Cải thiện toàn diện kỹ năng nghề nông nghiệp

Giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hệ thống kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được cải thiện một cách toàn diện.

Phát triển nghề trồng cây dược liệu theo hướng nông nghiệp hiện đại cho thu nhập cao tại xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định.

Phát triển nghề trồng cây dược liệu theo hướng nông nghiệp hiện đại cho thu nhập cao tại xã Hải Đông, Hải Hậu, Nam Định.

Đây là vấn đề trọng tâm trong chiến lược phát triển kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian tới.

6 triệu lao động nông thôn cần được đào tạo

Theo đó, ngành nông nghiệp sẽ được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất cao, chất lượng cao, tăng giá trị, phát triển theo chuỗi giá trị, hướng tới xuất khẩu sản phẩm chế biến sâu có thương hiệu cạnh tranh trong hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến 2030, phát triển và nâng cao kỹ năng nghề cho lực lượng lao động khoảng 17 triệu người làm việc và tham gia làm việc trong lĩnh vực nông lâm, nông nghiệp đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh có năng xuất, hiệu quả, nâng cao tính cạnh tranh, an toàn sức khỏe lao động và hội nhập quốc tế.

TS Nguyễn Minh Đức – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Chiến lược phát triển kỹ năng nghề trong lĩnh lực nông nghiệp nhằm bảo đảm cho lực lượng lao động nông nghiệp nông thôn có kỹ năng cơ bản, nền tảng, đa dạng, có tính đa ngành nghề, xuyên ngành nghề và tích hợp, trong đó 90% đạt bậc 1 hoặc tương đương trở lên; 80% đạt bậc 2 hoặc tương đương trở lên...

Việc xây dựng chiến lược dựa trên cơ sở phân tích các kỹ năng nghề trong ngành nông nghiệp; Hồ sơ của các việc làm chính và các kỹ năng chủ yếu trong ngành; Nguồn cung kỹ năng, hoạt động đánh giá và công nhận kỹ năng cho các tiểu ngành/nghề. Xác định khoảng trống kỹ năng nghề và thách thức, khó khăn của nguồn cung kỹ năng, đánh giá kỹ năng nghề.

Giải pháp phát triển kỹ năng sẽ ưu tiên thúc đẩy trang bị kỹ năng đổi mới sáng tạo, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng thích nghi, thích ứng cho người lao động phù hợp với xu thế phát triển kỹ năng nghề trên thế giới.

Dự báo đến năm 2025, tổng số lao động trong ngành nông lâm thủy sản là 15,3 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động trong các tiểu ngành trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm và chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Dự kiến đến năm 2025 có khoảng 5,1 triệu lao động tham gia trồng cây hàng năm; 4,1 triệu lao động trồng cây lâu năm và 3,5 triệu lao động chăn nuôi.

Giai đoạn 2021 - 2025 nhu cầu học nghề nông nghiệp của lao động khu vực nông thôn từ 3,5 - 6 triệu lượt người học phụ thuộc vào tình hình phát triển 3 trục ngành hàng sản phẩm nông nghiệp, khả năng thu hút đầu tư phát triển các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và yêu cầu đẩy mạnh tỷ lệ giảm nghèo trong nông thôn.

Thu hẹp khoảng trống kỹ năng

Theo Bộ NN&PTNT hiện nay lực lượng lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản đang có khoảng gần 17,5 triệu lao động, nhưng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo mới chỉ đạt 25%. Con số thống kê cho thấy nhu cầu đào tạo và phát triển kỹ năng phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp là rất lớn.

Bà Trần Thị Loan - Trưởng phòng Ngành nghề nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp hình thành được 13 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia; khoảng từ 200 - 300 sản phẩm chủ lực cấp vùng và tỉnh và khoảng 2.500 sản phẩm nông nghiệp của các địa phương, sản phẩm Ocop.

Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tăng từ 50.000 doanh nghiệp hiện nay lên 80.000 - 100.000 doanh nghiệp vào năm 2030, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa.

Số lượng các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả cũng tăng từ 16.479 hợp tác xã hiện nay lên khoảng 30.000 hợp tác xã vào năm 2030. Số tổ hợp tác, trang trại nông nghiệp cũng sẽ tăng tương ứng từ 39.500 tổ hợp tác và 39.700 trang trại hiện nay lên 100.00 tổ hợp tác và trang trại mỗi loại năm 2030.

Vấn đề đặt ra đối với đào tạo lao động có kỹ năng nghề trong ngành nông nghiệp là tập trung thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất chất lượng lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Trong đó, xây dựng chiến lược kỹ năng nghề cho ngành nông nghiệp. Ban hành quy định danh mục ngành, nghề phải sử dụng lao động qua đào tạo nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng với doanh nghiệp, thu hẹp “khoảng trống về kỹ năng” của lực lượng lao động nông nghiệp.

Xây dựng các mô hình đào tạo kỹ năng nghề nông nghiệp, đặt hàng đào tạo nghề chất lượng cao gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo cho một số ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm của ngành nông nghiệp. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề cho lao động nông thôn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/cai-thien-toan-dien-ky-nang-nghe-nong-nghiep-exaknG0Gg.html