Cải tổ từ 'chóp bu', Tổng thống Putin đang suy tính những gì?

Ngày 15/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất sửa đổi Hiến pháp, khởi động cuộc cải tổ đầy bất ngờ, khiến cả Chính phủ của 'đồng minh lâu năm' Dmitry Medvedev từ chức. Ông Putin đang suy tín điều gì?

Tổng thống Putin đang suy tính những gì? (Nguồn: ABC News)

Tại sao Thủ tướng Medvedev phải từ chức?

Ông Medvedev vốn là một đồng minh thân cận của ông Putin, đã đảm nhận chức vụ Thủ tướng Nga từ năm 2012. Trước đó, ông đã có 4 năm làm Tổng thống, từ 2008-2012.

Sau khi Tổng thống Putin đọc thông điệp liên bang, ông Medvedev đã đệ đơn từ chức. Cùng với đó, Thủ tướng Medvedev cũng nói rằng, theo Điều 117 của Hiến pháp Liên bang Nga, Chính phủ của ông đã đệ đơn từ chức nhằm phục vụ cho Tổng thống Putin thực hiện những sửa đổi cần thiết.

Đây là lần thứ 3 trong thời đại Putin diễn ra việc thay đổi ban lãnh đạo chủ chốt một cách bất ngờ từ vị trí chóp bu. Lần đầu tiên là việc Putin lên nắm quyền khi ông trở thành quyền tổng thống sau khi Boris Yeltsin bất ngờ từ chức năm 1999.

Lần thứ hai là vào năm 2007, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông Putin sắp kết thúc, ông đã bổ nhiệm Medvedev thay thế mình, còn ông trở thành thủ tướng, một động thái mà giới chỉ trích miêu tả là sự "soán ngôi" để không phải tiến hành bầu cử. Trong thời kỳ ông Medvedev giữ cương vị tổng thống Nga, ông Putin vẫn là người ra quyết định chính.

Dưới thời Tổng thống Medvedev, Hiến pháp đã được sửa đổi để kéo dài nhiệm kỳ của tổng thống từ 4 năm lên 6 năm mặc dù vẫn giới hạn tổng thống chỉ nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Khi ông Medvedev từ chức để tạo điều kiện cho ông Putin quay lại vị trí tổng thống, các cuộc biểu tình quy mô lớn đã xảy ra ở Moscow từ năm 2011-2012, tạo ra thách thức không nhỏ đối với Điện Kremlin. Một số cộng sự của ông Putin cho rằng, các trợ lý của ông Medvedev đã kích động các cuộc biểu tình này.

Theo ông Putin, việc sửa đổi hiến pháp lần này nhằm cho phép giới nghị sĩ đề cử cương vị thủ tướng và thành phần nội các thay thế cho Tổng thống hiện đang làm nhiệm vụ này. Việc này sẽ giúp tăng cường vai trò của Quốc hội và các đảng chính trị, quyền lực và sự độc lập của thủ tướng và các thành viên nội các. Ông Putin cũng cho rằng, Nga sẽ vẫn duy trì sự ổn định nếu được quản lý bởi một hệ thống nghị viện.

Cũng theo người đứng đầu nước Nga, tổng thống sẽ vẫn có quyền sa thải thủ tướng, các bộ trưởng và chỉ định những quan chức an ninh và quốc phòng, cũng như chịu trách nhiệm điều hành quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật của Nga.

Vài giờ sau một loạt động thái trên, Tổng thống Putin đã đề cử được Thủ tướng mới - ông Mikhail Mishustin, người đứng đầu Cơ quan Thuế liên bang Nga.

Hạ viện sẽ thông qua việc đề cử ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng Nga thay thế ông Medvedev. Mặc dù nổi danh là người có công hiện đại hóa hệ thống thuế quan của Nga, song ông Mishustin không có kinh nghiệm chính trị.

