Cải tiến không tưởng được Trung Quốc thực hiện trên tàu ngầm Kilo 877EKM mua từ Nga

Điểm yếu cố hữu trên các tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo do Nga chế tạo mới đây đã được Trung Quốc khắc phục một cách triệt để.

Tàu ngầm diesel-điện lớp Kilo do Liên Xô trước kia và nước Nga ngày nay chế tạo được mệnh danh là "Hố đen đại dương" nhờ khả năng hoạt động cực kỳ yên tĩnh dưới mặt nước khiến đối phương rất khó phát hiện.

Bên cạnh đó hệ thống vũ khí của tàu ngầm Kilo cũng được đánh giá là mạnh hàng đầu thế giới khi ngoài ngư lôi hạng nặng thì nó còn được trang bị tên lửa hành trình chống hạm siêu âm tầm xa Klub-S.

Kilo cũng là một trong những tàu ngầm diesel-điện hiếm hoi trên thế giới có khả năng phóng tên lửa hành trình đối đất, khiến nó trở thành thứ vũ khí tấn công phi đối xứng cực kỳ lợi hại.

Tàu ngầm diesel-điện Kilo 877EKM của Hải quân Nga. Ảnh: TASS.

Tàu ngầm diesel-điện Kilo 877EKM của Hải quân Nga. Ảnh: TASS.

Mặc dù vậy tàu ngầm Kilo vẫn không được xếp trong top đầu những quái vật dưới nước tối tân nhất hiện nay bởi một lý do đơn giản là nó chưa được trang bị động cơ đẩy không cần không khí (AIP).

Việc thiếu vắng động cơ AIP khiến thời gian lặn dưới nước của tàu ngầm Kilo bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thua xa các lớp tàu có AIP như Scorpene của Pháp hay Type 212/214 của Đức.

Khi buộc phải nổi liên tục để chạy động cơ diesel nhằm nạp pin cho các tấm ắc quy thì ưu thế về khả năng hoạt động yên lặng dưới lòng biển sẽ bị suy giảm rất nhiều, bởi kẻ thù rất dễ phát hiện ra nó trong trạng thái này.

Nhận thấy điểm yếu trên của tàu ngầm Kilo, Nga đã bắt tay chế tạo một lớp tàu ngầm diesel-điện tiên tiến hơn có sử dụng động cơ AIP là chiếc Lada - Dự án 677.

Đáng tiếc rằng do không có kinh nghiệm chế tạo nên động cơ AIP của chiếc Lada thường xuyên bị lỗi nghiêm trọng, đe dọa gây cháy nổ rất cao, bởi vậy Nga đành phải từ bỏ lớp Lada để nghiên cứu một lớp tàu ngầm AIP khác mang tên Kalina.

Trong khi chưa biết đến bao giờ Nga mới chế tạo thành công một lớp tàu ngầm AIP thì Trung Quốc lại chứng tỏ họ đã vượt mặt khi liên tiếp biên chế các tàu Type 039 và Type 041, thậm chí còn xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Trung Quốc đã tích hợp thành công động cơ AIP cho tàu ngầm Kilo 877EKM. Ảnh: China Military.

Nhưng tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó, họ còn muốn cải tiến lắp đặt động cơ AIP cho cả 6 tàu ngầm Kilo (2 chiếc Kilo 877EKM cùng 10 chiếc Kilo 636) mua từ Nga.

Truyền thông Trung Quốc mới đây đã đăng tải một bức ảnh chụp chiếc tàu ngầm Kilo 877EKM của nước này với một chi tiết lạ mắt. đó là khung thân được sửa đổi kéo dài thêm tới 15 m.

Theo đánh giá, đây chính là khoang động cơ AIP được Trung Quốc trang bị thêm cho chiếc tàu ngầm Kilo 877EKM này, nhờ bộ phận bổ sung mà điểm yếu cố hữu của tàu ngầm Kilo đã được khắc phục triệt để.

Tuy rằng còn cần thêm thời gian để đánh giá tính hiệu quả nhưng rõ ràng Trung Quốc đang khiến Nga phải ngước nhìn về thành tựu khoa học công nghệ mà họ đạt được.

Nếu thành công, ngoài việc cải tạo toàn bộ hạm đội tàu ngầm Kilo của mình, Trung Quốc còn có thể xuất khẩu ngược công nghệ nâng cấp với khoang động cơ AIP cho Nga, đây là viễn cảnh khá trớ trêu đối với Moskva.

Phong Vũ (Tổng hợp)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/cai-tien-khong-tuong-duoc-trung-quoc-thuc-hien-tren-tau-ngam-kilo-877ekm-mua-tu-nga/20190904030009204