Đinh, Vua Lê. Các con linh vật ở đền Vua Đinh, Vua Lê rất phong phú. Nhiều con vật có tính huyền thoại, như: Rồng, phượng, kỳ lân...; nhiều con vật thật, như: Voi, ngựa, chim… Trong quá trình nghiên cứu, đo đạc, vẽ ở đây, tôi ngấm và say mê hình tượng con nghê. Con nghê đá đền Vua Đinh rất đặc biệt, nó biểu đạt nhiều sắc thái phong phú, đa dạng; vừa gần gũi tình cảm vừa thiêng liêng, oai mãnh”.

Nghiên cứu của nhóm Trần Hậu Yên Thế có thể nói là kỹ nhất từ trước tới nay đối với một đối tượng là một linh vật của mỹ thuật cổ Việt Nam. Số lượng lên đến hàng nghìn bức phác thảo được so sánh, đối chiếu với nhiều vùng văn hóa khác, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Đây là tài liệu quý cho việc khẳng định giá trị của linh vật thuần Việt nhằm đẩy lùi làn sóng “xâm thực” của những linh vật ngoại vào văn hóa Việt.

Mười năm đã trôi qua kể từ ngày những trang viết đầu tiên của cuốn sách “Phác thảo Nghê-Gã linh vật bên rìa” được chắp bút, những khó khăn đã lùi, nhận thức của người dân về linh vật dần đúng đắn. Đến giờ này chúng tôi rất muốn họa sĩ Trần Hậu Yên Thế sửa lại tựa sách để hình tượng con nghê không còn ngồi bên rìa nữa, mà ngay chính giữa của tâm thức dân gian về linh vật, linh khí Việt Nam.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/cai-toi-dang-quy-cua-tran-hau-yen-the-556082