Giới phân tích đồn đoán rằng, Tổng thống Putin có thể sẽ tìm cách tại nhiệm bằng cách hoán đổi vị trí thủ tướng một lần nữa sau khi gia tăng sức mạnh của Quốc hội và nội các cũng như giảm bớt quyền lực của Tổng thống.

Nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin cho rằng, ông Putin đang cân nhắc việc đảm nhiệm vai trò thủ tướng. Theo nhà phân tích này, ông Putin đang đi theo hướng duy trì quyền lực của ông với tư cách là một thủ tướng có tầm ảnh hưởng và sức mạnh lớn hơn, còn vị trí tổng thống sẽ chỉ mang tính "trang trí".

Ý đồ của Tổng thống là gì?

Ông Putin, người đã tại nhiệm lâu hơn bất kỳ lãnh đạo nào của Nga hay Liên Xô kể từ thời ông Josef Stalin (1924-1953) sẽ buộc phải kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 2024 theo luật định.

Những cải cách hiến pháp mà ông Putin đề xuất cho thấy, ông đang tìm cách tạo ra một vị trí quản lý mới cho mình sau khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc, mặc dù những thay đổi được đề xuất không bộc lộ rõ ngay lập tức cách ông sẽ thực hiện để duy trì quyền lực.

Bình luận trên Twitter, ông Alexei Navalny - thủ lĩnh phe đối lập nổi bật nhất của Nga - cho rằng, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin thể hiện mong muốn của ông tiếp tục là người "cầm trịch" sau khi hết nhiệm kỳ.

Trong khi đó, AP dẫn lời nhà phân tích độc lập Masha Lipman: "Mục tiêu đối với chế độ là giữ vững ổn định, còn đối với Putin là duy trì quyền lực và vẫn là một chính trị gia quan trọng nhất của Nga, một người ra quyết định cuối cùng và một nhà lãnh đạo không thể bị thách thức như ông đã làm trong 20 năm qua".

Tuy ông Medvedev đã từ chức Thủ tướng, Tổng thống Putin vẫn giữ đồng minh lâu đời này trong cơ cấu ban lãnh đạo của Điện Kremlin bằng cách bổ nhiệm ông đảm nhiệm một vị trí mới được thành lập là Phó Giám đốc Hội đồng An ninh trực thuộc Tổng thống.

Politico dẫn đánh giá của ông Georgy Satarov, cựu phụ tá của cựu Tổng thống Boris Yeltsin, cũng là một trong những tác giả của Hiến pháp Nga hiện tại rằng, việc bổ nhiệm ngay lập tức ông Medvedev vào vị trí mới trong Hội đồng An ninh cho phép ông Putin có thể giám sát những người đứng đầu các cơ quan quân sự và an ninh Nga, đứng đầu là Tổng thống sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ.

Cũng trong Thông điệp Liên bang lần này, Tổng thống Putin nói rằng, Hiến pháp Nga cần quy định rõ quyền lực của Hội đồng Nhà nước, vốn bao gồm các thống đốc khu vực và các giới chức liên bang hàng đầu.

Theo nhận định của ông Tatiana Stanovaya, thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, dường như ông Putin có thể tiếp tục đóng vai trò "giật dây" với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước và thậm chí có thể chuyển sang một vị trí mới trước khi kết thúc nhiệm kỳ.

Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Kirill Rogov cho rằng, Tổng thống Putin có ý định duy trì quyền lực, đồng thời tái phân phối quyền lực giữa các nhánh chính phủ khác nhau. Một mô hình như vậy, vốn giống với mô hình của Trung Quốc, sẽ cho phép oong Putin nắm vai trò lãnh đạo đến suốt đời, đồng thời kích động sự ganh đua giữa những người kế nhiệm tiềm năng.

Thế Việt

(theo AP)

Thế Việt

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cai-to-tu-chop-bu-tong-thong-putin-dang-suy-tinh-nhung-gi-107860.html