Cải tiến năng suất tại doanh nghiệp: Thành công từ những doanh nghiệp điển hình

Sau gần 10 năm triển khai Chương trình quốc gia về năng suất chất lượng, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến.

Đặc biệt, những mô hình này đã mang lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 Các giải pháp cải tiến năng suất tổng thể đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho nhiều doanh nghiệp.

Các giải pháp cải tiến năng suất tổng thể đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho nhiều doanh nghiệp.

“Sức mạnh” từ những công cụ cải tiến

Áp dụng các công cụ cải tiến cũng như hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ; đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của áp dụng các công cụ cải tiến, thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình điểm về triển khai thành công các dự án này. Điển hình về áp dụng phương pháp quản lý MFCA (Hạch toán Chi phí dòng nguyên liệu) tại Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng miền Trung.

Ông Võ Đình Tân – Đại diện Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng miền Trung cho biết, trong quá trình sản xuất, Công ty đã áp dụng MFCA để kiểm soát nguồn nguyên vật liệu tốt nhất, nhờ đó giảm thiểu tối đa phần phế liệu chảy ra trong quá trình sản xuất. “Hiện trạng trước khi áp dụng MFCA, các nguyên vật liệu của công ty như thép thấm, thép hình chưa được kiểm soát chặt chẽ và bị lãng phí, tạo ra những sản phẩm sai hỏng, chờ tận dụng và có những sản phẩm là không tận dụng được”, ông Tân nói.

Để giảm chi phí cho doanh nghiệp và tránh bị lãng phí, Công ty đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) đã nghiên cứu, triển khai công cụ MFCA trong 6 tháng. Tiến hành phân tích dòng chảy nguyên liệu, nhóm phụ trách MFCA tại Công ty đã chia quy trình sản xuất thành 7 công đoạn; trong đó, chi phí lớn nhất nằm ở công đoạn 1 và công đoạn 7.

Ông Tân tính toán, chi phí trước khi áp dụng MFCA ở công đoạn 1 là 31.963.000 đồng, đối với lô sản xuất 15 cây kèo đỉnh; còn chi phí ở công đoạn 7 là 394.000 đồng. Sau khi áp dụng MFCA, chi phí ở công đoạn 1 đã giảm 14% và giảm 50% ở công đoạn 7. Nếu nhân với số lô sản xuất, thì ước tính, trong 1 tháng, MFCA giúp tiết kiệm được 117 triệu đồng và 1,4 tỷ đồng/năm.

Làn gió của sự thay đổi

Là công ty chuyên sản xuất các sản phẩm cao su và nhựa kỹ thuật phục vụ cho các ngành ôtô, xe gắn máy, thực phẩm, y tế, Công ty TNHH Tương Lai tiếp cận với các hệ thống quản lý chất lượng: ISO 9001, ISO 14001, các công cụ cải tiến như 5S hoặc Kaizen cũng được Công ty áp dụng ngay từ giai đoạn đầu thành lập. Tuy nhiên, chỉ đến khi tham gia Dự án năng suất tổng thể của Bộ Công Thương, sự thay đổi mới thực sự rõ nét và đem lại kết quả khả quan.

Áp dụng MFCA đã giúp cho Công ty Cổ phần kết cấu thép Đại Dũng miền Trung tiết kiệm hơn 1 tỷ đồng/năm.

Theo ông Trương Quốc Cường – Tổng giám đốc Công ty TNHH Tương Lai, doanh nghiệp này chỉ thực sự thay đổi khi tham gia Dự án năng suất tổng thể năm 2018, do Viện Năng suất Việt Nam chủ trì triển khai. Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực trạng sản xuất của Công ty, các chuyên gia tư vấn nhận ra rằng, Công ty có chú trọng đầu tư công nghệ mới, đổi mới thiết bị nhưng hiện tại mới khai thác 60-70% thiết bị, do thiếu đầu ra, điều phối sản xuất chưa tốt và nhiều lãng phí.

Từ những khảo sát của tư vấn, các cuộc họp được tiến hành để tìm giải pháp nào phù hợp nhất với doanh nghiệp. Từng giải pháp được đưa ra đều đi theo đó là tính toán rất kỹ lộ trình áp dụng vừa phù hợp với lịch sản xuất, vừa phù hợp với mức tài chính cần đầu tư. “Chúng tôi đã nhìn thấy sự khác biệt mỗi ngày khi áp dụng năng suất tổng thể, vì thế kể cả đầu tư tốn kém nhưng thấy rõ hiệu quả, chúng tôi cũng chấp nhận theo được hết các giải pháp tư vấn đề xuất” – ông Cường chia sẻ.

Con số sơ bộ sau 10 tháng áp dụng các giải pháp của cải tiến năng suất tổng thể, được thể hiện qua việc khảo sát nhanh với 10 khách hàng lớn, thân thiết của Công ty cho thấy sự phàn nàn của khách hàng về tiến độ giao hàng đã giảm xuống đáng kể. Không chỉ năng suất lao động chung của Công ty tăng 20% mà riêng phân xưởng cao su, sản lượng đã tăng gấp 3 lần/lao động. Đặc biệt, trước kia, mỗi tháng Công ty có tới 1-2 vụ khách hàng khiếu nại về tiến độ giao hàng, về sai mã sản phẩm, thì nay vài tháng mới phát sinh một vụ. Chất lượng sản phẩm được cải thiện tốt hơn nhiều qua các đánh giá tích cực từ khách hàng.

“Cũng những máy móc thiết bị, con người đấy mà năng suất tăng tới 20%, đủ thấy tiềm năng thay đổi còn rất lớn. Có những mã hàng chúng tôi đầu tư thay khuôn thì năng suất tăng tới 50, thậm chí 100%. Ví dụ, trước dùng máy sản xuất khuôn nhỏ, một lần ra được 49 sản phẩm, nay đầu tư máy lớn, ra 144 sản phẩm/một lần ra khuôn, năng suất tăng 300%, tỷ lệ hoàn thành lệnh sản xuất đã tăng từ 85-86% lên 98%”. Đây chính là sự thay đổi mạnh mẽ nhất của công ty khi áp dụng cải tiến năng suất tổng thể”, ông Cường nói.

Bảo Anh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/cai-tien-nang-suat-tai-doanh-nghiep-thanh-cong-tu-nhung-doanh-nghiep-dien-hinh-d173073.html