Cải tổ chế độ hưu trí gây sóng gió tại Pháp

Các biện pháp an ninh đã được siết chặt ở thủ đô Paris, đặc biệt là gần Điện Elysee trong bối cảnh xảy ra các cuộc đình công quy mô lớn phản đối gói cải cách lương hưu mới được đề xuất của chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron.

Các biện pháp an ninh đã được siết chặt ở thủ đô Paris, đặc biệt là gần Điện Elysee trong bối cảnh xảy ra các cuộc đình công quy mô lớn phản đối gói cải cách lương hưu mới được đề xuất của chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron.

Người dân xuống đường đình công phản đối gói cải cách lương hưu mới được đề xuất của chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Người dân xuống đường đình công phản đối gói cải cách lương hưu mới được đề xuất của chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Cảnh sát đã dựng hàng rào an ninh quanh Điện Elysee và một số khu dân cư liền kề, đồng thời khuyến cáo người dân tránh khu vực này và tìm đường khác. Nhiều xe cảnh sát và xe bọc thép lớn hơn được bố trí ở khắp thành phố. Theo kế hoạch, cuộc đình công toàn quốc lần thứ hai sẽ bắt đầu diễn ra vào ngày 10-12.

Nỗ lực của chính phủ

Trong ngày 8-12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp các bộ trưởng liên quan đến chính sách cải cách lương mới khi các cuộc đình công trên toàn quốc vẫn ngày càng diễn biến phức tạp, khiến các dịch vụ vận tải quan trọng rơi vào tình trạng bế tắc.

Trong khi đó, Thủ tướng Edouard Philippe khẳng định chính phủ của ông sẽ không từ bỏ kế hoạch cải cách lương hưu mới nhất này và sẽ tiếp tục nỗ lực “để hạn chế tác động của các cuộc đình công”. Phát biểu với báo giới, ông Philippe nhấn mạnh, ông sẽ không đối đầu với những người đã xuống đường đình công. Theo ông, việc thành lập hệ thống phổ quát, đảm bảo cho người hưu trí và con cái của họ, sẽ phải được tranh luận kỹ càng. “Công dân Pháp hoàn toàn nhận thức được rằng sự phức tạp của hệ thống lương hưu hiện nay - với 42 chế độ khác nhau - không thể tiếp tục tồn tại. Thông thường, người lao động Pháp nghỉ hưu sau độ tuổi quy định. Vấn đề là sự thích nghi. Liệu sự chuyển đổi này sẽ được thực hiện một cách nhanh và đột ngột hay dần dần và hợp lý? Chính phủ sẽ phải đưa ra quyết định của mình”, ông nhấn mạnh.

Thủ tướng Philippe cũng tái khẳng định phương pháp của chính phủ và nói rõ các bước tiếp theo của quá trình cải cách dựa vào đối thoại xã hội. Chính phủ tiếp tục gặp và thảo luận với các công đoàn. Sau đó sẽ lập ra bản tổng kết chi tiết về các kỳ vọng, các điểm đồng thuận và bất đồng. Ông cho biết sẽ trình bày toàn bộ dự án cải cách lương hưu vào 12 giờ ngày 11-12 tới. “Nếu chúng ta không tạo ảnh hưởng sâu rộng, cải cách nghiêm túc và tiến bộ trong ngày hôm nay, những người khác sẽ khiến mọi việc thực sự tàn bạo vào ngày mai”, AFP dẫn lời ông Philippe nói trên tờ Le Journal du Dimanche. Nhưng lãnh đạo của liên minh CGT cứng rắn, Philippe Martinez, đáp trả rằng: “Chúng tôi sẽ theo đuổi cho đến khi chính phủ bãi bỏ chính sách này”.

Thách thức lớn nhất

Hệ thống giao thông vận tải ở thủ đô Paris vẫn tê liệt. Các cuộc đình công, bắt đầu vào 5-12, gợi nhớ lại làn sóng đình công quy mô lớn ở Pháp vào mùa đông năm 1995, vốn kéo dài 3 tuần để phản đối một chính sách xã hội “bị lật ngược” của chính phủ lúc bấy giờ.

Các cuộc đình công có thể chứng tỏ là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Macron, nhân vật chính trị trẻ tuổi lên nắm quyền vào năm 2017 nhờ vào những lời hứa sẽ cải cách triệt để nước Pháp và đã tìm kiếm vị thế nổi bật trên trường quốc tế với tư cách là chính khách số một của Châu Âu. Ông Macron được nhiều người tin rằng đã vượt qua thử thách do phe “áo vàng” tạo ra. Phe này thường kêu gọi các cuộc biểu tình vào thứ 7 hàng tuần chống lại sự bất bình đẳng ở Pháp, và đã làm rung chuyển chính phủ trong năm qua. Nhưng những người mặc áo vàng cũng đã tìm cách sử dụng động lực của các cuộc đình công lần này và tổ chức một cuộc biểu tình mới ở Paris vào cuối tuần qua.

Các công đoàn nói rằng, đề xuất của chính phủ Tổng thống Macron về một hệ thống lương hưu duy nhất sẽ buộc hàng triệu người trong cả khu vực công và tư nhân làm việc cật lực hơn khi tuổi nghỉ hưu chính thức là 62. Ít nhất 800.000 người đã tham gia các cuộc tuần hành trên khắp đất nước từ hôm 5-12, một trong những cuộc đình công lớn nhất của liên minh trong gần 1 thập kỷ qua. Một tuần quan trọng đang chờ đợi chính phủ của ông Macron: những người đi làm sẽ phải vật lộn để đến công sở vào ngày 9-12 và nhiều cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc được lên kế hoạch cho ngày 10-12. Trong một tuyên bố chung, 3 công đoàn đường sắt chính kêu gọi mở rộng đình công từ hôm nay (9-12). Các dịch vụ đường sắt Eurostar và Thalys quốc tế đã bị hủy bỏ.

Khách du lịch ở Paris cũng phải đối mặt với những khó khăn: Bảo tàng Louvre nổi tiếng thế giới cho biết, một số phòng sẽ bị đóng cửa do các cuộc đình công, trong khi triển lãm mang tính bước ngoặt của họa sĩ El Greco tại Grand Palais đã bị đóng cửa. Nhà hát Opera Paris và một số nhà hát ở thủ đô đã hủy các buổi biểu diễn trong vài ngày qua.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_217224_cai-to-che-do-huu-tri-gay-song-gio-tai-phap.aspx