Cải tổ ngay hoạt động của xe buýt

Trước hàng loạt vấn đề đang tồn tại của hoạt động xe buýt TPHCM, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, chính quyền thành phố cần phải tổng rà soát lại toàn bộ hoạt động xe buýt và mạnh dạn cải tổ một cách mạnh mẽ thì mới mong xe buýt thành phố thu hút hành khách, tiến tới thay thế xe cá nhân và góp phần giải quyết nạn kẹt xe.

Xe buýt tại TPHCM. Ảnh: Internet.

Đột phá thay đổi hình thức quản lý điều hành

PGS-TS Phạm Xuân Mai - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TPHCM (người từng tham gia xây dựng đề án phát triển hệ thống vận tải công cộng TPHCM) - cho rằng, giải pháp mang tính đột phá là cần mạnh dạn thay đổi hoàn toàn hệ thống và quản lý điều hành xe buýt hiện nay (do Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở GTVT TPHCM đảm nhận - PV) sang hình thức các tập đoàn tư nhân hay cổ phần nhà nước có tư nhân tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Những đơn vị này cùng hệ thống giao thông công cộng (GTCC) sẽ được tổ chức theo mô hình chính quyền giao thông đô thị (PTA). Từ đó sẽ dẫn đến sự thay đổi một loạt các hoạt động xe buýt như mạng lưới, luồng tuyến, dịch vụ, vé thông minh, đội xe mới, sức thu hút khách và giảm thiểu được trợ giá cho xe buýt...

Theo ông Mai, sự hình thành PTA là cần thiết để đảm bảo sự liên kết hợp tác vận tải đa phương thức (buýt - metro - tramway-RED…) về cơ sở vật chất hạ tầng. PTA sẽ thay mặt thành phố sở hữu tài sản, lập kế hoạch đầu tư, lập kế hoạch dịch vụ, đấu thầu cung cấp dịch vụ, thiết lập các tiêu chuẩn, quy định và quyết định giá vé.

Theo ông Mai, TPHCM có thể thực hiện trong thời gian ngắn từ nay đến 2020 với kinh phí hoàn toàn có thể do TPHCM tự lo được theo phương thức PPP chứ không cần phải vay vốn nước ngoài hay chờ đợi ngân sách từ Trung ương.

Tuy nhiên, để làm được điều trên, chính quyền thành phố cần tạo dựng được cơ chế đặc thù cho sự phát triển GTCC liên quan đến PTA, PPP…

Nâng cấp các HTX thành Cty xe buýt chuyên nghiệp

TS Lương Hoài Nam cho rằng, cần nâng cấp các HTX xe buýt hiện có thành các công ty xe buýt chuyên nghiệp, có đội xe đủ lớn, năng lực vốn quản trị, điều hành tốt.

Chẳng hạn, cả 5 công ty xe buýt ở Hồng Kông (Trung Quốc) đều là tư nhân và không được trợ giá, thậm chí còn phải trả tiền nhượng quyền khai thác cho chính quyền. Khi có lộ trình hạn chế xe máy, có hệ thống hạ tầng bến, làn buýt phù hợp và quyền quyết định giá vé thì việc đầu tư kinh doanh xe buýt sẽ có lãi.

Khi đó, chính quyền có thể trợ giá xe buýt trực tiếp cho các đối tượng người dân có thu nhập thấp thay vì trợ giá, bù lỗ cho nhà khai thác vận tải xe buýt như cách làm lâu nay.

Trợ giá trực tiếp cho hành khách

Theo GS-TS Nguyễn Thị Cành (Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM), trợ giá xe buýt nếu, “chạy” theo chi phí của doanh nghiệp để bù chi phí cao thì sẽ không khuyến khích doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, đồng thời không công bằng với những đơn vị đảm nhận các tuyến không có trợ giá.

Giải pháp lâu dài là cần trợ giá trực tiếp cho hành khách chứ không gián tiếp thông qua các doanh nghiệp vận tải xe buýt như hiện nay.

Làm ngay làn đường ưu tiên, dành riêng cho xe buýt

Luật sư Trần Quốc Minh (Đoàn luật sư TPHCM) cho rằng, một yếu tố quan trọng khiến người dân chưa hào hứng đi xe buýt hiện nay đó là tình trạng xe buýt bị chậm giờ, trễ chuyến.

Để giải quyết vấn đề này, ngoài cải tạo lại luồng tuyến cho phù hợp, thành phố cần bắt tay làm ngay những làn đường ưu tiên hoặc dành riêng cho xe buýt. Khi có làn đường ưu tiên, dành riêng thì xe buýt mới hoạt động thông thoáng, đảm bảo chạy đúng giờ, đúng lộ trình và khi đó sẽ thu hút được người dân, học sinh, cán bộ công chức đi làm, đi học bằng xe buýt.

“Muốn khách đi xe buýt mà không có đường ưu tiên, thì làm sao kêu gọi người dân bỏ xe máy đi xe buýt được” - luật sư Minh chia sẻ.

MINH QUÂN - HUYỀN TRÂN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-thong/cai-to-ngay-hoat-dong-cua-xe-buyt-638743.ldo