Cải thiện môi trường kinh doanh: Chỉ cần công chức thay đổi, doanh nghiệp sẽ đỡ khổ

Nhiều khó khăn của doanh nghiệp bắt nguồn từ chính cấp thực thi, chứ không phải từ hệ thống quy định.

Doanh nghiệp bị xuất toán vì… chi nhiều, vay nhiều

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ mới đây của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), các vấn đề của ngành thuế lại có mặt.

Một số doanh nghiệp bị xuất toán các hóa đơn, chứng từ của các công ty đã phá sản hoặc giải thể tại thời điểm kiểm tra, mặc dù đó là chi phí hợp lý tại thời điểm phát sinh hóa đơn. Một số doanh nghiệp có nhiều hóa đơn bị loại với lý do là “chi nhiều quá” và thường rơi vào các khoản chi phí tiếp khách, xăng xe, quảng cáo... Có doanh nghiệp bị xuất toán các khoản lãi vay ngân hàng với lý do “vay nhiều quá”.

Trong phần giải trình, doanh nghiệp đều nêu căn cứ pháp lý mà họ tuân thủ. Đơn cử, với chi phí quảng cáo, sau khi Thông tư 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 22/6/2015 có hiệu lực, mức 15% khống chế đã được bỏ. Điều này có nghĩa là việc xuất toán chi phí quảng cáo của doanh nghiệp là do khâu thực thi, chứ không phải do quy định.

Khái niệm “sơ chế” và “chế biến” cần được làm rõ để phù hợp với thực tế thị trường và theo kịp các công nghệ chế biến hiện đại

Thực ra, Ban IV từng có đánh giá rất cao về những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong ngành thuế. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV cũng ghi rõ điều này. Nhưng các phát sinh thực tiễn đang khiến mong muốn của doanh nghiệp với ngành thuế nặng hơn. Các doanh nghiệp đã gửi 2 vấn đề chính tới ngành thuế, đề nghị tiếp tục cải cách.

Một là, tính ổn định và mức độ hỗ trợ doanh nghiệp khi sử dụng Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Nhiều doanh nghiệp phản ánh, họ vẫn thường xuyên gặp trường hợp lỗi hệ thống khi thực hiện khai hồ sơ thuế và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đặc biệt là trong thời điểm cuối tháng hoặc cuối kỳ quyết toán thuế.

Hai là, việc thực hiện các thủ tục về thuế giữa các địa phương chưa có sự thống nhất, mỗi tỉnh đề ra những quy định khác nhau, khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc khi thực hiện cùng một thủ tục, làm kéo dài thời gian thực hiện thủ tục do phải chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ.

Tất nhiên, không chỉ có cơ quan thuế xuất hiện trong báo cáo của Ban IV. Những tồn tại trong công tác hải quan, kiểm tra chuyên ngành, các vướng mắc, chồng chéo trong các quy định về đầu tư, đất đai, môi trường tiếp tục được gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

Gỡ từ công chức thực thi

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban IV đã rất hào hứng chia sẻ câu chuyện về một cục thuế không thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong năm 2020. “Đó là Cục Thuế tỉnh Bình Định. Tôi đã xin phép Cục trưởng Cục Thuế Bình Định lan tỏa câu chuyện này, để doanh nghiệp các tỉnh khác hy vọng về… một ngày không xa ở tỉnh mình”, bà Thủy hào hứng.

Cả năm 2020, Cục Thuế Bình Định đã thực hiện kiểm tra 10.556 hồ sơ khai thuế các loại tại cơ quan thuế, chấp nhận hơn 9.300 hồ sơ, số còn lại yêu cầu thông giải trình, điều chỉnh. Chỉ có 23 hồ sơ đề nghị kiểm tra tại doanh nghiệp. Kết quả là số thu của Cục Thuế Bình Định năm 2020 cao hơn năm 2019, về đích trước 1 tháng.

So với con số 909 đơn vị mà Cục Thuế tỉnh Bình Định đã thanh tra, kiểm tra trực tiếp trong năm 2019, một không khí làm việc hoàn toàn khác đã diễn ra tại Bình Định, ở cả cơ quan thuế và doanh nghiệp.

Nhưng quan trọng hơn, theo bà Thủy, nhận thức và hành động đã chuyển từ quản lý doanh nghiệp sang phục vụ doanh nghiệp. Giả thiết là các doanh nghiệp có các vướng mắc trên hoạt động tại Bình Định trong năm vừa rồi, thì những lý do chi phí nhiều quá, vay nhiều quá khó có thể xuất hiện.

“Khi các công chức thuế nhắc doanh nghiệp thời gian nộp tờ khai thuế để tránh bị phạt hành chính, thì tôi tin, doanh nghiệp sẽ tập trung vào sản xuất, kinh doanh, tự giác tuân thủ pháp luật thay vì… lách luật”, bà Thủy nói.

Bà Thủy cũng nhấn mạnh, Cục Thuế Bình Định là cục thuế duy nhất của cả nước làm được việc này. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, có lẽ cũng không có nhiều ví dụ tích cực như vậy trong các ngành khác.

Ngay trong các vướng mắc gửi Thủ tướng Chính phủ lần này, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam lại góp thêm đề xuất… cũ. Đó là việc một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến hồ tiêu chất lượng cao đang bị áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 20% thay vì 15%.

Theo quy định, 20% áp dụng cho hình thức sơ chế sản phẩm tương tự các xưởng sản xuất thủ công, chứ không phải là các doanh nghiệp có nhà máy chế biến hồ tiêu đạt chuẩn. Hiệp hội Hồ Tiêu Việt Nam tiếp tục đề nghị cho phép các doanh nghiệp này áp mức thuế 15% dành cho doanh nghiệp chế biến.

Đây cũng là kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) liên tục từ năm ngoái.

Lần này, Ban IV kiến nghị Chính phủ về việc chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì làm việc, đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến các sản phẩm nông nghiệp để nghiên cứu, làm rõ 2 khái niệm “sơ chế” và “chế biến”, từ đó ban hành văn bản định nghĩa rõ ràng, phù hợp với thực tế thị trường và theo kịp các công nghệ chế biến hiện đại…

Nếu các công chức thực sự muốn làm sáng tỏ vấn đề này để gỡ khó cho doanh nghiệp, có lẽ không phải quá khó và cần mất quá nhiều thời gian như vậy.

Doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều rủi ro rất lớn liên quan tới thuế xuất nhập khẩu. Điều này xuất phát từ việc các mô tả hàng hóa gắn với mã HS chưa thực sự rõ ràng, chưa giúp người thực thi có thể phân định thuận lợi. Có tình trạng một mã hàng (mã HS) có thể áp cho vài mặt hàng hoặc nhiều mã hàng có thể áp cho một mặt hàng trong thực tế. Hệ quả là, ở thời điểm nhập khẩu, doanh nghiệp được cơ quan hải quan ấn định một mã, sau vài năm khi kiểm tra sau thông quan thì lại yêu cầu áp mã khác và truy thu thuế.

Có nhiều trường hợp mặt hàng “lưỡng tính”, có thể áp các mã HS khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của cơ quan hải quan.

Nguồn: Ban IV

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-chi-can-cong-chuc-thay-doi-doanh-nghiep-se-do-kho-d136770.html