Cái tình của người quan họ

'Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài' là cái tình của người quan họ. Cái tình ấy được nâng niu, gìn giữ, trở thành 'lời ăn nết ở', cốt cách người quan họ. Cái tình ấy tạo nên sức sống cho quan họ hàng trăm năm qua và lan tỏa sinh động trong cuộc sống hôm nay.

Văn hóa và Phát triển

Biểu diễn quan họ tại chùa Bổ Ðà, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: VƯƠNG LÂM

Biểu diễn quan họ tại chùa Bổ Ðà, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: VƯƠNG LÂM

Nghệ nhân quan họ là ai?

Hơn 10 năm qua, kể từ khi bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BAGICO mở Trại hè BAGICO tại huyện Việt Yên (Bắc Giang) để truyền dạy dân ca quan họ cho thiếu nhi thì hầu như năm nào tôi cũng được mời về dự. Con số tôi biết từ các trại hè này là hơn hai nghìn thiếu nhi đã được truyền dạy quan họ miễn phí. Soi chiếu với chương trình hành động quốc gia về bảo vệ dân ca quan họ mà Việt Nam cam kết với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thì đó là một điểm sáng, một con số hết sức ấn tượng. Với kết quả ấy, dịp vừa qua, bà Thực đã hai lần lên bục danh dự nhận bằng Kỷ lục Việt Nam và Kỷ lục thế giới tặng "Chương trình truyền dạy hát dân ca quan họ cho thiếu nhi diễn ra liên tục trong nhiều năm nhất".

Tôi hỏi, quan họ là lối chơi của liền anh, liền chị sao lại truyền dạy cho thiếu nhi? Bà Thực trả lời: Các cháu như tờ giấy trắng, khi được trao truyền vốn quý văn hóa truyền thống của cha ông sẽ tăng "sức đề kháng" trước làn sóng du nhập văn hóa xấu, độc hại. Hơn nữa đây chính là những "hạt nhân" lan truyền tình yêu dân ca quan họ trong các gia đình, nhà trường. Ai là người trao truyền cho các cháu? Là các thầy giáo, cô giáo dạy âm nhạc, liền anh, liền chị và chủ yếu là các nghệ nhân quan họ.

Hai Nghệ nhân Ưu tú quan họ Nguyễn Phú Hiệp và Nguyễn Ðăng Nam cùng quê làng Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên. Với niềm tự hào "Có phải con mẹ con cha/ Thì sinh ở đất Thổ Hà, Vạn Vân", làng Thổ Hà xưa kia có nghề gốm nổi tiếng không kém Phù Lãng (Bắc Ninh), Bát Tràng (Hà Nội). Nay Thổ Hà chuyển sang nghề làm bánh đa nem, vì nghề gốm mai một; còn Vạn Vân (cùng thuộc xã Vân Hà) có nghề nấu rượu nức tiếng gần xa. Thổ Hà được biết đến là một trong 18 làng quan họ cổ bờ bắc sông Cầu - con sông nước chảy lơ thơ, câu hát gọi tên "dòng sông quan họ".

Từ nhỏ được tắm mình trong câu ca quan họ, xuân thu nhị kỳ, trên bến dưới thuyền, rồi theo năm tháng các anh đã có những câu quan họ giắt lưng làm hành trang vượt qua bao gian khổ thời quân ngũ. Phục viên về quê, hai anh tìm đến các nghệ nhân nổi tiếng trong vùng để học hỏi, sưu tầm thêm nhiều làn điệu quan họ cổ. Cứ ở đâu có hội hát là tìm đến giao lưu, để học thầy, học bạn, học cách giao tiếp, ứng xử, tìm ra cách hát, ngân, nảy, luyến láy đặc trưng của mỗi vùng. Với niềm đam mê, chăm chỉ sưu tầm, rèn luyện, cặp liền anh Phú Hiệp - Ðăng Nam nhiều lần giành giải cao tại các liên hoan thi hát dân ca trong tỉnh và toàn quốc. Hai anh đã vinh dự cùng đoàn nghệ thuật của Việt Nam biểu diễn quan họ tại thủ đô Pa-ri (Pháp) năm 2012 nhân kỷ niệm 40 năm thành lập UNESCO.

Là cặp hát quan họ rất ăn ý, nhưng nhiều lần nghe hát, trò chuyện với anh Hiệp, anh Nam, tôi thấy hai anh có nhiều điểm rất khác nhau. Anh Hiệp sinh năm 1962, hơn anh Nam 4 tuổi, vóc dáng thư sinh, cách nói chuyện mô phạm; còn anh Nam mộc mạc, chân chất, có vẻ xuề xòa hơn, gặp nhau là trò chuyện rôm rả. Anh Hiệp trước kia làm nghề cắt tóc, bây giờ chủ yếu dành thời gian đi truyền dạy quan họ cho các trường học, các câu lạc bộ; còn anh Nam quần quật với nghề làm bánh đa nem.

Tôi đem thắc mắc hỏi anh Ðào Trọng Ca, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Việt Yên, sao khác nhau là thế mà khi hát giọng ca Phú Hiệp - Ðăng Nam cứ quyện như keo vậy? Anh Ca giải thích: Lối hát quan họ truyền thống không nhạc đệm phải có cặp. "Phi Hiệp bất thành Nam", "Phi Nam bất thành Hiệp". Giọng hát của Hiệp và Nam khác nhau nhưng bổ trợ cho nhau: Hiệp nền nã, rền, nảy hạt; Nam vang, khỏe. Nam hát rõ ca từ còn Hiệp đỡ cho Nam về sự nền nã, nên khi hai giọng hòa vào nhau mới tạo thành "vang, rền, nền, nảy" là đặc trưng của cách ca quan họ. Nhưng cái tương đồng của họ là "lời ăn, nết ở". Hai anh cùng có niềm đam mê hát, say sưa sưu tầm câu từ, chữ nghĩa, nhất là lời cổ. Tuy không chung mẹ, chung cha nhưng họ đối xử với nhau thân tình như anh em ruột thịt. Trọng nghĩa, mến tài của nhau, luyện với nhau nhiều cho nên hiểu cả cái máy môi, cái lấy hơi của nhau. Mỗi khi Phú Hiệp - Ðăng Nam ca lên, toát được cái hồn của bài hát. Nghệ nhân quan họ là phải sống như thế, hát như thế.

