Cải tổ WTO: Ngưỡng cửa lớn đã mở

Quyết tâm cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã được cộng đồng quốc tế thể hiện không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa rút khỏi tổ chức này. Thế giới, có lẽ, đã nhìn thấy những bất cập trong hoạt động của thiết chế thương mại lớn nhất thế giới, chứ không đơn thuần hành động chỉ vì lời đe dọa của Mỹ.

Cuộc họp bổ trưởng G20 tại Argentina đã cùng nhất trí về cải tổ WTO. Ảnh: New York Times.

Cuộc họp bổ trưởng G20 tại Argentina đã cùng nhất trí về cải tổ WTO. Ảnh: New York Times.

Khi ông lớn đồng thuận

Sau rất nhiều tranh cãi, cuối cùng đã có một nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm thay đổi cách thức hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hôm 14/9, các nước thành viên nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) cùng đi tới kết luận nhằm thúc đẩy việc cải tổ WTO. Động thái này diễn ra trong khuôn khổ cuộc họp các Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư của nhóm diễn ra tại thành phố Mar del Plata của Argentina.

Phát biểu trong cuộc họp báo sau phiên họp, Ngoại trưởng Argentina Jorge Faurie cho biết tất cả các nước thống nhất rằng vấn đề quan trọng và cấp bách nhất hiện nay là cần phải tìm kiếm biện pháp giúp WTO có thể đáp ứng tốt hơn trước những thách thức mà thương mại đang phải đối mặt.

Tại cuộc gặp này, các đại diện của G20 đã trình bày quan điểm về những yếu tố cần thiết nhất đối với thương mại quốc tế để có thể thực thi được kế hoạch cải tổ, những vấn đề gì cần phải đổi mới và những gì cần phải tiếp tục được phát huy.

Trong văn kiện cuối cùng của kỳ họp, G20 nhấn mạnh vai trò của cơ chế hợp tác này như là một nền tảng cho đối thoại chính trị giữa các nước thành viên, đồng thời chỉ rõ sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực để bảo đảm rằng nguồn lợi từ thương mại và đầu tư quốc tế được tất cả cùng chia sẻ.

Các nước thành viên G20 cũng thừa nhận sự cần thiết phải thảo luận về phát triển thương mại quốc tế và cách thức để cải thiện WTO trước những thách thức hiện tại và tương lai.

Như vậy, đây là lần đầu tiên người ta thấy Mỹ thể hiện sự nhất trí về mức độ cấp bách phải hiện đại hóa WTO. Cái “gật đầu” của Washington là “điều kiện đủ” để giúp G20 có thể đưa ra được một tuyên bố cấp bộ trưởng - điều mà trong năm nay nhóm này chưa thể làm được.

Và giờ là thời điểm cho những hoạt động cải cách thực sự. Quốc vụ khanh Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne cho biết thách thức hiện này là cần phải xây dựng được các qui tắc, cơ chế giám sát để đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc này, đồng thời các cơ quan trọng tài hoạt động một cách nhanh hơn.

WTO thuộc về ai?

Từ khi được thành lập vào năm 1995 đến nay, WTO luôn được coi là thành trì bảo vệ tự do và công bằng trong thương mại giữa các quốc gia. Vai trò của WTO là không thể phủ nhận, với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp. Nhưng sau gần 3 thập kỷ, vị thế của WTO đang bị suy giảm, các quy định của tổ chức này dường như trở nên lỗi thời.

Những biểu hiện thời gian qua của thương mại quốc tế càng củng cố thêm nhận định này, khi các nước lớn thay nhau tìm cách bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, chứ không phải là tôn trọng những “khuân vàng thước ngọc” của thế giới.

Mỹ đã áp thuế hàng trăm tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Việc Mỹ khơi mào và dẫn dắt cuộc chiến thương mại toàn cầu hiện nay là tiêu biểu của xu hướng đáng quan ngại này. Những hành động mạnh bạo của chính quyền Tổng thống Donald Trump được xem là động thái qua mặt WTO, nói cách khác là vô hiệu hóa các quy định về thương mại tự do thương mại mà WTO là đại diện.

