Cải thiện môi trường kinh doanh: Thách thức nằm ở chính mình

Chương trình, nội dung, giải pháp cải cách được đánh giá chỉ đóng góp 5% vào thành công, còn 95% là phụ thuộc vào việc thực thi.

Mục tiêu 1 triệu DN đạt được hay không?

Liệu mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN hoạt động (theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016) vào năm 2020 có đạt được? Đây là câu hỏi được đặt ra tại Diễn đàn Phát triển DN Việt Nam 2018 do Tạp chí Kinh tế và Dự báo - Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 19/6.

Trả lời câu hỏi này, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thẳng thắn cho rằng, với tốc độ, quy mô và kết quả cải cách như hiện nay thì rất khó để đạt được mục tiêu rất thách thức này. Cùng quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương hiệu và Cạnh tranh đã nhẩm tính nhanh trong khoảng thời gian còn lại từ nay đến năm 2020, với quy mô DN thành lập mới, giả sử đạt trung bình 120 nghìn DN/năm (nhưng cũng trên dưới 50% trong số đó giải thể hoặc dừng hoạt động), cộng với số DN hiện tại thì vẫn còn cách rất xa mới đạt được mục tiêu này.

DN là những hạt nhân của nền kinh tế

Nhưng ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI tỏ ra lạc quan hơn khi cho rằng, mục tiêu trên vẫn hoàn toàn khả thi khi nhìn vào tiềm năng 2 triệu hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang hoạt động và với niềm tin cải cách sẽ mạnh hơn. “Số lượng hộ kinh doanh tiềm năng trở thành DN rất lớn. Nhưng hiện vướng mắc lớn của việc chuyển đổi này là chưa có khuôn khổ pháp lý phù hợp, tạo thuận lợi cho sự chuyển đổi này, nhất là về chế độ thuế và kế toán. Đó là chưa kể cứ lên thành DN thì hoạt động thanh tra, kiểm tra rất nhiều”, ông Tuấn cho biết.

Chính sách chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN cũng được TS.Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh – Bộ Kế hoạch Đầu tư cho là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu 1 triệu DN. Bên cạnh đó, việc làm sao giữ được các số DN đã gia nhập thị trường tồn tại và phát triển được cũng là một cách để tăng số DN hoạt động lên.

Trong hai năm 2016 và 2017, tỷ lệ số DN rút lui khỏi thị trường (bao gồm DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh và DN đã hoàn tất thủ tục giải thể) trên số DN gia nhập thị trường (bao gồm DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động) lần lượt là 47,4% và 53,5%. Dẫn dữ liệu gia nhập và rút lui khỏi thị trường của một số nước, bà Minh cho biết tỷ lệ trên ở Việt Nam nằm trong giới hạn thông thường. Tuy nhiên, nếu bớt được số DN rút lui khỏi thị trường cũng sẽ là một cách để đạt được mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Một tin rất đáng mừng là hiện có tới 87% trong số gần 127 nghìn DN được thành lập năm 2017 đang hoạt động.

Và thách thức phía trước

Ông Phan Đức Hiếu ghi nhận, hàng loạt chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ với những kết quả tích cực đạt được trong thời gian vừa qua cho thấy MTKD của Việt Nam đã có nhiều cải thiện. Nhưng vẫn còn rất nhiều thách thức phía trước để MTKD tốt hơn. Trong đó, thách thức về thời gian để thực hiện cải cách và thời gian để hoàn thành cải cách là rất lớn.

Nghị quyết 19/2015 đặt mục tiêu đạt được mức trung bình của ASEAN 4; nhưng dù đã cải cách đáng kể, đã tăng thứ hạng trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhưng vẫn ở thứ 5 trong ASEAN, tức là chưa đạt mục tiêu. Đến nay Nghị quyết 19/2018 lần thứ 5 này thì mục tiêu đề ra vẫn cơ bản như vậy. Vậy còn bao nhiêu năm nữa để chúng ta hoàn thành được Nghị quyết 19?, ông Hiếu đặt câu hỏi, qua đó chỉ rõ áp lực thời gian và vấn đề hoàn thành được các cải cách đúng, đủ về mặt thời hạn là rất quan trọng.

Một trọng tâm khác là yêu cầu về bãi bỏ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) để thúc đẩy phát triển. Câu hỏi đặt ra là bao giờ xóa bỏ được đầy đủ như yêu cầu khi mà hiện vẫn còn có những bộ, ngành đang đang trong quá trình rà soát, xây dựng phương án, soạn thảo các văn bản… để trình Chính phủ. Trong khi có những ĐKKD không chỉ quy định ở các nghị định mà còn liên quan đến các luật và sửa luật thì không chỉ tính bằng tháng mà phải bằng năm. “Tôi cho rằng, nếu có những nỗ lực cao nhất để hoàn thành việc này thì cũng phải ít nhất hai năm nữa mới xong, mà như vậy cũng có thể nói là đã rất thành công”, ông Hiếu nói.

Về cải cách, hiện nay chúng ta mới đang có tư duy xóa bỏ rào cản – tức là bỏ đi những gì vướng mắc, trong khi ở nhiều nước đã tiến sang một bước khác, đó là phải cải cách nhằm tạo ra các yếu tố mang tính thúc đẩy phát triển chứ không còn đơn thuần là rỡ bỏ rào cản như vậy nữa. “Hiện chúng ta mới đang tập trung vào làm được hai việc là xóa bỏ rào cản các gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật và cắt giảm ĐKKD. Còn một loạt các yếu tố để thúc đẩy DN phát triển cũng rất cần mà hiện chúng ta chưa có chủ trương rõ nét như liên quan đến rủi ro pháp lý (tác động đến kinh doanh dài hạn của DN), sự an toàn trong kinh doanh (quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ…) và chính sách đẩy cạnh tranh. Đây là thách thức lớn thứ 2 đang đặt ra”.

Với cách làm hiện nay, theo ông Hiếu mới chỉ là cải thiện mà cải thiện thì sẽ không tạo ra sự phát triển như kỳ vọng. Vậy cần có những cải cách đột phá để thực sự tạo ra động lực cho phát triển. Việt Nam đang rất thiếu vắng những cải cách mang tính đột phá này. Hơn nữa, để có cải cách thành công, việc đưa ra chương trình, nội dung, giải pháp cải cách chỉ chiếm 5% thành công, còn 95% là phụ thuộc vào việc thực thi như thế nào.

Đỗ Lê

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-thach-thuc-nam-o-chinh-minh-76919.html