Cải tổ Liên hiệp quốc: Cần hay không quyền phủ quyết?

Trong hai ngày 1 và 2-2, vòng đàm phán mới về cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) đã khởi động dưới sự chủ trì của 2 chủ tọa mới, trong bối cảnh Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Miroslav Lajcak hối thúc các nước thành viên phá bỏ những khuôn mẫu cũ để có thể đạt được tiến triển trong vấn đề gây tranh cãi này.

 Phiên họp của HĐBA LHQ

Phiên họp của HĐBA LHQ

Cần thay đổi

Ông M.Lajcak nêu rõ: “HĐBA LHQ đã được thành lập cách đây hơn 70 năm và từ đó đến nay thế giới đã thay đổi quá nhiều. Trong suốt các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm qua, không ai đặt câu hỏi về sự cần thiết phải cải tổ, và đó chính là lý do chúng ta cần có một tiến trình đáng tin cậy để hướng tới một kết quả thực chất”.

Mặc dù cộng đồng quốc tế nhất trí rằng HĐBA LHQ gồm 15 nước thành viên cần phải được cơ cấu lại từ thể thức hiện nay gồm 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực được bầu nhiệm kỳ 2 năm, song các quốc gia có những quan điểm khác nhau về cách thức xúc tiến. Nhóm G4 (gồm Nhật Bản, Đức, Ấn Độ và Brazil) muốn có ghế thường trực trong HĐBA trong khi những nhóm khác, chẳng hạn như Nhóm đoàn kết để đồng thuận, muốn mở rộng số thành viên không thường trực. G4 đang kêu gọi các nước thành viên LHQ thống nhất về một văn bản có thể được dùng làm cơ sở cho các cuộc đàm phán trong tương lai. Thay mặt G4, Đại sứ Đức Christoph Heusgen nói: “Chúng ta cần đưa ra một văn bản có thể đàm phán được, một văn bản bao hàm một cách thỏa đáng mọi quan điểm đã được bày tỏ”. Trong khi đó, Italia và một số quốc gia như Pakistan và Hàn Quốc trong Nhóm đoàn kết để đồng thuận lại phản đối ý tưởng của G4.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng kêu gọi cải cách rộng rãi LHQ với sự đồng thuận cao và cho rằng Nga ủng hộ “một HĐBA mang tính đại diện hơn nhưng tính hiệu quả và khả năng phản ứng nhanh chóng không bị ảnh hưởng”. Theo Itar-Tass, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzya cho rằng số lượng các thành viên của HĐBA LHQ vẫn còn tương đối nhỏ. Theo ông, để đảm bảo đáp ứng đầy đủ và kịp thời cho những thách thức đang nổi lên, số lượng thành viên nên là trên 20.

Kêu gọi “sự cân bằng quyền lực”

Cũng theo Đại sứ Nebenzya, Mátxcơva phản đối “bất kỳ ý tưởng vi phạm quyền hạn của các thành viên thường trực hiện tại, bao gồm cả quyền phủ quyết”. Ông nói: “Nên nhớ rằng HĐBA LHQ không phải là một đặc ân, đó là một công cụ, một yếu tố quan trọng khuyến khích các thành viên của hội đồng tìm kiếm các giải pháp cân bằng”.

Tuy nhiên, trái với quan điểm của Đại sứ Nga, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Jazeera, ông M.Lajcak cho rằng LHQ vẫn là nơi tốt nhất để duy trì hòa bình thế giới nhưng cải cách LHQ, đặc biệt là HĐBA LHQ là cần thiết. Theo ông M.Lajcak, quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực HĐBA LHQ tạo ra sự mất cân bằng quyền lực. “Cơ cấu của HĐBA LHQ không còn phù hợp với tình hình thế giới thế kỷ 21, vì cơ quan này hình thành từ thực tế năm 1945”, ông M.Lajcak nói. Ông M.Lajcak dẫn chứng quyền phủ quyết gần đây nhất là Mỹ sử dụng để phủ quyết nghị quyết của Đại hội đồng LHQ (được 128 thành viên Đại hội đồng bỏ phiếu thuận) phản đối Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, yêu cầu Israel và Palestine đàm phán giải quyết vấn đề này. Vì vậy, theo ông M.Lajcak, cơ chế đa phương là cần thiết, như Đại hội đồng LHQ không có quyền phủ quyết.

Theo AP, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi thiết lập “sự cân bằng quyền lực” trong HĐBA LHQ để làm cho thế giới “dân chủ” hơn. “Chúng tôi chia sẻ cùng một mối quan tâm về một LHQ với quyền lực được phân chia theo một cách cân bằng hơn và với sự đa dạng hữu hiệu hơn về đại diện khu vực tại tất cả các cơ quan của LHQ”, ông A.Guterres nói.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cai-to-lien-hiep-quoc-can-hay-khong-quyen-phu-quyet-497993.html