Cải thiện ý thức người tham gia lễ hội nhờ tuyên truyền

Ông Lê Hữu Mạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn khẳng định, thành công bước đầu trong tổ chức lễ hội ở Sóc Sơn là nhờ coi trọng công tác tuyên truyền, vận động và phát huy vai trò của cộng đồng.

Thay đổi để giữ gìn giá trị tốt đẹp của lễ hội

Cũng như các địa phương khác của TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn có số lượng lễ hội rất lớn, cả huyện có 177 lễ hội. Các lễ hội đều là lễ hội truyền thống, hầu hết đều tổ chức ở quy mô thôn làng, diễn ra chủ yếu trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, tiêu biểu như lễ hội Gióng ở đền Sóc Sơn, đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thời gian qua, Huyện ủy Sóc Sơn đã triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, quy định đối với công tác lễ hội của Trung ương và TP Hà Nội, trong đó có Chỉ thị 41 CT/TW của Ban Bí thư khóa XI. Huyện ủy Sóc Sơn đã chỉ đạo UBND huyện, các đơn vị chức năng tổ chức quán triệt, tuyên truyền, vận động, xây dựng các kế hoạch, với nhiều giải pháp thực hiện cụ thể.

Theo ông Lê Hữu Mạnh, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn, 5 năm qua, huyện Sóc Sơn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các lễ hội được tổ chức đúng quy định, phát huy giá trị truyền thống, không làm biến dạng, thương mại hóa lễ hội; sự văn minh trong lễ hội dần được nâng lên, hạn chế các hoạt động như mê tín dị đoan, cờ bạc trả hình, đốt vàng hương, thắp hương, đặt tiền lễ không đúng quy định, đổi tiền lẻ; đảm bảo vệ sinh ATTP, môi trường; các quy tắc ứng xử văn minh nơi lễ hội ngày càng được phát huy…

Đặc biệt, với huyện Sóc Sơn, việc tổ chức lễ hội đền Sóc - lễ hội lớn nhất và thu hút nhiều du khách, nhiều sự quan tâm của dư luận - đã có sự thay đổi rõ nét.

Lễ hội Gióng, đền Sóc được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2010) và đền Sóc Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (năm 2014).

Những năm trước, bên cạnh những kết quả tích cực trong tổ chức lễ hội, thì vẫn còn những hạn chế, cụ thể như việc tán lộc (hoa tre, trầu cau) theo truyền thống còn có việc tranh cướp, xô xát, bạo lực và phản cảm, tạo dư luận không tốt về lễ hội và hình ảnh của Sóc Sơn.

Thực trạng này đã được Huyện ủy, UBND huyện, Ban tổ chức lễ hội nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, cố gắng giải quyết nhằm phát huy những kết quả, giá trị truyền thống và khắc phục cho được những bất cập hạn chế.

Với quyết tâm thay đổi, Sóc Sơn đã có một quá trình thay đổi về nhận thức, cách làm trong tổ chức lễ hội, mỗi năm một cải cách để tiến tới thống nhất về nhận thức và cách làm, tạo ra những thay đổi căn bản, khắc phục triệt để những biểu hiện xấu của lễ hội.

Sau 3 năm tổ chức, lễ hội Gióng đền Sóc vẫn đảm bảo các nghi lễ tín ngưỡng, tâm linh truyền thống, nhưng tuyệt đối không còn cảnh tranh cướp, bạo lực, phản cảm, đặc biệt là nhận được sự đồng tình, nhất trí, ủng hộ của cộng đồng dân cư tham gia lễ hội, được du khách đánh giá cao.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh: “Từ thực tiễn quản lý, tổ chức lễ hội, tôi đánh giá cao vai trò của công tác tuyên truyền”. Ảnh:Văn Biên

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn Lê Hữu Mạnh: “Từ thực tiễn quản lý, tổ chức lễ hội, tôi đánh giá cao vai trò của công tác tuyên truyền”. Ảnh:Văn Biên

Phát huy công tác tuyên truyền

Cũng theo ông Lê Hữu Mạnh, đạt được kết quả trên, Sóc Sơn đã phát huy vai trò của công tác tư tưởng, tuyên truyền với nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức từ cấp quản lý, người tổ chức, đặc biệt là cộng đồng trong tham gia lễ hội.

Theo đó, qua báo chí (thông qua Hội nghị giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Thành ủy và trực tiếp làm việc, mời báo chí tiếp xúc, phỏng vấn trực tiếp với các đơn vị tổ chức, các thành phần, cộng đồng khu dân cư tham gia lễ hội) nhằm đưa đến cho du khách, nhân dân hiểu biết về nguồn gốc, ý nghĩa của từng nghi thức trong lễ hội, từ đó có hành động đúng khi đến lễ hội; đến việc tổ chức để các cộng đồng tham gia lễ hội trực tiếp thảo luận, thống nhất những chi tiết nhỏ nhất của kịch bản lễ hội, thống nhất từ nhận thức đến hành động của tất cả những người tham gia về việc tạo nên một hình ảnh văn minh của lễ hội.

Sóc Sơn đã tổ chức các buổi thảo luận, trao đổi với cộng đồng dân cư tham gia lễ hội, các nhà quản lý (của Bộ văn hóa - thể thao và du lịch, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội), các nhà khoa học và cả với các cơ quan báo chí để tìm ra giải pháp, cách làm, với yêu cầu: Không làm mất đi truyền thống, bản sắc, đặc biệt là không ảnh hưởng đến đời sống tín ngưỡng, tâm linh của những cộng đồng dân cư tham gia lễ hội.

Với các thôn làng, cộng đồng dân cư tham gia lễ hội, Huyện ủy, UBND huyện, Ban Tuyên giáo, Phòng Văn hóa - thể thao, Ban Quản lý đền Sóc đã phân công cán bộ trực tiếp làm việc với các chi bộ, Hội người cao tuổi, những người có uy tín, có kinh nghiệm và trực tiếp tham gia lễ hội nhiều năm để xin ý kiến về những thay đổi trong kịch bản nghi lễ. Sóc Sơn đã tạo được sự đồng thuận cao trong giải pháp thực hiện.

Theo đó, ban đầu là duy trì kịch bản truyền thống, có tục tán lộc nhưng tăng cường lực lượng CA, thanh niên tình nguyện để hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự; tuyên truyền để các lực lượng thôn làng tham gia lễ hội tuyệt đối không có các hành vi bạo lực, phản ứng lại người tham gia lấy lộc.

Sau đó, Ban tổ chức lễ hội mạnh dạn thay đổi cách thức thực hiện, bỏ hẳn phần rước sau lễ và bỏ việc tán lộc. Thay vào đó là việc đưa lễ vật sau khi làm lễ vào đền Thượng để Ban tổ chức phát lộc cho du khách khi có điều kiện, đảm bảo trong trật tự trang nghiêm, đồng thời vẫn tổ chức các nghi lễ truyền thống tâm linh mà không cần việc rước sau lễ.

Qua 3 năm tổ chức, kịch bản lễ hội được dần bổ sung, cộng đồng đã nhiệt thành ủng hộ, góp nhiều ý kiến trong tổ chức và thực hiện. Du khách, dư luận, báo chí đã có những đánh giá tích cực.

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cai-thien-y-thuc-nguoi-tham-gia-le-hoi-nho-tuyen-truyen-211620.html