Cải thiện môi trường kinh doanh: Phía trước còn chông gai

Môi trường kinh doanh (MTKD) của Việt Nam tăng 14 bậc từ 82 lên 68 - theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB).

Đây là mức tăng bậc nhiều nhất trong thập niên qua của Việt Nam. Thứ hạng MTKD Việt Nam đã cải thiện nhưng vẫn chưa đạt mức trung bình của ASEAN 4...

Vẫn còn khoảng cách lớn
Lý giải cho sự thăng hạng MTKD, báo cáo của WB chỉ ra có 6 chỉ số được đánh giá tác động tích cực nhất là chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội (tương ứng tăng 14,78 điểm và 81 bậc), đạt vị trí 86/190 (năm ngoái ở vị trí 167); Tiếp cận điện năng với thứ hạng 64/190 nền kinh tế (tăng 32 bậc); Tiếp cận tín dụng tăng 3 bậc, vươn lên vị trí thứ 29/190; Chỉ số Cấp phép xây dựng xếp hạng thứ 20/190, cải thiện 4 bậc so với năm ngoái (thứ hạng 24); Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư xếp thứ 81/190, được ghi nhận tăng 6 bậc; Chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng 3 bậc, từ vị trí 69 lên vị trí 66/190.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn 4/10 chỉ số MTKD giảm bậc gồm: Khởi sự kinh doanh (giảm 2 bậc), Đăng ký sở hữu tài sản (giảm 4 bậc), Giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 1 bậc) và Giải quyết phá sản DN (giảm 4 bậc). Sự giảm bậc không phải do các chỉ số không có sự cải thiện mà do các quốc gia khác có sự cải thiện tốt hơn Việt Nam trên các chỉ số này. Cùng với Việt Nam, 3 nước trong ASEAN gồm Thái Lan, Indonesia và Brunei cũng có sự tăng hạng vượt bậc và thậm chí nhanh hơn. Cụ thể, Thái Lan tăng 20 bậc, Indonesia tăng 19 bậc, Brunei tăng 16 bậc.
Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung nhận xét, MTKD tốt lên, nhưng đó chỉ là “tốt so với chúng ta”. Để mục tiêu đạt mức trung bình của nhóm ASEAN 4, Việt Nam phải xếp thứ 43. Đây là khoảng cách rất lớn. Cuộc đua MTKD với ASEAN 4 của Việt Nam vẫn tiếp tục.
Tiếp tục cải cách thể chế
Theo Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, thực tế hiện nay cho thấy, các DN không thể kết nối được với nhau. Đây là những vấn đề đặt ra khi nỗ lực thúc đẩy MTKD. Hay như trong quá trình thực hiện Nghị quyết 19, trong 3 năm 2014 - 2016, có tới 80% nhiệm vụ cần sự phối hợp liên ngành, vì vậy rất cần làm rõ phần việc, trách nhiệm của từng bộ, ngành trong từng chỉ tiêu, chỉ số về MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 cho biết, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn. “Số DN ngừng hoạt động và giải thể vẫn tăng. Có nhiều khoản chi phí không chính thức và chi phí chính thức còn cao, nhất là vận tải, logistics…”. Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tiếp tục đưa ra các giải pháp cắt giảm các loại phí, chi phí cho DN.
“Hành trình cải cách vẫn còn rất gian nan và mọi việc không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Vì vậy, điều đáng mừng nhất là Chính phủ đã không quá lạc quan với thành tích này” - ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ. Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, Chính phủ vẫn cần tập trung vào việc khơi thông các nguồn lực trong nước, phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, thông qua đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giảm các chi phí đang đè lên vai người dân và DN.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới so sánh Việt Nam với nhiều nước trên thế giới và các nước trong khu vực đều thống nhất ở chỗ, Việt Nam đang còn nhiều hạn chế ở vấn đề thể chế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực...

Việt Nam mong muốn được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường thì trong đó MTKD là vô cùng quan trọng. Cần hành động trên nhiều tuyến, phối hợp chặt chẽ, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, sự chủ động vào cuộc của những người đứng đầu, yêu cầu trách nhiệm giải trình đối với họ…

Viện trưởng Viện CIEM Nguyễn Đình Cung

Nguyên Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-phia-truoc-con-chong-gai-302170.html