Những bước đi gây hấn của chính quyền Mỹ đã biến WTO trở thành nhân vật bất đắc dĩ phải đứng ngoài cuộc chơi mà đáng ra tổ chức này phải đóng vai trò lãnh đạo và điều phối.

Nó đặt ra một tiền lệ nguy hiểm là từ giờ bất cứ thành viên nào khác cũng có thể đương nhiên xé bỏ cam kết với WTO với lời biện hộ “bảo vệ lợi ích quốc gia” như Mỹ đã và đang làm.

Nhưng trước khi trách cứ Tổng thống Donald Trump về cách làm “một mình một chợ” của ông, cũng cần phải thừa nhận WTO đã bị Trung Quốc tận dụng và vô hiệu hóa trong một thời gian dài. Và đó chính là vấn đề với tổ chức này.

Năm 2001, khi Trung Quốc gia nhập WTO, thế giới kỳ vọng vào những cơ hội tiếp cận thị trường đông dân nhất cũng như sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ chế của Trung Quốc. Nhưng nay, thế giới đều đi tới chung một nhận định, các thiết chế thương mại đã thất bại trong nỗ lực đưa Trung Quốc hội nhập với nền kinh tế thế giới cũng như thúc đẩy nước này tôn trọng các giá trị thị trường tự do.

Các nước phương Tây cho rằng, Trung Quốc đã làm biến dạng thương mại toàn cầu ở một quy mô lớn hơn cả các biện pháp như bán phá giá hay trợ cấp. Và trên thực tế, Trung Quốc chưa thực sự tuân thủ hoàn toàn các nguyên tắc WTO về thị trường tự do và nước này ngày càng xa rời các nguyên tắc thị trường trong những năm gần đây.

Vấn đề càng trầm trọng hơn khi Trung Quốc muốn thoát khỏi cái mác “công xưởng của thế giới” và vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bắc Kinh được cho là đã sử dụng các chính sách khuyến khích, hướng dẫn và ủng hộ doanh nghiệp trong nước, đồng thời ngăn cản, gây bất lợi hoặc tổn hại cho các công ty nước ngoài.

Cách thức ép buộc đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ để đổi lại quyền tiếp cận thị trường nước này chính là lý do đẩy nước Mỹ tới hành động trừng phạt bằng thuế hiện tại.

WTO cần làm gì?

Vấn đề hiện tại là WTO đang “đứng đâu” giữa những đòn trả đũa thương mại ngày càng tăng cấp độ và cường độ này. Nếu không hành động, WTO sẽ tự động mất dần giá trị là diễn đàn để giải quyết các tranh chấp thương mại và là nơi để đặt ra các luật lệ cho giao thương quốc tế.

Thế giới trong viễn cảnh đó sẽ thực sự là một thảm họa khi các giá trị bị xóa bỏ, nơi các quốc gia hành động dựa trên ý chí của kẻ mạnh.

Vai trò, thậm chí cả sự tồn tại của WTO đang bị thử thách. Ảnh: Getty Images

WTO sẽ phải cải tổ để trở lại với vị trí của mình đáng ra phải có. Những điều chỉnh về các quy định, luật lệ cũng như cơ chế vận hành để phù hợp với tình hình mới là điều bắt buộc.

Nhưng định hướng phía trước sẽ còn là vấn đề đáng bàn. Mới đây, một nhóm tư vấn độc lập đã lần đầu tiên nói về việc cần phải loại bỏ cơ chế đồng thuận của WTO - một cơ chế vốn giúp các nước nhỏ có được lá phiếu tương đương với các cường quốc kinh tế.

Cũng có ý kiến giải quyết thế bế tắc hiện tại của Cơ quan phúc thẩm như kéo dài thời hạn phục vụ của các thẩm phán... Chắc chắn những thay đổi sắp tới sẽ động chạm tới những yếu tố nền tảng cốt lõi bên trong của WTO bởi thế, đó sẽ là một cuộc đụng độ không khoan nhượng phía trước.

Thanh Sơn

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/cai-to-wto-nguong-cua-lon-da-mo-215072.html