Hẳn phải là người rất yêu quý, trân trọng và phải hiểu sâu sắc về quan họ thì anh Ca mới có thể dành lời khen cho Phú Hiệp - Ðăng Nam như thế được. Tôi biết anh Ca cũng là người hát rất hay, nghe nói anh có thể hát được hàng trăm làn điệu dân ca quan họ.

Quan họ - sợi dây kết nối cộng đồng

Không hẹn mà nên, mới đây tôi đã được gặp bà Nguyễn Thị Thành Thực cùng anh Hiệp, anh Nam, anh Ca tại Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy dân ca quan họ, ca trù trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức nhân kỷ niệm 10 năm dân ca quan họ và ca trù được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca quan họ đang phát triển mạnh mẽ ở tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, ngày càng được nhiều người yêu thích. Hiện toàn tỉnh có 84 câu lạc bộ quan họ, mỗi câu lạc bộ ít thì hai chục người, nhiều thì năm, sáu chục người, với hàng trăm nghệ nhân. Tỉnh Bắc Giang có một Nghệ nhân Nhân dân và 10 Nghệ nhân Ưu tú quan họ.

Tại hội thảo, anh Hiệp lại cùng anh Nam lên sân khấu trình bày câu hát lời cổ mà hai anh mới sưu tầm được. Hát rằng: Tiên sa xuống cõi trần chơi/Hồ về lại nhớ đến nơi cõi trần... Anh Hiệp bảo tâm đắc câu này bởi đúng với triết lý sống của người quan họ, coi cõi trần hơn cả cõi tiên. Và bởi lối sống của người quan họ đẹp như câu hát. Rồi anh giải thích cho tôi về "chơi quan họ". Chơi quan họ không chỉ có ca mà bao gồm cả ý ăn ý ở, ứng xử trong đời thường. Trọng nhau vì nghĩa, say nhau giọng hát, câu ca. Nghĩa người em để trong cơi/ Nắp vàng đậy lại để nơi giường nằm/ Một ngày ba bảy lần thăm/ Mở ra đậy lại em thăm nghĩa người.

Trong tham luận trình bày tại hội thảo, anh Hiệp nhấn mạnh vai trò của nghệ nhân về bảo tồn và phát huy dân ca quan họ. Bởi người nghệ nhân mới hiểu thế nào là cách thức trình bày một canh quan họ cho đúng lề lối, hiểu sâu sắc từng ca từ trong mỗi câu hát, là người truyền lửa, giữ lửa, say mê truyền bá cách chơi quan họ cho cộng đồng.

Ðồng tình với ý kiến của anh Hiệp, ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và GS,TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đều gọi nghệ nhân quan họ là "Báu vật nhân văn sống". Ông Thanh đề xuất, các thế hệ nghệ nhân là những người nắm giữ kỹ năng và là "hồn vía" của di sản quan họ, do vậy Nhà nước cần có chính sách, cơ chế đặc thù (với chế độ đãi ngộ cụ thể) dành cho các nghệ nhân.

Từ góc độ kinh tế, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực và Tiến sĩ Nguyễn Thu Mai, Phó Trưởng Khoa du lịch, Viện Ðại học Mở Hà Nội đề xuất giải pháp về bảo tồn, phát huy, quảng bá dân ca quan họ gắn với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch; gắn trình diễn dân ca quan họ với các điểm tham quan, du lịch. Bà Mai cho rằng, các nghệ nhân quan họ là những nhân tố không thể thiếu trong chuỗi giá trị du lịch và du khách trả tiền để nhận những giá trị đó. Do vậy, người nghệ nhân xứng đáng nhận được thành quả từ đóng góp của mình cho phát triển du lịch.

Anh Ðăng Nam đồng tình với những đề xuất nêu trên, nhưng vẫn bảo, bọn mình chơi vô tư thôi, chẳng tính toán đến kinh tế đâu. Mình có nghề làm bánh đa nem, thu nhập ổn định. Nhà anh Hiệp cũng vậy. Mình mê quan họ, mong có người chơi với mình là quý rồi, càng nhiều người biết cách chơi càng vui. "Gọi đò chẳng thấy đò thưa", nhưng người chơi quan họ thì muốn "Gọi đò phải thấy đò thưa". Mình cứ yêu, cứ say, cứ chia sẻ cái hay, cái đẹp của quan họ đi sẽ có người (thưa) hưởng ứng. Và anh "sở nguyện tòng tâm" vì Câu lạc bộ quan họ làng Thổ Hà do anh và anh Hiệp thành lập từ chỗ ban đầu chỉ có ba người, giờ đã có hơn 30 người. Nhiều cặp kế cận của hai anh rất đam mê hát và hát rất hay.

Tâm sự của Nghệ nhân Ưu tú Ðăng Nam cho tôi hiểu thêm cái tình của người quan họ. Cái tình ấy là biểu tượng của sự chân thành, khát khao, hy vọng cuộc sống được an vui, tươi đẹp. Cái tình ấy chính là sợi dây vô hình kết nối cộng đồng.

TRẦN ÐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/nghe-doc-xem/item/41485002-cai-tinh-cua-nguoi-quan-ho.html